Thứ Sáu, 13/05/2011 15:35

Tranh cãi gay gắt về tình hình cung ứng đường

Ông Nguyễn Lộc An, vụ phó trưởng vụ Thị trường trong nước trả lời phản ánh của báo chí, rằng nhà máy nói giá đường hạ, song đường bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn rất cao, thậm chí chênh giá nhà máy đến 10.000đ/kg.

Chủ tịch hiệp hội Mía đường kêu khó trước trước tình trạng các nhà máy đường đang tồn kho song đường nhập khẩu vẫn tràn về. Nhưng theo vụ Thị trường trong nước (bộ Công thương), hiệp hội phải xem lại hệ thống phân phối chứ không cứ “yếu là kêu, còn khi khỏe thì không nhớ đến ai”.

Buổi họp báo về tình hình cân đối cung cầu và điều hành nhập khẩu đường năm 2011 do bộ Công thương tổ chức trưa 13.5 đã “nóng” đến những giây phút cuối cùng do “bất đồng quan điểm” giữa chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam và vụ Thị trường trong nước.

Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch hiệp hội Mía đường lo lắng: nguồn cung hiện dù ít nhưng nhà máy vẫn không bán được. Các nhà thương mại không mua dự trữ, đường nhà máy vẫn tồn kho nhưng nhà máy vẫn phải bỏ tiền mua mía để sản xuất tiếp vì lo nông dân bỏ mía. “Ngành mía đang thiệt đơn thiệt kép là giá hạ và tồn kho. Nếu vẫn tiếp tục nhập khẩu đường thì giá sẽ còn rớt”, ông Long nói và kiến nghị: “Hai bộ Công thương và Nông nghiệp ủng hộ giữa giá đồng thời lùi, giãn tiến độ nhập khẩu đường”.

Theo thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, khó khăn của các nhà máy đường chủ yếu là do tâm lý, vì hạn ngạch nhập khẩu đã công bố mà chưa nhập, cộng với lượng đường tồn kho gây tác động giá cả trên thị trường.

Ông Biên dẫn chứng: hạn ngạch nhập đường năm 2011 là 250.000, thấp hơn 50.000 tấn so với năm 2010. Trong đó, lượng đường nhập khẩu bốn tháng đầu năm chỉ 53.250 tấn, bằng 79%. Các nhà máy thực phẩm chỉ nhập về bằng 63% cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu đường chỉ nhập 4,5 nghìn tấn, bằng 1/4 so cùng kỳ.

Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy, bộ Công thương yêu cầu, từ nay đến hết tháng 7, các nhà máy đường chưa nhập đường thô về để tinh luyện; doanh nghiệp thương mại giãn tiến độ nhập khẩu; nhà máy chế biến thực phẩm ưu tiên dùng đường trong nước, hạn chế nhập khẩu. Đồng thời sẽ rà soát, thống nhất lại số tồn kho và xem xét thời điểm lùi, giãn tiến độ nhập khẩu hợp lý.

Buổi họp báo bất ngờ “nóng” lên khi ông Nguyễn Lộc An, vụ phó trưởng vụ Thị trường trong nước trả lời phản ánh của báo chí, rằng nhà máy nói giá đường hạ, song đường bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn rất cao, thậm chí chênh giá nhà máy đến 10.000đ/kg.

“Tại sao giá bán lẻ cao vậy? Ở đây hiệp hội phải xem lại hệ thống phân phối. Các nhà máy nên có hợp đồng dài hạn”, ông An đề nghị và dẫn câu chuyện của năm 2010. Khi ấy, sở Công thương TP.HCM phải cấp tốc xin bộ chuyển 10.000 tấn đường vào vì không mua được đường tại nhà máy do nhà máy chỉ bán cho hệ thống đại lí của mình. Cũng năm 2010, trong khi đường nhà máy ra nhỏ giọt, người dân Sài Gòn xếp hàng dài để mua đường.

“Khi đó bộ vô cùng vất vả. Bây giờ khổ một tí hiệp hội kêu. Sao khi khỏe lại không nhớ, yếu tí thì đã kêu”, ông An bức xúc.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Thành Long phản pháo: "Nói thế khác nào nói chúng tôi đạp giò đạp cẳng các nhà thương mại".

“Ở đây tôi không nói giá, nhưng các anh (vụ Thị trường trong nước – PV) có thể kiểm tra giá bán của nhà máy. Tất cả ai mua đường chúng tôi đều bán, có giá cả rõ ràng”, ông Long cũng bức xúc và cho rằng, với cách trả lời của lãnh đạo vụ Thị trường trong nước như vậy thì “các nhà máy đường còn khổ sở nhiều” (?).

Theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vụ mía đường 2010-2011 sẽ kết thúc vào cuối tháng 5.2011 với sản lượng dự kiến đạt 1,1 triệu tấn, cao hơn dự báo 100.000 tấn. Song lượng đường tồn kho của các nhà máy đến hết ngày 15.4 vẫn còn 525.000 tấn, cao hơn cùng kỳ trên 140.000 tấn. Trong khi đó, năm nay nước ta vẫn nhập khẩu thêm 250.000 tấn đường.

Nếu cộng cả lượng đường sẽ nhập từ nay đến hết tháng bảy (theo hạn ngạch cả năm đã được duyệt) vào khoảng 123.000 tấn, thì tổng lượng tồn kho, theo bộ Công thương là 670.000- 700.000 tấn, còn theo hiệp hội Mía đường thì cao hơn, khoảng 800.000 tấn

Chí Hiếu

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Cắn răng, mất trắng vì làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc (13/05/2011)

>   Giá sữa thế giới giảm (13/05/2011)

>   Câu chuyện nhập siêu: Các điểm yếu cố hữu (12/05/2011)

>   Câu chuyện nhập siêu: Hai nguyên nhân chính (12/05/2011)

>   Tuần tới, EU thông báo sửa đổi ưu đãi thuế quan phổ cập (12/05/2011)

>   Kim ngạch thương mại Việt Nam-Mỹ tăng gần 20% (12/05/2011)

>   Nhiều doanh nghiệp tính cắt giảm sản xuất và lao động (12/05/2011)

>   Chuẩn bị khởi công nhà máy gang thép Sơn La (12/05/2011)

>   Loay hoay “sáng kiến” dự trữ lưu thông thép, phôi (12/05/2011)

>   XNK với thị trường Trung Quốc: Thận trọng trong thanh toán (12/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật