Quá khứ một lần nữa lặp lại
Hầu hết các cổ phiếu đã bật tăng vào một thời điểm không ngờ khi giới đầu tư gần như chẳng còn gì bấu víu với tất cả những thông tin vĩ mô đã phơi bày trước mắt: tỷ giá “chợ đen” tăng cao, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lập đỉnh, lãi suất tăng cao...
Điều gì sẽ đón với thị trường sau khi các thông tin không thuận lợi xuất hiện? Vào lúc mọi việc tưởng như xấu nhất, hai chỉ số chứng khoán lập tức có ngay câu trả lời bằng việc đi lên trong hoài nghi.
Quá khứ một lần nữa lặp lại
Đợt phục hồi hiện tại của thị trường khá giống với bối cảnh đi lên hồi tháng 6/2008. Thời điểm đó, áp lực tỷ giá cũng căng thẳng không kém hiện nay. Trên thị trường tự do đã có lúc USD lập đỉnh với mức quy đổi 1 USD: 19.000 VND, cao hơn tỷ giá hạch toán giữa VND với USD chính thức tới 12%. Tháng 5/2008 chỉ số CPI tăng 3,91% lập đỉnh của năm và tăng tiếp 2,14% vào tháng 6. Ngày 10/6, lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lên 14%/năm, đồng nghĩa với việc các tổ chức tín dụng được phép huy động vốn với lãi suất 21%/năm. Lãi suất cho vay dĩ nhiên còn cao hơn. Thế nhưng bất ngờ, VN-Index đã xác lập đáy 366 điểm (ngày 20/6/2008) và đảo chiều đi lên trong lúc NĐT không còn gì để hy vọng.
8 tháng sau đó, sự xuống dốc liên tục của chứng khoán “gặm nhấm” phần niềm tin còn lại của giới đầu tư. Những tin tức dội về từ thị trường quốc tế khiến nhiều NĐT chùn bước. Giá các cổ phiếu khối tài chính, ngân hàng, các DN xuất khẩu giảm với tốc độ chóng mặt.
Không ít bài viết lúc đó ví von “chứng khoán rẻ như rau” khi trên hai sàn không ít DN đang kinh doanh có lãi, nhưng cổ phiếu lùi về dưới mệnh giá. Có DN giá trị vốn hóa chỉ nhỉnh hơn lượng tiền mặt đang có chút ít, còn lại giá trị thương hiệu, đất đai, máy móc thiết bị... đều không được NĐT tính đến.
Kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới chưa có gì chuyển biến rõ nét, nhưng VN-Index bất ngờ đảo chiều từ cuối tháng 2/2009. Sau này, NĐT cá nhân và dòng tiền bắt đáy cổ phiếu giá rẻ được nhận diện là chất xúc tác châm ngọn lửa phục hồi cho thị trường.
Hiện nay, dường như quá khứ một lần nữa lặp lại: tỷ giá chợ đen tăng cao và chưa chịu hạ nhiệt, CPI tháng 11 lập đỉnh của năm; lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã tăng lên mức 16%... Bên cạnh đó, giới truyền thông lại bắt đầu ví von “chứng khoán rẻ như rau” khi có tới 112 số cổ phiếu trên HOSE và 213 cổ phiến trên HAX có giá dưới 20.000 đồng.
Điều gì giải mã sự đảo chiều của chứng khoán hiện nay? Quá khứ gợi ý rằng, thị trường đi lên vào những lúc khó khăn, vào lúc ít ngờ nhất! Và dòng tiền tham lam của các NĐT cá nhân dường như lại bắt đầu từ các cổ phiếu nhỏ có thị giá thấp, cuốn theo chính các NĐT lớn.
Chướng ngại và lực đẩy trên đà phục hồi
Đợt tăng giá hiện tại của thị trường không nằm trong dự kiến của bộ phận tự doanh nhiều NĐT tổ chức. Họ bị bất ngờ trước sự đảo chiều nhanh chóng của hai chỉ số chứng khoán “trên nền” kinh tế vĩ mô hiện tại.
Theo khảo sát của ĐTCK, trong đợt VN-Index rớt từ 440 điểm về 420 điểm, rất ít CTCK dám mạnh tay giải ngân. Phần lớn vẫn giữ quan điểm có thể VN-Index xuống dưới 420 điểm. Trong khi đó, các quỹ mua vào dè dặt.
Sự thận trọng này xuất phát từ các mất mát quá lớn trong quý III, nỗi lo phải trích lập dự phòng cuối năm và diễn biến các yếu tố vĩ mô không “ủng hộ” chứng khoán.
Lãnh đạo cao cấp của một CTCK cho biết, mục tiêu số 1 của bộ phận tự doanh công ty là tiếp tục bán ra. Sự đảo chiều ngoạn mục của chỉ số chứng khoán lúc này là một bất ngờ quá lớn với dự đoán của công ty này.
Trên đà phục hồi đợt này, VN- Index sẽ gặp không ít lực cản từ việc: hiện thực hóa lợi nhuận của các NĐT, sự bán ra của các NĐT tổ chức và nhà ĐTNN. Nhà ĐTNN đã từng mua ròng bền bỉ, nhưng hai phiên giao dịch gần đây đã chuyển sang bán ròng.
Bên cạnh đó là kết quả kinh doanh quý IV/2010 và quý I/2011 sẽ là dịp để thị trường đánh giá lại mức độ đắt rẻ của cổ phiếu khi các DN bắt đầu “ngấm đòn” lãi suất, tỷ giá và trích lập dự phòng. Một yếu tố không ủng hộ chứng khoán là cuối năm thường là tháng rút tiền về của ngân hàng - khối đang gấp rút hoàn tất các thủ tục tăng vốn theo kế hoạch.
Bên cạnh việc cạnh tranh với kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ và tiền gửi, sự hoài nghi về biến động lãi suất, lạm phát luôn khiến tâm lý NĐT có thể quay ngoắt 180 độ giữa hai cực nóng lạnh trên TTCK.
Tuy nhiên, mọi việc đều có tính hai mặt. Sự thận trọng của các CTCK có thể gây “hiệu ứng ngược” khi hai chỉ số chứng khoán phục hồi, tương tự như dòng tiền rất lớn đang bên lề đóng vai trò “quan sát viên”. Họ đứng trước áp lực bắt buộc giải ngân khi khi chỉ số chứng khoán tiếp tục phục hồi mạnh.
Cuối năm cũng là thời điểm làm đẹp sổ sách của khối ngân hàng, CTCK, quỹ đầu tư... Theo khảo sát của một quỹ đầu tư trong nước giữa tuần, một số NĐT tổ chức đã rút tiền gửi tại các ngân hàng tìm cơ hội trên TTCK.
Ông Trịnh Hoài Giang - Phó tổng giám đốc CTCK HSC: "Các nhân tố cơ bản chưa có gì chuyển biến rõ rệt. Thời gian qua, VN-Index không giảm nhiều nhưng giá nhiều cổ phiếu đã giảm rất sâu. Cổ phiếu đã rớt mạnh và phục hồi trở lại, điều này là hoàn toàn bình thường".
Ông Lương Biện Nhân Quyền - Trưởng bộ phận phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Me Kong: "Sau chuỗi tăng điểm, thị trường luôn có một vài phiên thoái lui, nhưng vừa qua sự điều chỉnh khá nhẹ nhàng, thậm chí diễn ra trong phiên. Diễn biến này rất giống các chu kỳ phục hồi mạnh của chứng khoán trước đây. Hiện tại, nhiều nhà phân tích cơ bản đang có tâm trạng hoài, điều này mách bảo chứng khoán có có sức bật". |
Giang Thanh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|