Thứ Ba, 01/03/2011 10:53

FDI: Cấp phép mà xót xa

Báo cáo tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) công bố cho biết, giải ngân vốn FDI tiếp tục khả quan. Ước tính trong tháng 2 năm nay có gần 600 triệu USD được giải ngân, đưa tổng số vốn FDI giải ngân trong 2 tháng đầu năm lên mức 1,15 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2010.

Về vốn đăng ký cho các dự án mới, tính đến cuối tháng 2, cả nước có tổng cộng 93 dự án mới được cấp phép với tổng vốn khoảng 1,5 tỷ USD. Ngoài ra, có 14 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng giá trị tăng thêm là 86 triệu USD. Theo đánh giá của Cục ĐTNN, tốc độ đăng ký và giải ngân nêu trên là phù hợp với mục tiêu thu hút 11-12,5 tỷ USD trong năm nay.

Thế nhưng trong lĩnh vực vốn được xem là “thế mạnh” của Việt Nam không phải không tiềm ẩn nguy cơ. Báo cáo của Bộ KH&ĐT về tình hình SXKD, dịch vụ và đầu tư tháng 2/2011  cũng đã lưu y vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới 2 tháng đầu năm mới chỉ đạt 1,558 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục trưởng Cục ĐTNN, ông Đỗ Nhất Hoàng, tình trạng thiếu điện đã khiến việc thuyết phục thu hút các dự án mới gặp cản trở. Bên cạnh đó, quy định các dự án ĐTNN không còn được ưu đãi thuế TNDN cũng khiến mức độ hấp dẫn của Việt Nam giảm đi.

Đặc biệt, Cục trưởng Cục ĐTNN đưa ra một thông tin khá quan trọng: Thực hiện cam kết mở cửa lĩnh vực dịch vụ theo cam kết WTO đã khiến nhiều DN ĐTNN ở Việt Nam xin bổ sung ngành nghề kinh doanh để hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và phân phối.

“Chúng tôi rất xót xa khi cấp giấy phép cho những DN này, nhưng không thể làm trái Luật Đầu tư cũng như cam kết WTO. Khi đã được bổ sung thêm ngành nghề, phần lớn các DN này mở rộng hoạt động nhập khẩu để phân phối lại và phần nào co hẹp sản xuất”, ông Hoàng nói. Chính điều này đã làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu ở khối DN FDI và tác động tới mức nhập siêu chung của cả nước.

Báo cáo của Cục ĐTNN cho biết, xuất khẩu của khu vực DN FDI trong 2 tháng đầu năm 2011 ước đạt 6,98 tỷ USD, tăng 40,1% so với cùng kỳ 2010, nếu không tính dầu thô con số còn lại là 6 tỷ USD, tăng 43,4%. Nhập khẩu của khu vực DN này cùng thời kỳ ước đạt 5,93 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, hai tháng đầu năm 2011 các DN FDI đã xuất siêu 1,05 tỷ USD. Nếu không tính dầu thô thì khu vực này nhập siêu khoảng 70 triệu USD.

Theo Cục trưởng Cục ĐTNN Đỗ Nhất Hoàng, con số xuất siêu của khu vực FDI trong 2 tháng qua là con số thiếu bền vững vì thời gian nghỉ Tết dài làm giảm thời gian hoạt động của các DN vì thế mức nhập khẩu cũng ít.

Bấy lâu nay, xuất siêu vẫn được xem là thành tích của khu vực FDI trong việc góp phần làm giảm nhập siêu chung của cả nước. Khu vực FDI cũng được kỳ vọng sẽ mang được nhiều công nghệ tiên tiến hiện đại vào Việt Nam, đóng góp quan trọng vào mục tiêu đưa Việt Nam thành nước CNH- HĐH vào năm 2020.

Xem ra, việc nhiều DN FDI muốn đi thêm “chân” dịch vụ và phân phối đang là một thách thức không chỉ với DN Việt Nam mà với cả nền kinh tế.

Thanh Thanh

Pháp luật

Các tin tức khác

>   TPHCM khó kêu gọi đầu tư BOT (01/03/2011)

>   12 nhà đầu tư Nhật “xông đất” Long An (01/03/2011)

>   ADB định tăng khoản cho VN vay lên 2 tỷ USD (28/02/2011)

>   Việt Nam thuộc nhóm đầu tàu tăng trưởng kinh tế (28/02/2011)

>   Chống lạm phát: Đừng nén như lò xo (28/02/2011)

>   Khó giữ lạm phát ở mức 7% (28/02/2011)

>   Rề rà siết đầu tư công (28/02/2011)

>   TS Trần Du Lịch: Phải quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế (28/02/2011)

>   GE cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển (27/02/2011)

>   Bộ trưởng kinh tế bốn nước thảo luận cơ chế hợp tác (27/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật