Thứ Ba, 01/03/2011 11:48

Chính phủ muốn nghe “nói thẳng, nói thật”

So với tăng trưởng GDP của các nền kinh tế khác trên thế giới, tăng trưởng của Việt Nam cũng bình thường, trong khi tốc độ tăng CPI của chúng ta lại cao hơn họ rất nhiều.

“Chúng ta luôn tự hào là duy trì được tốc độ tăng GDP cao, ngay cả trong thời kỳ kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, nhưng cứ nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế khác trên thế giới thì thấy tốc độ tăng trưởng GDP của chúng ta cũng bình thường, trong khi tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) của chúng ta lại cao hơn họ rất nhiều".

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã phát biểu như vậy tại Hội thảo Chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2001 - 2011 và định hướng đến năm 2020 vừa được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức. Ông trăn trở: " Điều này có nghĩa là chất lượng tăng trưởng của chúng ta rất thấp. Hệ quả là thu nhập của người dân bị giảm xuống”,

Năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,78%; CPI tăng tới 11,75%. Trong khi đó, những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tương đương Việt Nam như Indonesia (tăng 6%), Malaysia (tăng 6,8%), Thái Lan (tăng 7,6%) và  Hàn Quốc (ăng 6%)… thì tốc độ tăng CPI của họ chỉ tương ứng 6,3%; 2%; 2,8% và 3,3%. Còn Trung Quốc, GDP tăng 10,1% nhưng CPI chỉ tăng 5,1%. Chỉ số này của Singapore tương ứng 14% và 3,5%; Đài Loan là 9,8% và 1,5%...

“Những con số này khẳng định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất thấp, đời sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, người sống phụ thuộc vào trợ cấp xã hội, bảo hiểm, lương hưu đang bị giảm xuống đáng kể”, GS.TS Nguyễn Kế Tuấn (Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định.

Cũng như tất cả người dân bình thường khác, hơn 200 nhà khoa học tham dự Hội thảo nêu trên đều cho biết, họ không quan tâm đến thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã lên mức 1.170 USD/năm, tốc độ tăng trưởng GDP thuộc vào loại cao của thế giới, mà chỉ quan tâm đến cuộc sống của họ năm nay có được cải thiện hơn năm trước hay không.

“Nếu cuộc sống của mỗi người dân, mỗi gia đình không được cải thiện, hoặc cải thiện không đáng kể do tốc độ tăng CPI quá cao có nghĩa là chất lượng tăng trưởng kinh tế bị giảm xuống”, nhiều nhà khoa học bình luận.

Lật lại Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội tại tất cả các Kỳ họp Quốc hội, GS. Tuấn nhận thấy cụm từ “kinh tế vĩ mô về cơ bản là ổn định” luôn được lặp đi, lặp lại vì vậy ông đề nghị Uỷ ban Kinh tế (cơ quan thẩm định Báo cáo tình hình thực hiện kinh tế - xã hội của Chính phủ) phải cân nhắc lại cụm từ này trong các Báo cáo thẩm định sau này.

“Nền kinh tế Việt Nam “về cơ bản” đúng là ổn định nhưng là sự ổn định mong manh. Vì để có sự ổn định này,  Chính phủ , Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân từng ngày, từng giờ phải gồng mình lên để cố giữ do những hạn chế, yếu kém, khiếm khuyết nội tại của nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục như nhập siêu, bội chi, nợ nước ngoài, nợ công, đầu tư kém hiệu quả, đặc biệt là lạm phát…”, GS. Tuấn nói và cho rằng, nâng cao chất lượng tăng trưởng cũng đồng nghĩa với việc giải quyết những hạn chế, yếu kém hiện tại đồng thời với cơ cấu lại nền kinh tế.

“Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đều biết rất rõ từ lâu tất cả những hạn chế, yếu kém, tồn tại của nền kinh tế và đang cố gắng hết sức để giải quyết - ông Trương Đình Tuyển cho biết - Nhưng vấn đề đặt ra là việc giải quyết những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế đạt hiệu quả rất thấp”.

Việc khắc phục hạn chế, tồn tại cố hữu của nền kinh tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng đạt hiệu quả thấp theo ông Tuyển chính là “nút thắt” thứ 4 của nền kinh tế - nút thắt về tư duy. “So với 3 nút thắt khác (cơ sở hạ tầng, chính sách, chất lượng nguồn nhân lực) thì nút thắt về tư duy quan trọng hơn cả. Chính nút thắt này đã khiến khoảng cách từ chính sách đến thực thi, từ nghị quyết đến cuộc sống không thu hẹp lại được vì thế chất lượng tăng trưởng kinh tế chậm được cải thiện”, ông Tuyển nói.

Nguyên thành viên của Chính phủ Ttrương Đình Tuyển kêu gọi các nhà khoa học phải chỉ ra được những thách thức của nền kinh tế trong thời gian tới và cố gắng thuyết phục Chính phủ thực hiện thay vì chỉ nói những mặt tích cực, thành công và cơ hội.

“Để thay đổi tư duy, ngay trong giới khoa học cũng không dễ chứ chưa nói gì đến cơ quan công quyền”, ông Tuyển chia sẻ với các nhà khoa học và kể, trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, mục tiêu chống lạm phát tối đa 7% khó có thể thực hiện được (so với tháng 12/2010, CPI 2 tháng đầu năm đã tăng 3,87%), Thủ tướng Chính phủ rất cầu thị khi mời các chuyên gia kinh tế đến Văn phòng Chính phủ (ngày 22/2/2011) để nghe hiến kế, ý kiến đóng góp để đối phó với những bất ổn của nền kinh tế do yếu tố khách quan cũng như hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, nhưng vẫn có nhiều nhà khoa học không nói thật với Thủ tướng cái mà mình đang trăn trở.

“Có vị đang là thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia phát biểu trong cuộc họp này rằng, CPI của Việt Nam tăng cao không đáng lo ngại sau khi so sánh với CPI của… Venezuela và Pakistan. Nếu các chuyên gia kinh tế mà không thay đổi được tư duy thì làm sao có thể “lay chuyển” được tư duy của các cơ quan công quyền”, nguyên thành viên của Chính phủ Trương Đình Tuyển bức xúc.

Theo ông Tuyển, bên cạnh việc ca ngợi, đánh giá thành tựu, kết quả, hơn lúc nào hết, Chính phủ đang rất cần những lời “nói thẳng, nói thật” với tư duy mới.

“Hiện tại ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, bên cạnh việc tuyên truyền những thành tựu mà Chính phủ đã làm được, nhiều kênh phát thanh, truyền hình, chuyên mục của nhiều tờ báo chỉ đưa về những hạn chế, khiếm khuyết, tồn tại của Chính phủ. Các thành viên Chính phủ không bao giờ bỏ qua chuyên mục “nói thẳng, nói thật” này. Chính phủ đang lắng nghe những lời nói thẳng, nói thật để thay đổi tư duy, tăng chất lượng phát triển kinh tế thay vì những lời “tâng bốc”, nói không thật với suy nghĩ”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển chia sẻ.

Mạnh Bôn

Đầu tư

Các tin tức khác

>   FDI: Cấp phép mà xót xa (01/03/2011)

>   TPHCM khó kêu gọi đầu tư BOT (01/03/2011)

>   12 nhà đầu tư Nhật “xông đất” Long An (01/03/2011)

>   ADB định tăng khoản cho VN vay lên 2 tỷ USD (28/02/2011)

>   Việt Nam thuộc nhóm đầu tàu tăng trưởng kinh tế (28/02/2011)

>   Chống lạm phát: Đừng nén như lò xo (28/02/2011)

>   Khó giữ lạm phát ở mức 7% (28/02/2011)

>   Rề rà siết đầu tư công (28/02/2011)

>   TS Trần Du Lịch: Phải quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế (28/02/2011)

>   GE cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển (27/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật