Bước chuyển của công nghiệp phần mềm:
Bài 1: Tác động từ những trung tâm dịch vụ toàn cầu
Các trung tâm dịch vụ toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam được kỳ vọng là nơi sẽ mang lại những kinh nghiệm quan trọng về hệ thống hoạt động công nghiệp, tạo sức ép lên hệ thống chính sách và sản xuất bên trong. Tất cả sẽ cùng hưởng lợi nhờ sự tác động của các hệ thống sản xuất dịch vụ đến từ bên ngoài.
Khi đưa trung tâm dịch vụ toàn cầu của tập đoàn Bosch (Đức) vào hoạt động tại TP.HCM tuần trước, ông Võ Quang Huệ – tổng giám đốc Robert Bosch Vietnam – nhấn mạnh: “Với trung tâm này, Việt Nam là nơi đầu tiên trên toàn thế giới mà Bosch đang hoạt động toàn trình (end-to-end) bao gồm kinh doanh, sản xuất đến nghiên cứu phát triển”.
Từ câu chuyện của Bosch
Bosch cho biết, việc thành lập trung tâm mới kỳ vọng sẽ thu hút tài năng địa phương tham gia vào các dự án trong khu vực với chi phí cạnh tranh hơn. Đây là trung tâm công nghệ phần mềm và dịch vụ đầu tiên của Bosch tại Đông Nam Á, phát triển các giải pháp kỹ thuật về phần mềm nhúng, thiết bị cơ khí và các dịch vụ công nghệ thông tin. Trong sáu tháng tới, những giải pháp đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam thực hiện sẽ được đưa vào ứng dụng. Các kỹ sư của họ ở Việt Nam cũng sẽ tham gia vào các dự án toàn cầu về kỹ thuật ôtô và công nghiệp, hàng tiêu dùng và kỹ thuật xây dựng.
Trước đó, Bosch đã khánh thành cơ sở kỹ thuật cao sản xuất dây truyền lực dùng cho hộp số tự động trong ôtô. Trong vài tháng tới, sẽ tăng đầu tư (hiện là 52 triệu euro) để mở dây chuyền sản xuất các phụ kiện chi tiết, và ngưng nhập khẩu từ nhà máy Hà Lan để sản xuất 100% tại Việt Nam.
Có thể nói trường hợp của Bosch là số ít trong mô hình đầu tư khép kín của các công ty nước ngoài vào Việt Nam. Thông thường họ đặt nhà máy tại Việt Nam như một chi nhánh đối trọng nhằm giảm rủi ro, hoặc để chuẩn bị địa điểm cần thiết khi thị trường có sự tăng trưởng nhanh.
Nhà máy tại Việt Nam bên cạnh nhà máy có cùng lĩnh vực tại Hà Lan và trung tâm phần mềm tại Việt Nam là trung tâm thứ hai sau trung tâm ở Ấn Độ hiện hoạt động với 8.000 người. Thị trường châu Á – Thái Bình Dương năm 2010 cũng mang lại cho Bosch 11 tỉ euro trong tổng doanh số 47,3 tỉ euro và mức tăng trưởng trên 40%. “Chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội để phát triển ở khu vực này và các hoạt động tại Việt Nam nhằm vào mục tiêu này”, theo ông Huệ.
Bao giờ lớn mạnh?
Điểm lại, từ đầu năm đến nay, Việt Nam có thêm nhiều trung tâm dịch vụ của các tập đoàn lớn. Trước Bosch là các trung tâm của HP, Aricent, Sigma Designs, Texas Instruments, Simax Global Services mở chi nhánh hoạt động hỗ trợ thị trường Việt Nam; hay McAfee, Tieto đang vào tìm hiểu thị trường. Ngành gia công phần mềm trải qua hơn một thập kỷ phát triển và hiện ở vào giai đoạn mới.
Vấn đề đặt ra là sự tập trung của nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn này thì có thể có sự phát triển khác biệt nào không. Theo một chuyên gia trong ngành, những trung tâm như vậy là sự chuyển hướng tìm kiếm những thị trường có nguồn nhân lực giá rẻ và chất lượng. Dù nhìn dưới góc độ nào cũng đều tích cực vì giúp nối mạng Việt Nam vào chuỗi mắt xích dịch vụ toàn cầu của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới.
Sau bốn năm phát triển hiện nhân viên tại trung tâm dịch vụ toàn cầu (GDC) của IBM tại TP.HCM cũng mới chỉ vài trăm người. Trong khi các GDC khác của IBM ở Ấn Độ chưa đến 15 năm đã tăng lên 60.000 người, tại Trung Quốc sau vài năm đã vượt con số 3.000 người. CSC khi mua lại FCG để thành lập trung tâm tại Việt Nam cũng có khoảng 700 kỹ sư so với con số toàn châu Á hơn 19.000 nhân viên. Rõ ràng Việt Nam được quan tâm như một điểm đến kỳ vọng nhưng còn nhiều vấn đề cho sự lớn mạnh, nhất là sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong những năm qua.
Cần một “hệ sinh thái”
Là trung tâm gia công chiến lược đầu tiên tại Việt Nam, GDC của IBM ra đời năm 2007 đến nay cũng mới chỉ cung cấp dịch vụ cho các công ty đa quốc gia ở Việt Nam theo hợp đồng toàn cầu. Theo bà Nguyễn Tùng Giang, giám đốc dự án GDC Việt Nam, nếu hiểu gia công là hình thức gia công chiến lược, tức là thuê một công ty đảm trách một phần hoặc toàn bộ hệ thống CNTT để doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn, thì gia công phần mềm tại Việt Nam vẫn còn mới mẻ, chủ yếu phát triển dưới dạng “thầu phụ”, gia công nhỏ lẻ.
Thị trường Việt Nam còn những hạn chế đặc thù đối với gia công chiến lược: các doanh nghiệp nhà nước thì vướng cơ chế, các doanh nghiệp tư nhân chưa sẵn sàng với việc trao trái tim, khối óc của mình cho người khác quản lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, gia công phần mềm nói chung đang chứng tỏ là một nhân tố hỗ trợ tốt nhờ tiết kiệm chi phí trong việc quản lý các hệ thống CNTT qua những giai đoạn biến động lớn. Tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và thuê ngoài những mảng việc không có ưu thế đang dần trở thành một xu hướng toàn cầu. “Với lợi thế nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, được đào tạo và chi phí thấp, Việt Nam đang tiếp tục là một điểm đến cho các hợp đồng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, bà Giang khẳng định.
Theo ông Ngô Hùng Phương, tổng giám đốc CSC Vietnam, khi trở thành một trung tâm dịch vụ toàn cầu của CSC không có nghĩa là trung tâm tại Việt Nam sẽ có sẵn công việc với những dự án rót từ tập đoàn mẹ. Các bộ phận kinh doanh của tập đoàn CSC đều phải tìm kiếm khách hàng và đối tác, họ có thể gia công bên ngoài hệ thống sao cho chi phí thấp nhất mà hiệu quả cao nhất. Vì thế sự cạnh tranh trong nội bộ các trung tâm CSC lẫn nhau cũng không kém với cạnh tranh bên ngoài để khẳng định mình. Điều này cho thấy sức ép của nhân lực Việt Nam trong các guồng máy phát triển CNTT của toàn cầu.
Quy mô nhân lực của Việt Nam còn ít, các doanh nghiệp đang tuyển người của nhau làm cho chi phí tăng lên và tạo ra những rào cản nhất định để thị trường phát triển chiều sâu. Để hoạt động tốt trong các ngành công nghiệp, nhân lực Việt Nam sẽ chịu áp lực tìm kiếm nhiều kỹ năng chuyên nghiệp để hoạt động phù hợp trong “hệ sinh thái” đó. Các bộ phận của CSC Vietnam hiện nay có thể hoạt động độc lập với các trung tâm khác của tập đoàn để tăng doanh thu và năng lực.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, chủ tịch tập đoàn Logigear, sự có mặt càng nhiều trung tâm dịch vụ của các tập đoàn lớn sẽ tạo ra một hệ sinh thái tốt cho ngành CNTT của Việt Nam. Càng nhiều nhà đầu tư tham gia cùng với các công ty nội địa càng tạo áp lực lên hệ thống vĩ mô và cơ sở hạ tầng cứng lẫn mềm phải phát triển để đáp ứng. Trước mắt có thể là sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các doanh nghiệp về nguồn nhân lực nhưng về tổng quan và dài hạn, tất cả cùng hưởng lợi nhờ sự tác động của các hệ thống sản xuất dịch vụ đến từ bên ngoài.
Tuyết Ân
Sài Gòn tiếp thị
|