Xuất khẩu nông sản tiếp tục được giá nâng đỡ
Bản tin cập nhật dự báo thị trường một số nông sản tháng 4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có những nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kim ngạch trong năm nay, do diễn biến cung cầu và giá cả trên thị trường thế giới có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
So với các mức dự báo đưa ra hồi tháng trước, cơ quan này giữ nguyên kim ngạch xuất khẩu gạo nhưng điều chỉnh tăng dự báo xuất khẩu thủy sản, cà phê, cao su và hạt tiêu.
Xuất khẩu gạo có thể đạt 7,4 triệu tấn
Với mặt hàng lúa gạo, Bản tin dẫn nguồn Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng, sản lượng lúa gạo toàn cầu niên vụ 2010/11 ở mức 450,7 triệu tấn, so với dự báo đưa ra hồi tháng trước giảm 0,8 triệu tấn, trong khi dự báo tiêu thụ toàn cầu niên vụ 2010/11 được điều chỉnh tăng gần 400.000 tấn.
Nhưng tình hình tại Việt Nam có sự khác biệt so với xu hướng chung. Philippines, đối tác nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam vào năm ngoái thì nay kim ngạch đã sụt giảm nhanh chóng, kim ngạch 4 tháng năm 2011 chỉ bằng 6% cùng kỳ.
Tuy nhiên, việc ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu với Indonesia đã “cứu thua” cho gạo Việt Nam. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang quốc gia ASEAN này trong quý 1/2011 tăng đột biến, đạt khoảng 685 nghìn tấn với giá trị đạt 343 triệu USD, chiếm tới 35,3 % tỷ trọng xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4, do đó, tương đối ổn định so với tháng 3. Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam, khối lượng gạo xuất khẩu lũy kế từ ngày 1/1 đến ngày 21/4/2011 vẫn đạt 2,2 triệu tấn, trị giá 1,049 tỷ USD.
“Với những yếu tố thuận lợi về thị trường và chủ trương tăng cường sản xuất lúa vụ ba, khối lượng xuất khẩu gạo trong năm 2011 có thể đạt mức 7,1-7,4 triệu tấn tương đương với dự báo của tháng trước”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.
Với kết quả dự báo này, so với năm 2010 lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khoảng 200-500 nghìn tấn.
Xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên dự báo vượt 6 tỷ USD
Với thủy sản, các thị trường xuất, nhập khẩu lớn trên thế giới có nhiều thay đổi kể từ đầu năm đến nay. Nhật Bản, quốc gia có kim ngạch nhập khẩu thủy sản lớn từ Việt Nam, nguồn cung tôm có xu hướng giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái; giá tôm tăng so với tháng trước. Xuất khẩu tôm Thái Lan cũng trong xu hướng giảm, ngược lại Hoa Kỳ vẫn là một thị trường nhập khẩu tôm lớn của thế giới.
Ở trong nước, thời tiết tháng 4 khá thuận lợi cho việc khởi đầu vụ cá ở phía nam, diện tích nuôi cá tra có phần phục hồi nhẹ do cá nguyên liệu tăng giá… Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 4 tháng đầu năm ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước điều kiện thuận lợi về giá cả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm 2011 ước đạt gần 6,1 tỷ USD, tăng lên so với con số dự báo của tháng trước 5,76 tỷ USD. Ở kịch bản này, xuất khẩu thủy sản năm 2011 sẽ tăng kim ngạch khoảng 1 tỷ USD so với năm ngoái.
Cà phê có thể cán mốc kim ngạch 3 tỷ USD
Đối với mặt hàng cà phê, Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2010/11 sẽ đạt mức 133 triệu bao, điều chỉnh giảm so với mức dự báo 133,7 triệu bao đưa ra tháng trước.
Cũng cơ quan này cho biết, dự trữ cà phê toàn cầu tiếp tục giảm, dự báo chỉ đạt mức 13 triệu bao trong niên vụ 2010/11. Với diễn biến này, chỉ số giá cà phê tổng hợp của ICO trong tháng 3 tiếp tục tăng trưởng 3,8% so với tháng 2, đạt bình quân 224,33 US cents/lb.
“Đây là mức cao nhất trong vòng 34 năm, chủ yếu do sự tăng giá cà phê Robusta”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý thêm.
Điều kiện này tạo thuận lợi cho giá cà phê trong nước. Ngày 14/4, giá cà phê nhân xô được thu mua ở mức 49,1 triệu đồng/tấn tại Đăk Nông, giá tại Đăk Lăk và Gia Lai cũng đạt 49 triệu đồng, tăng tới 1,2 triệu đồng/tấn so với ngày trước đó, cũng là mức giá cao nhất từ đầu năm tới nay.
Xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm của Việt Nam ước đạt 674 nghìn tấn với giá trị 1,4 tỷ USD, tăng gần 1,5 lần về lượng và 2 lần về giá trị.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo khối lượng cà phê xuất khẩu năm 2011 có thể đạt gần 1,3 triệu tấn với trị giá xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD, tăng gần 400 nghìn USD so với con số dự báo của tháng trước.
So với khối lượng cà phê xuất khẩu năm 2010 ở mức khoảng 1,2 triệu tấn và xấp xỉ 1,9 tỷ USD kim ngạch, năm nay mặt hàng này đứng trước cơ hội tăng ấn tượng, cả về lượng và giá.
Xuất khẩu cao su sẽ tăng thêm 1 tỷ USD
Mặt hàng cao su cũng đang có dấu hiệu tăng giá trở lại do nhu cầu cao su của Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia (chiếm 48% nhu cầu toàn cầu) được dự báo tiếp tục tăng trong năm nay.
Từ cuối tháng 4, giá cao su thiên nhiên có xu hướng tăng do nhu cầu vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung đang giảm, đồng thời giá dầu thô tăng cũng góp phần hỗ trợ cho giá cao su thiên nhiên tăng trở lại.
Giá cao su giao tháng 9 tại sở giao dịch hàng hoá Tokyo (Tocom) đạt 477,5 Yên/kg vào cuối tháng 4, cao hơn 10% so với mức 432,2 Yên cuối tháng 3 nhưng thấp hơn khoảng 10 Yên so với mức kỷ lục 535,7 Yên hồi giữa tháng 2.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cao su thiên nhiên quý 1/2011 đạt 164.456 tấn, trị giá 722 triệu USD với giá bình quân là 4.391 USD/tấn, tăng 31,3% về lượng, tăng 118,3% (hơn gấp đôi) về giá trị và 66% về đơn giá so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, giá cao su xuất khẩu của nước ta sẽ tăng trong ngắn hạn theo xu thế chung và xuất khẩu cao su năm nay có thể tăng thêm khoảng 1 tỷ USD so với năm 2010.
Bộ dự báo khối lượng xuất khẩu cao su năm 2011 đạt hơn 833 nghìn tấn, (con số dự báo của tháng trước là 827 nghìn tấn), với giá trị đạt gần 3,4 tỷ USD (dự báo tháng trước là 3 tỷ USD).
Giá hồ tiêu đã tăng gấp đôi
Mặt hàng hồ tiêu cũng tăng giá rất cao do chênh lệch cung cầu. Theo Hiệp hội hồ tiêu thế giới (IPC), hai quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn là Ấn Độ và Indonesia có thể sẽ giảm mạnh sản lượng trong năm nay và hạn chế nguồn cung ra thị trường thế giới. Ngược lại, nhu cầu hồ tiêu thế giới có thể tăng 5% trong năm nay.
Do các nước sản xuất hồ tiêu chính bị mất mùa nên thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 33-35 nghìn tấn. Mất cân đối cung cầu là lý do làm cho từ đầu vụ năm ngoái đến nay, giá hồ tiêu thế giới tăng liên tục.
Giá tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam bình quân tháng 4/2011 đạt 8.000-8.100 USD/tấn, tăng khoảng 100 USD/tấn so với tháng trước.
Ảnh hưởng đến thị trường trong nước, giá thu mua tiêu đen xô bình quân tăng liên tục trong nửa đầu tháng 4 và đạt mức kỷ lục 116 nghìn đồng/kg vào ngày 14/4, tăng 20% so với mức giá thời điểm đầu tháng và tăng 123% so với cùng kỳ 2010.
Giá tiêu trắng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, địa phương có truyền thống chế biến tiêu trắng, hiện dao động ở mức 160-170 nghìn đồng/kg, tăng 27% so với giá tháng 3/2011 và tăng 120% so với giá cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt nam, xuất khẩu hồ tiêu quý 1/2011 đạt 26.058 tấn, kim ngạch đạt 127,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2010, lượng xuất khẩu giảm 2.000 tấn tương đương với 7,7%, tuy nhiên giá trị tăng 49,2%.
“Dự báo trị giá xuất khẩu hồ tiêu năm 2011 của Việt Nam có thể đạt gần 520 triệu USD tăng so với con số 421 triệu USD của năm ngoái”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.
Diệu Hương
tbktvn
|