Vốn ngoại mua ròng: Mừng, nhưng đừng quá hào hứng
|
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được một số quan điểm đánh giá là rẻ. |
Phiên giao dịch sáng 10/12 đã lập một kỷ lục trên sàn HOSE, với hơn 1.618 tỷ đồng giá trị mua ròng, trong đó khối ngoại chiếm tới 48%.
Trong số này, đặc biệt là giao dịch của cổ phiếu VIC, đạt 1.587,7 tỷ đồng, tương đương 18,04 triệu đơn vị.
Đừng quá hào hứng
Động thái mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài luôn được nhà đầu tư trong nước quan tâm. Giá trị mua ròng càng lớn phản ánh sự quan tâm càng cao của dòng vốn này.
Tuy nhiên, có lẽ cũng đừng quá hào hứng mà đánh giá quá cao quy mô mua vào hôm nay.
Thứ nhất, giao dịch tập trung vào thỏa thuận, đồng thời chủ yếu xuất phát từ một mã là VIC. Thứ hai, hoạt động mua ròng trên sàn khớp lệnh mới có thể tác động đến giá, còn chuyển nhượng lô lớn, đặc biệt là thỏa thuận nội khối thường là các hoạt động cắt lỗ hoặc cơ cấu lại toàn bộ danh mục.
Thỏa thuận của VIC hôm nay không có gì đặc biệt. Thông tin đã được công bố từ ngày 7/12 vừa qua. Theo đó, ba tổ chức đăng ký bán ra VIC. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Hoàng Gia đăng ký bán 4.431.120 cổ phiếu. Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Thiên An đăng ký bán 11.308.220 cổ phiếu. Công ty cổ phần Ngọc Việt đăng ký bán 2.303.100 cổ phiếu. Các giao dịch này đều được thực hiện trong phiên hôm nay. Dĩ nhiên đây là việc bán cho đối tác nước ngoài.
Ngoài VIC, giao dịch mua thỏa thuận ròng của khối ngoại thậm chí còn âm với SSI (-592 triệu đồng). Mặt khác, giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư nước ngoài không có gì đột biến với 40,4 tỷ đồng, thấp hơn nhiều phiên ngày 7 và 8/12 vừa qua. Tổng giá trị mua ròng qua khớp lệnh tính chung 5 phiên đạt 192,2 tỷ đồng.
Một hiện tượng khá phổ biến là nhà đầu tư nước ngoài thường không tranh mua trong những phiên tăng nóng. Chẳng hạn hai phiên đạt đỉnh ngắn hạn ngày 3-6/12, khối ngoại đã thực hiện bán ròng qua khớp lệnh khi thấy cầu đủ lớn. Hai phiên này vốn ngoại rút ra khoảng 76 tỷ đồng.
Do danh mục có thể đầu tư của khối ngoại khá hạn chế - tiêu chí hàng đầu là thanh khoản và vốn hóa - nên diễn biến giao dịch chủ yếu là ở nhóm blue-chip. Liên tục những phiên thanh khoản lớn gần đây, khối ngoại tích cực cơ cấu danh mục, thể hiện ở tỉ trọng giao dịch rất cao cả mua lẫn bán. Đây là điều bình thường vì lượng cổ phiếu tích lũy với blue-chip trong suốt thời gian qua của khối ngoại là rất lớn. Việc sử dụng lượng cổ phiếu dài hạn để cơ cấu hạ giá vốn là một chiến thuật không khó để nhận ra...
Tăng sức hút
Về tổng thể, không thể phủ nhận hoạt động mua ròng miệt mài của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay. Tính chung cả hai sàn đến ngày 10/12, tổng lượng vốn tích lũy ròng của khối này đạt gần 14.769,8 tỷ đồng. Tính theo tháng, cả 11 tháng liên tục khối ngoại đều mua ròng, mức thấp nhất là 573,7 tỷ đồng (tháng 7/2010), cao nhất là 2.387,2 tỷ đồng (tháng 4/2010).
Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán, 11 tháng qua đã có 920 triệu USD vốn gián tiếp (FII) đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Về cơ cấu phân bổ vốn, trên 600 triệu USD được đầu vào cổ phiếu và 300 triệu USD còn lại dưới dạng tiền gửi, mua cổ phiếu OTC và trái phiếu. Tính đến cuối tháng 10, tổng danh mục vốn FII tại Việt Nam đạt khoảng 6,5 tỷ USD (không tính trái phiếu huy động).
Một số liệu khác, thấp hơn, của Ngân hàng Nhà nước cho biết vốn FII vào ròng khoảng 712 triệu USD trong 11 tháng. Những con số này vẫn chưa thể so sánh với dòng vốn đầu tư đổ vào các thị trường mới nổi khác.
Việc vốn ngoại vào ròng là điều đáng mừng, và thực tế quan điểm của các báo cáo tài chính của tổ chức nước ngoài đều nhìn nhận là chứng khoán Việt Nam đang rẻ tương đối so với khu vực. Tuy nhiên, khó có thể phân định đây là dòng vốn nóng, hay vốn sẽ ở lại lâu dài với thị trường.
Tốc độ luân chuyển của dòng vốn nóng cao sẽ gặp khó khăn về rủi ro tỉ giá và khả năng mua lại ngoại tệ khi cần thiết. Một số báo cáo của tổ chức quốc tế tiếp tục “xoáy” vào áp lực giảm giá tiền đồng thời gian tới. HSBC dự đoán tỉ giá có thể sẽ điều chỉnh tiếp trong quý 1/2011. Morgan Stanley thậm chí còn đánh giá bi quan hơn.
Việc dòng vốn vẫn vào - dù có thể chưa mạnh vì quan ngại rủi ro - có thể tác động tích cực đến thị trường chứng khoán nói chung. Theo các chuyên gia quốc tế, nếu Việt Nam sớm ổn định được vĩ mô thì mức độ tham gia của dòng vốn này sẽ lớn hơn vì tới đây khu vực thị trường tài chính sẽ mở rộng hơn theo các cam kết.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra, nhóm công tác thị trường vốn cho rằng nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến chương trình cổ phần hóa. Tuy nhiên ba vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết là tăng tốc tiến độ và có thời gian biểu cụ thể; tập trung hàng hóa có chất lượng; định giá mang tính thị trường hơn, tránh tác động chủ quan. Ngoài ra, các sản phẩm mới, các dạng quỹ đầu tư mới cần được triển khai thời gian tới.
Khánh Hà
TBKTVN
|