Thiếu quy hoạch các trạm thu phí:
TPHCM khó kêu gọi đầu tư BOT
Nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông tại TPHCM khá lớn, thì việc huy động vốn đầu tư bằng hình thức BOT được xem như là một trong những giải pháp quan trọng.
Thế nhưng, do TPHCM vẫn chưa có một quy hoạch chi tiết về vị trí các trạm thu phí giao thông đường bộ nên khiến cho việc kêu gọi đầu tư BOT đối với một số dự án gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bế tắc.
Rắc rối trạm thu phí
Cầu Sài Gòn hiện hữu đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng và trở thành nút thắt cổ chai thường xuyên quá tải và gây kẹt xe diễn ra nhiều năm qua. Thành phố cũng thấy rõ được điều này nên đã giao Cty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ - PMC triển khai nghiên cứu đầu tư dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BOT cách đây 3 năm. Đến nay dự án vẫn chưa thể khởi động, còn nhà đầu tư là ai cũng vẫn còn là một ẩn số. Thật ra, nếu không
vướng những rắc rối về trạm thu phí thì đến nay, cầu Sài Gòn đã sắp hoàn thành. Với hình thức đầu tư BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), PMC dự kiến sẽ tổ chức thu phí giao thông đường bộ để hoàn vốn đầu tư sau khi công trình hoàn thành. Đáng nói, vì thành phố thiếu quy hoạch vị trí trạm thu phí trước khi quyết định cho đầu tư BOT, nên khi PMC bắt tay vào nghiên cứu dự án thì mới vỡ lẽ không thể xây thêm trạm thu phí chồng lấn trên một đoạn đường đã có trạm thu phí.
Cầu Sài Gòn 2 dự kiến nằm song song cầu Sài Gòn hiện hữu và trên trục Điện Biên Phủ - xa lộ Hà Nội. Trong khi cũng trên đoạn đường này, đã có một trạm thu phí đặt tại xa lộ Hà Nội (cách cầu Sài Gòn chừng
2-3km) do Cty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) thu hoàn vốn đầu tư cho đường Điện Biên Phủ và sau đó được thành phố cho phép thu hoàn vốn dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu Rạch Chiếc kéo dài thời gian thu phí đến năm 2044. Với việc không xác định quy hoạch các trạm thu phí ngay từ đầu, đã làm cho dự án cầu Sài Gòn 2 không thể triển khai đầu tư xây dựng theo hình thức BOT, bởi nếu vậy sẽ có thêm một trạm thu phí nữa đặt cách trạm thu phí hiện nay 2-3km trên một tuyến đường.
Rốt cuộc, hình thức đầu tư BOT đối với dự án cầu Sài Gòn 2 đã phá sản và thành phố đành chuyển sang kêu gọi đầu tư bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ Sở GTVT – cho biết, hiện đã xây dựng xong các tiêu chí để chuẩn bị bước tiếp theo là lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn 2 (tức đến nay vẫn chưa xác định được nhà đầu tư và chưa biết cụ thể khi nào cầu Sài Gòn 2 khởi công xây dựng và hoàn thành – PV).
Cần quy hoạch vị trí trạm thu phí
Trước thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông thiếu trầm trọng, ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, mỗi năm thành phố cần hàng chục nghìn tỉ đồng để đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, thì việc huy động thêm các nguồn vốn bên ngoài xã hội thông qua các kênh các nhau là đều rất cần thiết, trong đó phương thức đầu tư BOT được thành phố đánh giá là khá hiệu quả. Hiện thành phố cũng đã xác định danh mục hàng loạt dự án kêu gọi đầu tư BOT (các tuyến đường vành số 2, 3, 4, các đường trên cao số 1, số 3, mở rộng tỉnh lộ 15, trục đường hướng tâm tây bắc, đường An Dương Vương – Phan Anh...).
Theo các nhà đầu tư, thành phố muốn thu hút các nguồn đầu tư xây dựng các dự án theo hình thức BOT thì trước tiên cần phải quy hoạch vị trí trạm thu phí của các dự án cho hợp lý, tránh tình trạng các trạm thu phí chồng lấn nhau trên cùng một đoạn đường hoặc trên một khu vực bán kính hẹp có dày trạm thu phí như hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ, Sở GTVT – cũng thừa nhận rằng, do chưa có quy hoạch vị trí trạm thu phí giao thông đường bộ, việc đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tính toán, lựa chọn các vị trí đặt trạm thu phí. Do đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM cần triển khai thực hiện đề án quy hoạch các trạm thu phí trên địa bàn thành phố, tạo thuận lợi khi kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án bằng hình thức BOT.
Chủ trương quy hoạch các trạm thu phí giao thông đường bộ trên địa bàn TPHCM đã được triển khai từ năm 2002, tuy nhiên vào lúc đó việc quy hoạch chỉ mang tính ngắn hạn cho giai đoạn 2002-2005. Và sau lần đó cho đến nay, thành phố vẫn chưa có một quy hoạch chi tiết nào về vị trí các trạm thu phí giao thông. Do đó, những năm qua các nhà đầu tư thường rơi vào thế bị động, đợi đến khi triển khai dự án rồi mới nghiên cứu, đàm phán xác định vị trí xây trạm thu phí, vừa mất nhiều thời gian, vừa rắc rối, thậm chí có thể không xác định được vị trí xây trạm như dự án cầu Sài Gòn 2.
Trên địa bàn TPHCM hiện có 6 trạm thu phí vây quanh các cửa ngõ thành phố: Trạm thu phí cầu Bình Triệu 2 nằm trên quốc lộ 13 (hiện chỉ thu một chiều từ Q.Thủ Đức sang Q.Bình Thạnh), qua cầu Sài Gòn có trạm thu phí xa lộ Hà Nội, trạm thu phí cầu Phú Mỹ nằm trên vành đai số 2, hướng đi về các tỉnh miền Tây có trạm thu phí trên đường Kinh Dương Vương, trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh và trạm thu phí trên quốc lộ 1A (đoạn An Sương – An Lạc). Dự kiến cuối năm nay sẽ có thêm trạm thu phí đại lộ Đông – Tây. |
Trần Phan
lao động
|