Thứ Năm, 12/05/2011 21:38

Câu chuyện nhập siêu: Hai nguyên nhân chính

Chuyện nhập siêu cao trở lại, sau bốn tháng đầu năm đã lên đến gần 5 tỉ đô la Mỹ, trong đó nhập siêu với Trung Quốc chiếm gần 4 tỉ đô la Mỹ theo thống kê mới nhất, là kết quả khó tránh sau các biện pháp ngăn chặn đầu cơ vàng, giảm việc găm giữ đô la Mỹ và giúp ổn định tỷ giá tiền đồng.

* Để giải quyết vấn đề nhập siêu

Tiền đồng lên giá từ mức 22.300 đồng/đô la Mỹ, ở đáy thấp nhất trên thị trường tự do vào tháng 2 sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá 9,3% với đô la Mỹ, tới mức 20.500 đồng/đô la Mỹ tuần vừa qua, hay tăng gần 8% giá trị so với đô la Mỹ.

Do tiền RMB (nhân dân tệ) gần như thay đổi rất ít so với đô la Mỹ trong cùng thời gian ngắn, tiền đồng mặc nhiên lên giá khoảng gần 8% so với nhân dân tệ và làm hàng hóa từ Trung Quốc, cả hàng hóa thông thường lẫn máy móc nguyên vật liệu, rẻ đi nhiều trên thị trường Việt Nam. Và tỷ giá mới này khuyến khích thêm nhập siêu từ Trung Quốc. Nếu khuynh hướng này tiếp tục cho cả năm, nhập siêu với Trung Quốc có thể lên tới 12 tỉ đô la Mỹ và sẽ đẩy nhập siêu tổng cộng lên 15 tỉ năm 2011, cao hơn 25% so với năm rồi (ở mức 12 tỉ).

Đây chính là nguyên nhân căn bản khiến người viết bài này nghi ngại khi phát biểu không đồng tình với dự báo chính thức khá lạc quan của vài giới chức, cho rằng cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam sẽ có thặng dư 1-2 tỉ đô la Mỹ vào năm nay.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất huy động đô la Mỹ xuống 3% mới đây (cần thiết cho việc làm tăng giá trị tiền đồng để giúp ổn định tỷ giá và làm giảm mặt bằng lãi suất chung trong mấy tháng tới) có thể làm giảm lượng kiều hối độ 1-2 tỉ đô la Mỹ (như chiều hướng đã được thống kê xác nhận trong vài tuần vừa qua).

Cộng chung với nhập siêu dự báo tăng 3 tỉ, cán cân thanh toán năm nay có thể tiếp tục thâm hụt chừng 1-2 tỉ (mặc dù phần sai số có thể giảm đi nhiều), có giảm so với thâm hụt 3 tỉ đô la Mỹ năm 2010.

Trở lại chuyện nhập siêu của Việt Nam, có hai nguyên nhân chính:

1. Nguyên nhân tiền tệ: từ nhiều năm nay lạm phát Việt Nam cao đáng kể so với vùng và thế giới, nhưng tiền đồng luôn được giữ ở mức cao và tỷ giá này đang khuyến khích cho nhập siêu.

2. Do cấu trúc sản xuất hiện tại của nền kinh tế thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ như nhiều nghiên cứu đã nói đến, phần lớn giá trị xuất khẩu là nguyên liệu và trang thiết bị nhập khẩu.

Một trong những nghiên cứu định lượng sâu sắc nhất về vấn đề này là của GS. Nguyễn Thị Cành, dùng bảng phân tích I/O (Input-Output) năm 2005 của Tổng cục Thống kê, để tìm ra rằng Việt Nam chưa có đủ các ngành phụ trợ cần thiết trong sản xuất nên “cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam gồm trên 90% là nhập khẩu phục vụ đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước”.

Đó là lý do quan trọng giải thích tại sao dù xuất khẩu tăng nhanh trong thập niên qua nhưng nhập siêu vẫn đè nặng trong cán cân thanh toán của Việt Nam.

Trong lâu dài, các chính sách thích hợp để giảm nhập siêu sẽ là:

1. Có chính sách vĩ mô thích hợp để duy trì tăng trưởng bền vững, hàm ý giảm lạm phát một cách đáng kể trong trung và dài hạn để vừa đạt được ổn định tỷ giá tương đối vừa tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

2. Nghiên cứu việc thay đổi cấu trúc sản xuất của Việt Nam một cách căn bản, dựa trên việc cập nhật hóa bảng I/O cho cấu trúc mới của các năm 2009-2010 và từ đó suy ra các ngành phụ trợ cần khuyến khích phát triển vững mạnh trong 5-10 năm tới để giảm nhập siêu.

TS.Phạm Đỗ Chí

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tuần tới, EU thông báo sửa đổi ưu đãi thuế quan phổ cập (12/05/2011)

>   Kim ngạch thương mại Việt Nam-Mỹ tăng gần 20% (12/05/2011)

>   Nhiều doanh nghiệp tính cắt giảm sản xuất và lao động (12/05/2011)

>   Chuẩn bị khởi công nhà máy gang thép Sơn La (12/05/2011)

>   Loay hoay “sáng kiến” dự trữ lưu thông thép, phôi (12/05/2011)

>   XNK với thị trường Trung Quốc: Thận trọng trong thanh toán (12/05/2011)

>   Để giải quyết vấn đề nhập siêu (12/05/2011)

>   Giải bài toán vốn: Doanh nghiệp phải tự cứu mình (12/05/2011)

>   Xem xét việc xử phạt Công ty Toyota Việt Nam (12/05/2011)

>   Thuỷ điện nhỏ kêu cứu (12/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật