Dự án sản xuất, lắp ráp ô tô: Đắn đo giữa nhập khẩu hay đầu tư linh kiện
Các doanh nghiệp ô tô đang phân vân trước việc tiếp tục đầu tư thêm hay chuyển sang nhập khẩu linh kiện nguyên chiếc với dự thảo tính thuế mới đây của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính, ngày 28/4, đã đề xuất sửa đổi Thông tư số 184/2010/TT-BTC quy định mức thuế suất của Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế liên quan. Theo hướng này, bộ linh kiện nhập khẩu có 1 hay một số linh kiện chưa đảm bảo mức độ rời rạc theo Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN (QĐ05) thì thu thuế theo mức thuế suất của chính sản phẩm nguyên chiếc đối với linh kiện hoặc một số linh kiện đó. Còn các linh kiện khác, nếu đáp ứng đủ mức độ rời rạc theo QĐ05, thì áp dụng thuế suất quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Nếu có một số linh kiện chưa đảm bảo mức độ rời rạc theo QĐ05, nhưng được Bộ Khoa học - Công nghệ xác nhận là đủ điều kiện theo QĐ05, thì vẫn được áp thuế linh kiện.
Đề nghị này trên thực tế xuất phát từ quá trình tính thuế nhập khẩu bộ linh kiện ô tô khi cơ quan hải quan cho đó là sản phẩm ô tô nguyên chiếc, do mức độ rời rạc của bộ linh kiện nhập khẩu không như quy định tại QĐ05, còn doanh nghiệp (DN) lại khẳng định là bộ linh kiện chưa hoàn chỉnh. Đã có những DN lắp ráp ô tô của Vinamotor 6 tháng qua không có việc làm, người lao động chỉ lĩnh lương cơ bản bởi các đánh giá khác nhau của cơ quan hải quan, Bộ Khoa học - Công nghệ về mức độ hoàn chỉnh của bộ linh kiện nhập khẩu, phục vụ cho tính thuế.
Theo Bộ Tài chính, do tiến bộ của khoa học công nghệ trong sản xuất và lắp ráp ô tô nên có những bộ phận như ống xả nếu tháo rời ra và lắp ráp lại ở Việt Nam sẽ không đảm bảo chất lượng như quy định và liên quan đến chất lượng khí thải của ô tô...
Bộ Tài chính cũng cho hay, khi nhập các bộ linh kiện rời đồng bộ hoặc không đồng bộ để lắp ráp ô tô mà có 1 hoặc một số linh kiện có mức độ rời rạc thấp hơn quy định của QĐ05, DN sẽ phải nộp thuế nhập khẩu cho cả bộ linh kiện theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc là không phù hợp.
Trong văn bản góp ý cho dự thảo này của Bộ Tài chính, ngày 9/5, ông Laurent Charpentier, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay, QĐ05 nhằm hướng dẫn phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa với ô tô, không phải cho mục đích tính thuế nhập khẩu linh kiện để lắp ráp ô tô. “Việc sử dụng QĐ05 làm căn cứ tính thuế nhập khẩu vào thời điểm hiện nay là không còn phù hợp”, ông Laurent Charpentier nói và đề nghị, các bộ chức năng cập nhật sửa đổi quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện CKD.
Liên quan đến việc một số linh kiện chưa đảm bảo mức độ rời rạc theo QĐ05, trong khi chưa sửa đổi quyết định này, VAMA cũng kiến nghị, cần áp dụng thuế suất hợp lý cho các linh kiện, cụm linh kiện chưa đảm bảo mức độ rời rạc theo QĐ05, nhằm duy trì ổn định hoạt động của các DN ô tô và phát triển công nghiệp phụ trợ.
Với tư cách là DN ô tô có lượng xe du lịch bán ra lớn nhất hiện nay và cũng đầu tư tương đối cho sản xuất linh phụ kiện tại Việt Nam, ông Tachibana, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) cho rằng, việc quy định mức độ rời rạc của các linh kiện CKD đã được điều chỉnh nhiều lần kể từ năm 1994 và đang áp dụng theo QĐ05. Nếu hủy bỏ QĐ05 sẽ tạo ra cạnh tranh không công bằng giữa các nhà sản xuất. Các nhà sản xuất mới đầu tư vào Việt Nam hoặc cho ra mắt những mẫu xe mới sẽ không mặn mà đầu tư vào dây chuyền hàn, sơn tĩnh điện, đồ gá hàn mà chuyển sang nhập khẩu linh kiện dạng nguyên cụm hoặc tổng thành nhưng có mức độ rời rạc thấp hơn so với QĐ05.
Cũng để khuyến khích sản xuất trong nước, TMV kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 184/2010/TT-BTC theo hướng không cho nhập khẩu hoặc xử phạt với mức thuế cao các DN nhập khẩu những linh kiện chưa đảm bảo mức độ rời rạc theo QĐ0.
Thanh Hương
Đầu tư
|