Câu chuyện nhập siêu: Các điểm yếu cố hữu
Nhập siêu không phải lúc nào cũng là điều đáng lo ngại của một nền kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng nhập siêu của Việt Nam thể hiện nhiều điểm yếu của các chính sách kinh tế. Muốn phần nào giải quyết vấn đề nhập siêu đáng báo động hiện nay thì cần phải vạch rõ những điểm yếu này.
Thứ nhất, tình trạng đầu tư công tràn lan không những đưa đến vấn đề thiếu hiệu quả kinh tế và thâm hụt ngân sách mà còn gia tăng nhập khẩu để đáp ứng cho cầu gia tăng. Ở khía cạnh này, Chính phủ cần phải cương quyết cắt giảm đầu tư công vào những dự án không trọng yếu và đòi hỏi nhập khẩu cao.
Thứ hai, lạm phát do các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng (để thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá) gây ra cũng gây khó khăn cho cán cân thương mại. Khi lạm phát trong nước tăng cao mà tỷ giá chưa được điều chỉnh cho thích hợp thì xuất khẩu sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu cứ phá giá tiền đồng để gia tăng xuất khẩu và giảm bớt nhập khẩu thì lại đưa đến những hệ quả tiêu cực khác, kể cả tác động xấu lên lạm phát. Do đó, kiềm chế lạm phát thông qua việc thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ một cách thận trọng là điều phải thực hiện nếu muốn tránh bớt sự mất ổn định của cán cân thương mại.
Thứ ba, Việt Nam vẫn chưa có những chiến lược hiệu quả để chọn lọc các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước và tạo ra các hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế nội địa. Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm một phần không nhỏ trong tổng nhập khẩu của Việt Nam và chưa đóng góp được nhiều vào nỗ lực phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước. Do đó, muốn hạn chế bớt nhập siêu thì các nỗ lực sàng lọc các dự án FDI cần phải được tăng cường.
Thứ tư, quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đi đôi với sự gia tăng phân hóa giàu nghèo đáng kể. Một bộ phận đã giàu lên một cách dễ dàng, không đắn đo trong việc mua sắm các mặt hàng xa xỉ nhập khẩu, làm trầm trọng thêm vấn đề nhập siêu. Do đó, Chính phủ nên cân nhắc các biện pháp hạn chế nguồn nhập siêu này, chẳng hạn như đánh thuế tối đa đối với các mặt hàng xa xỉ. Số ngân sách thu được từ nguồn này nên dùng vào việc hỗ trợ các chương trình phúc lợi dành cho người nghèo.
Thứ năm, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược thỏa đáng để khắc phục vấn đề nhập siêu với Trung Quốc. Muốn xoay chuyển tình hình này thì cần phải (a) sử dụng các công cụ chống bán phá giá và trợ cấp đối với một số mặt hàng Trung Quốc và (b) có chiến lược cụ thể để thâm nhập thị trường Trung Quốc cũng như đối phó với các rào cản mà Trung Quốc dựng lên đối với hàng Việt Nam.
Cuối cùng, tình trạng nhập siêu ồ ạt xảy ra cũng một phần là do Việt Nam chưa mạnh tay trong việc bảo vệ các nhà sản xuất nội địa thông qua các công cụ pháp lý được cho phép bởi WTO. Ngoài việc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp, Chính phủ có thể sử dụng “điều khoản giải thoát” (escape clause) của WTO để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trong trường hợp họ bị tổn thương bởi sự gia tăng ồ ạt của nhập khẩu. Hành động này có thể bị trả đũa bởi các đối tác thương mại, nhưng ở một mức độ nào đó nó vẫn cần thiết trong việc giải cứu các ngành chiến lược cho việc phát triển đất nước.
Quá sớm để đánh giá tác động của chính sách
Tình hình xuất nhập khẩu bốn tháng đầu năm 2011 nói chung có khá hơn một chút so với bốn tháng đầu năm 2010, tức là chỉ số tăng xuất khẩu có cao hơn tỷ số tăng nhập khẩu một chút. Điều này có vẻ đáng mừng nhưng chưa hẳn thế. Ta thấy rõ là nhập siêu tháng 4 có giảm so với tháng 3 nhưng là do giảm của khu vực có vốn nước ngoài, còn khu vực có vốn trong nước vẫn tăng.
Cần thấy là Nghị quyết 11 chống lạm phát chỉ ra đời vào cuối tháng 2 và Ngân hàng Nhà nước chỉ nâng lãi suất vào cuối tháng 3, như thế có thể là chính sách chống lạm phát cùng với chính sách phá giá đồng bạc và cắt giảm chi tiêu, nếu có, chưa thực sự có ảnh hưởng.
Với một nền kinh tế chủ yếu là quốc doanh, dựa vào nguồn chi của ngân sách và tín dụng của Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất có tác dụng rất ít đến quyết định đầu tư. Điều này chỉ có thể theo dõi qua số liệu về tín dụng và chi tiêu của ngân sách. Nếu quả thật được thực hiện thì thâm hụt xuất nhập khẩu sẽ giảm trong thời gian tới.
Cho nên còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng của chính sách mới với tình hình xuất nhập khẩu vào lúc này, dựa vào số liệu chỉ mới đến tháng 4.
Theo tôi nghĩ, không thể yêu cầu người dân mua hàng thiếu phẩm chất mà giá lại đắt cho nên không nên có biện pháp hành chính ngăn cấm nhập khẩu. Tuy vậy nước nào cũng cần có biện pháp ngăn chặn hàng phi pháp, không đạt tiêu chuẩn an toàn sức khỏe.
Vũ Quang Việt |
Trần Lê Anh
TBKTG
|