"NĐT có cơ hội hưởng lợi kép từ CCQ dài hạn"
Ông Lê Chí Phúc, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ SGI Capital: "Với kịch bản VN-Index tăng trung bình 15%/năm và quỹ có mức tăng tương đương Index, thì từ nay đến thời điểm đóng quỹ, NĐT mua CCQ đang có chiết khấu gần 50% sẽ được lợi 15%/năm cộng thêm gần 100% lợi nhuận từ mức chiết khấu hiện tại. Đây là cơ hội đáng chú ý, đặc biệt phù hợp với những dòng tiền nhàn rỗi".
Ông đánh giá như thế nào về cơ hội đầu tư vào các chứng chỉ quỹ (CCQ) có tỷ lệ chiết khấu (discount) giá triên giá trị tài sản ròng (NAV) cao hiện nay như BF1, VF1?
Chúng ta nên nhìn về khả năng tăng giá trong tương lai. Với CCQ, thị giá sẽ tăng khi NAV tăng hoặc thị giá sẽ tăng gần về với NAV khi thời điểm giải thể quỹ càng gần. NAV của các CCQ có biến động phụ thuộc lớn nhất vào biến động chung của TTCK, cụ thể là các chỉ số. Ngoài ra, NAV có thể sẽ vượt hay kém hơn Index do phụ thuộc vào năng lực quản lý của người quản lý quỹ.
Xét trên khía cạnh thị trường, tôi lạc quan về triển vọng của VN-Index, đặc biệt là HN-Index trong năm 2011. Lý do chính là các chỉ số này đang ở mức thấp và giá cổ phiếu đang ở vùng định giá thấp trong lịch sử TTCK Việt Nam, kể cả so với thị trường thế giới.
Vĩ mô hiện tại vẫn còn khó khăn, nhưng những thông tin xấu về CPI, tỷ giá, lãi suất… đã diễn ra hoặc được thị trường biết tới và phản ánh một phần vào giá cổ phiếu. Kết thúc Đại hội Đảng và bắt đầu một nhiệm kỳ mới của Chính phủ sẽ tạo niềm hy vọng cho thị trường về một giai đoạn phát triển mới.
Yếu tố thứ hai và đáng chú ý hơn để nói tới ở đây là mức độ chiết khấu của NAV so với thị giá của CCQ, như VF1 hiện có mức chiết khấu 47,68%, BF1 là 32,88%. Khi quỹ tất toán danh mục và chuyển tiền cho NĐT góp vốn, mức chiết khấu này sẽ không còn.
BF1 và VF1 sẽ đóng quỹ lần lượt vào các năm 2013 và 2014. NĐT mua VF1 khi Index đang ở mức thấp, ngoài việc hưởng lợi từ NAV tăng theo thị trường phục hồi còn được hưởng lợi từ mức chiết khấu này sẽ giảm dần khi tiếp cận thời điểm giải thể quỹ. Với kịch bản VN-Index tăng trung bình 15%/năm và quỹ có mức tăng tương đương Index, thì từ nay đến thời điểm đóng quỹ, NĐT mua CCQ đang có chiết khấu gần 50% sẽ được lợi 15%/năm cộng thêm gần 100% lợi nhuận từ mức chiết khấu hiện tại. Đây là cơ hội đáng chú ý, đặc biệt phù hợp với những dòng tiền nhàn rỗi.
Theo ông, tại sao lại có tình trạng tỷ lệ chiết khấu cao như vậy?
Trước hết, CCQ trên toàn cầu đều gặp vấn đề này, tuy nhiên mức độ chiết khấu hiện phổ biến từ 5-20%. Lý do là niềm tin vào hiệu quả đầu tư của các nhà quản lý quỹ giảm đi sau khủng hoảng. Bên cạnh đó, quỹ đóng kém linh hoạt do NĐT phải chôn vốn lâu. Ở Việt Nam, tỷ lệ này cao hơn mức trung bình thế giới, có thể do tính minh bạch chưa cao trong báo cáo và quản lý của các quỹ, ví dụ: NĐT có thể thắc mắc về cách tính giá OTC trong NAV chung.
Thứ hai là bản chất dòng tiền phổ biến trên thị trường 2 năm trở lại đây là tiền cá nhân mang tính “lướt sóng” hơn là đầu tư. CCQ hay kể cả là các cổ phiếu có căn bản tốt nhưng thiếu tính thị trường, thiếu đột biến không phải là đối tượng được đa phần NĐT ưa thích. Khi dòng tiền tổ chức và có tính chất đầu tư dài hạn hơn chảy vào TTCK Việt Nam, chúng ta sẽ thấy khoảng cách chiết khấu của các CCQ giảm xuống. Điển hình là vừa qua, Prudential Việt Nam mua lại CCQ BF1 ở giá cao hơn thị giá, giúp cho mức chiết khấu CCQ này giảm đáng kể.
Tiểu Mai thực hiện
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|