Thứ Tư, 08/12/2010 09:20

'Khám' chứng khoán, đọc chỉ báo sớm của nền kinh tế

Liệu TTCK Việt Nam có được coi là một chỉ báo sớm cho sức khỏe của nền kinh tế ? Phải chăng những bất ổn trên thị trường tài chính giai đoạn vừa qua đã được phản ánh vào giá chứng khoán trong suốt quý 3, liệu đợt hồi phục này có bền vững ?

Từ giữa tháng 11/2010, kinh tế VN chứng kiến hàng loạt biến động khó lường. Tưởng như TTCK sẽ đổ dốc sau những sự kiện này, Nhưng trái lại, thị trường đã bất ngờ hồi phục, tăng điểm trong suốt nhiều phiên cuối tháng 11, đầu tháng 12.

Diễn biến VN-Index từ tháng 12/2009 đến 12/2010

Hai vấn đề được đặt ra lúc này gồm: Thứ nhất, trong nhóm các chỉ báo kinh tế, chỉ số chứng khoán được coi là một trong những chỉ báo dẫn đạo. Vậy liệu TTCK VN có được coi là một chỉ báo sớm cho sức khỏe của nền kinh tế ? Thứ hai, phải chăng những bất ổn trên thị trường tài chính giai đoạn vừa qua đã được phản ánh vào giá chứng khoán trong suốt quý 3, liệu đợt hồi phục này có bền vững ?

Lời giải thứ nhất

Để tìm lời giải cho vấn đề thứ nhất, cần thiết phải nhìn lại bối cảnh kinh tế vĩ mô và diễn biến TTCK từ năm 2007 cho tới nay. Năm 2007, TTCK VN chứng kiến 3 đợt giảm mạnh. Đó là các giai đoạn cuối tháng 3 – 4 (VN-Index mất 16,7%), tháng 6 – 8 (VN-Index giảm 16%) và từ giữa tháng 10 cho đến hết năm (VN-Index rơi 22%). Về chính sách: trong tháng 5, NHNN đã ban hành Chỉ thị 03 (khống chế dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán) và chính sách thắt chặt tiền tệ (tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND). Cuối tháng 8, theo thông tin từ Bộ Tài chính, gần 90 tỷ đồng đã được rút khỏi thị trường thông qua hoạt động phát hành tín phiếu bắt buộc. Và đến cuối năm 2007, bất ổn trong vĩ mô đã hiển hiện khi chỉ số CPI tăng cao. Như vậy, ba đợt giảm mạnh của chứng khoán năm 2007 dường như đã “đón đầu” những thông tin không sáng sủa từ nền kinh tế.

Năm 2008, TTCK VN tiếp tục phản ánh khá sớm tình hình vĩ mô trong nước. Trong tháng 1 - 2, VN-Index giảm mạnh 26,5%. Đến cuối tháng 2, chính sách tiền tệ thắt chặt tiếp tục được thực hiện – NHNN phát hành 20,3 nghìn tỷ tín phiếu bắt buộc. Thị trường tiền tệ bắt đầu có dấu hiệu bất ổn – cuộc đua lãi suất tiền gửi VND của các NHTM. Trong năm, thị trường chỉ có một đợt hồi phục nhẹ vào tháng 7 – 8. Và thực tế, đến cuối tháng 7, chỉ số CPI được công bố ở mức 1,13% - thấp nhất từ đầu năm. Cuối tháng 8, CPI chỉ tăng 1,56% so với tháng trước trong điều kiện tăng giá xăng dầu, bước đầu cho thấy kết quả tích cực của chính sách tiền tệ thắt chặt.

Năm 2009, TTCK có hai đợt phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy. Điểm đáng chú ý là thị trường đã tăng mạnh trước khi những thông tin tích cực được công bố. Cụ thể, VN-Index bắt đầu bật lên từ giữa tháng 3, song lại điều chỉnh giảm từ cuối tháng 6 – sau khi các biện pháp kích thích kinh tế bước đầu cho thấy kết quả khả quan. Cuối tháng 10, những kỳ tích trong kết quả kinh doanh của các DN mới được công bố song thị trường đã có chuỗi tăng điểm từ cuối tháng 7 và tạo đỉnh trong tháng 10. Sau cùng, đợt giảm điểm từ cuối tháng 10 – 12 của TTCK được lý giải bởi hàng loạt bất ổn trong tháng 11: thị trường tài chính chứng kiến một cuộc chạy đua lãi suất và cơn sốt tỷ giá. Ngày 25/11/2009, NHNN ban hành hai quyết định quan trọng: tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%/năm và tỷ giá liên ngân hàng được nới rộng thêm 5,5%.

Năm 2010, bên cạnh xu thế chủ yếu đi ngang tích lũy, TTCK chứng kiến đợt lao dốc trong hai tháng 7 - 8. Nguyên nhân được đưa ra là lượng cung cổ phiếu lớn cùng ảnh hưởng của Thông tư 13. Tuy nhiên, lượng cung cổ phiếu liên tục tăng từ những tháng đầu năm. TT 13 cũng đã được ban hành từ tháng 5/2010. Do vậy, nhiều khả năng thị trường đang sớm phản ánh những bất ổn từ nền kinh tế vĩ mô. Quả thực từ cuối tháng 8, CPI liên tục tăng tốc. Đến đầu tháng 11, Chính sách tiền tệ đột ngột thay đổi - thể hiện rõ quyết tâm kiềm chế lạm phát, kéo theo một cuộc đua lãi suất giữa các NHTM. Nửa cuối tháng 11, thị trường vàng và ngoại tệ một lần nữa diễn ra cơn sốt. Về phía TTCK, điểm ngạc nhiên là ngoài một tuần rơi mạnh bởi biến động khó lường của tỷ giá cùng giá vàng, tính chung cả tháng 11, VN-Index gần như không biến động, thậm chí quay đầu hồi phục vào cuối tháng 11 – đầu tháng 12. Dường như những bất ổn trong nền kinh tế đã được thị trường phản ánh trong suốt giai đoạn đổ dốc giữa năm 2010.

Lời giải thứ hai

Như  vậy, nhìn lại bức tranh TTCK VN từ năm 2007 đến nay, rõ ràng TTCK VN trong nhiều giai đoạn đã phản ánh khá sớm tình hình kinh tế trong nước.

Trở về  bối cảnh kinh tế hiện tại, dưới góc độ cơ  bản, đánh giá đợt phục hồi của thị trường VN từ cuối tháng 11, có thể thấy: Một là, giả định những bất ổn về kinh tế trong nước đã được phản ánh ở giai đoạn trước của thị trường, thì đợt tăng điểm này cho thấy kỳ vọng của giới đầu tư về những cải thiện của tình hình kinh tế vào đầu năm 2011. Đây là giai đoạn căng thẳng ngoại tệ, lãi suất... được nhận định sẽ giảm bớt. Hai là, không thể phủ nhận các chỉ tiêu định giá cổ phiếu VN là khá hấp dẫn, động thái mua ròng liên tục của khối ngoại đã góp phần hỗ trợ thị trường. Dòng vốn gián tiếp chảy mạnh vào VN từ tháng 10 cũng cho thấy tiềm năng của chứng khoán VN. Cuối cùng, đợt hồi phục này của thị trường chỉ có thể bền vững trong trường hợp kinh tế trong nước thực sự tích cực hơn từ đầu năm 2011, đồng thời không thể thiếu sự hỗ trợ từ những điểm sáng của các nền kinh tế lớn trên thế giới.

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Dòng tiền chứng khoán đang trở lại? (08/12/2010)

>   Ts.Lê Thẩm Dương: Đầu tư thông minh khi thị trường phi logic (07/12/2010)

>   Thị trường ngày 08/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (07/12/2010)

>   UPCoM-Index còn 40,67 điểm, mức thấp nhất 7 phiên gần đây (07/12/2010)

>   Thị trường chứng khoán Việt Nam, 11 tháng nhìn lại (07/12/2010)

>   Đón đầu cổ phiếu OTC (07/12/2010)

>   Ông Trần Đắc Sinh: Năm 2011, chứng khoán sẽ tăng trưởng mạnh hơn (06/12/2010)

>   Thị trường ngày 07/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (06/12/2010)

>   Sở yêu cầu AMV, BVS giải trình tăng trần 5 phiên liên tiếp (06/12/2010)

>   Quá khứ một lần nữa lặp lại (06/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật