Thứ Ba, 07/12/2010 21:23

Thị trường chứng khoán Việt Nam, 11 tháng nhìn lại

(Vietstock) - 11 tháng đầu năm trở nên buồn tẻ với đa số nhà đầu tư, chỉ số VN-Index đi được gần hết quãng đường của năm trong kênh xu hướng xuống. Phiên mở cửa năm 2010, chỉ số VN-Index ở mốc 540 điểm, kết thúc phiên 30/11, VN-Index còn 446 điểm, mất 94 điểm.

Ngày 06/05, chỉ số lên cao nhất với 549 điểm và giảm điểm thấp nhất tại ngày 25/08 khi đóng cửa chỉ số còn 423 điểm. Các sóng tăng trưởng trong năm cũng yếu ớt và thường diễn ra trong khoảng thời gian ngắn từ 1 tuần đến 1 tháng với cường độ thấp còn các sóng điều chỉnh lại diễn ra với cường độ mạnh và thời gian dài hơn.

Nhà đầu tư đã nếm trải nhiều cảm xúc trong 11 tháng đầu năm

Thanh khoản giảm đáng kể

Mặc dù lượng cổ phiếu niêm yết (bao gồm những cổ phiếu mới niêm yết và cổ phiếu phát hành thêm) 6 tháng đầu năm đã bằng lượng bổ sung thêm của cả năm 2009, nhưng thanh khoản của thị trường lại không được cải thiện so với năm 2009.

Thanh khoản có xu hướng giảm từ tháng 7 trở lại đây, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đang mất dần, một lượng tiền đã chuyển qua các kênh đầu tư khác có tỷ suất sinh lời hấp dẫn hơn như ngoại hối, vàng… hoặc để tiền trong tài khoản chờ đợi một xu hướng thị trường tăng một cách rõ ràng hơn mới gia nhập.

Khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên của cả hai sàn trong 11 tháng đạt khoảng 30.3 triệu cổ phiếu và giá trị bình quân khoảng 1,018 tỷ đồng. Trong khi đó con số này trong năm 2009 là 42 triệu cổ phiếu và giá trị giao dịch đạt 1,400 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch đạt thấp kỷ lục vào ngày 01/11 với chỉ 18.02 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, và đạt điểm đỉnh vào ngày 07/05 với khối lượng là 105.28 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng

Một điểm tích cực trong 11 tháng là sự gia tăng của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Thông tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, tính đến ngày 30/11/2010, Trung tâm đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 14,731NĐTNN, trong đó có 1,416 nhà đầu tư tổ chức và 13,315 nhà đầu tư cá nhân. Liên quan đến hoạt động và giao dịch của NĐTNN, một sự ngạc nhiên thú vị là khi các báo cáo của các tổ chức nước ngoài tỏ ra khá bi quan về vấn đề lạm phát, thâm hụt thương mại, lo ngại về chính sách tiền tệ của Việt Nam thì đó cũng là lúc khối ngoại có 7 tháng mua ròng tính tới hết tháng 11.

Trong 11 tháng đầu năm, các NĐTNN đã mua 11,572 tỷ đồng

Giao dịch của khối ngoại chiếm trung bình khoảng 6-8% giá trị giao dịch toàn thị trường, họ đã không còn là kim chỉ nam định hướng cho thị trường như trong năm 2009 nữa. Khoảng thời gian gần đây động thái đỡ giá cổ phiếu Bluechip được diễn ra một cách khá lộ liễu. Với động thái mua ròng liên tục trong 7 tháng liền chứng tỏ một sự kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần.

Vĩ mô còn nhiều bất ổn

Năm 2010 sắp qua đi, một năm chứng khoán gắn liền với chính sách tiền tệ, sự tăng trưởng tín dụng khó khăn của những tháng đầu năm đã hạn chế dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Tưởng chừng con số tăng trưởng lạm phát 7% so với năm 2009 dễ dàng đạt được khi 7 tháng đầu năm CPI mới tăng 4.84% và tăng trưởng tín dụng mới có 12.97%. Nhưng những tháng cuối năm lạm phát tăng chóng mặt, tháng 11 tăng gần 2%, tăng trưởng tín dụng tháng 9 lên đến 4.25%.

Hiện tại lãi suất cho vay tiêu dùng và sản suất đang ở mức khá cao, giao động ở 15 – 20%. Nhiều ngân hàng lại có “sân chơi sau” khi Nhà nước phát hành ra một lượng trái phiếu chính phủ khổng lồ với lãi suất đủ hấp dẫn. Họ mua trái phiếu chính phủ trên và mang thế chấp trên thị trường mở lấy vốn lãi suất thấp hơn để cho vay hưởng chênh lệch lãi suất. Và đây là mảng nhiều ngân hàng đang hướng tới trong giai đoạn khó khăn này. Với lãi suất đầu ra cao, cộng với sự không mặn mà của các ngân hàng thương mại, nó tạo lực cản cho dòng tiền vào thị trường chứng khoán, tạo nên một thị trường ảm đạm trong những tháng đầu năm.

Trong ngắn hạn, việc lãi suất huy động cao cũng tạo ra yếu tố tích cực, giúp thu hút một lượng ngoại tệ rất lớn chảy vào trong nước nhờ chênh lệch lãi suất VND tại Việt Nam và lãi suất của các đồng ngoại tệ tại các nước. Lãi suất của Việt Nam cao gấp 10 lần so với lãi suất USD ở Mỹ, tương tự với đồng Yên nhật. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài mang ngoại tệ vào Việt Nam đầu tư gián tiếp qua các kênh chứng khoán (một nguyên nhân lý giải cho động thái mua ròng nhà đầu tư nước ngoài những tháng gần đây), tiền gửi ngân hàng Việt Nam… Nhưng nó cũng tiềm ẩn một rủi ro vì đây là khoản đầu tư ngắn hạn, có tính thanh khoản cao nên khi có biến họ có thể dễ dàng rút tiền ra khỏi hệ thống và làm xáo trộn thị trường ngoại hối của Việt Nam.

Nỗi ám ảnh mang tên… 13

Thông tư 13 được đưa ra vào tháng 5/2010 với thời hạn áp dụng dự kiến vào ngày 01/10/2010. Vào thời điểm đó nhà đầu tư dường như không để ý tới nội dung của thông tư này. Nhưng càng đến gần ngày áp dụng, nó lại là nguyên nhân chính gây nên một đợt sóng giảm dài và mạnh trên thị trường từ giữa tháng 7 đến gần cuối tháng 8. Không loại trừ tác động của những “nhà tạo lập thị trường” muốn té nước theo mưa, cố tình tạo một tâm lý bi quan cho nhà đầu tư để đẩy thị trường xuống sâu hơn.

Sau khi thông tư 19 đưa ra, bổ sung cho những bất cập của thông tư 13 đã giải tỏa tâm lý đang bị đè nặng bởi cái bóng của thông tư 13. Và những con số tích cực được công bố như GDP quý 3 tăng 7.16%, chín tháng đầu năm tăng 6.52%, nhưng cũng không cải thiện được xu hướng giảm với giá trị giao dịch èo uột của thị trường.

Với lỗ lực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của chính phủ, ngân hàng nhỏ tăng vốn điều lệ lên 3,000 tỷ đồng. Cộng thêm lượng cổ phiếu chia tách, phát hành thêm của các doanh nghiệp đang niêm yết đã tạo nên một lượng cung ồ ạt trên thị trường. Trong khi đó, dòng tiền mới không được bổ sung vào thị trường, lượng tiền ít ỏi hiện tại đang có xu hướng rời bỏ thị trường do không có khả năng kiếm lời đã tạo nên một bức tranh ảm đạm cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010.

Điều gì sẽ tác động đến thị trường?

Trên quan điểm phân tích cơ bản, người viết xin đưa ra một số nhận định về xu hướng thị trường từ giờ tới cuối năm 2010. Trong đó những yếu tố tích cực và tiêu cực sẽ tác động tới thị trường:

Những yếu tố tích cực sẽ tác động tới thị trường trong thời gian còn lại có thể kể đến như tăng trưởng GDP khả quan, thường mức tăng trưởng sẽ đạt cao nhất vào quý 4, có khả năng vượt kết hoạch tăng trưởng GDP 6.5% là rất cao. Quý 4 là thời điểm điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp, thông tư 19 thể hiện động thái của ngân hàng nhà nước muốn nới lỏng cung tiền tệ hơn cho nền kinh tế.

Trái phiếu phát hành đã giảm mạnh hai tháng trở lại đây và Bộ Tài chính đang đánh tín hiệu sẽ giảm lãi suất huy động trái phiếu. Giá cổ phiếu Việt Nam hiện tại nếu so sánh với các nước trong khu vực thì có thể nói là khá rẻ nếu chỉ xét chỉ số PE. Các thị trường khác tăng bình quân khoảng 20% từ tháng 5 đến giờ, còn Việt Nam “có lối đi riêng”, một mình giảm khoảng 20%. Các nhà đầu tư ngoại không sớm thì muộn cũng sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam, nhưng chắc còn phải chờ…

Ngoài ra cũng cần kể đến một số vấn đề sẽ tác động xấu đến xu hướng thị trường thời gian tới như vấn đề về tỷ giá do tác động cầu USD trong nước vào thời điểm cuối năm lên cao. Lượng cổ phiếu phát hành thêm sẽ tăng mạnh vào thời điểm cuối năm. Nhà nước cần một lượng tiền lớn để cứu vãn Vinashin. Những kênh đầu tư thay thế như vàng, USD đang hấp dẫn nhà đầu tư…

Mười năm, một khoảng thời gian không nhỏ để tạo dựng nên một thì trường chứng khoán vững vàng hơn. Nhưng nhìn lại thì trường chứng khoán Việt Nam không thấy mấy sự thay đổi. Thị trường đang phình to vì càng ngày càng nhiều công ty lớn lên sàn, nhưng lại bó hẹp về chất.

Các sản phẩm không theo kịp sự phát triển của thị trường, sự thao túng thị trường của những nhà đầu tư lớn, những “cá mập, cá voi” trên thị trường làm méo mó đi vai trò của thị trường chứng khoán và làm thiệt hại cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Do điều kiện niêm yết trên sàn giao dịch quá dễ tạo nên những sản phẩm chất lượng không cao, vì vậy cần phải siết chặt hơn điều kiện niêm yết. Tránh tình trạng doanh nghiệp “in giấy lấy tiền” bằng cách lạm dụng chia tách, phát hành thêm cổ phiếu làm pha loãng giá trị của cổ phiếu, nên cần phải có điều kiện khắt khe hơn để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, và để lấy lại niềm tin cũng như thể hiện được vai trò lớn lao của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế.

Vũ Văn Cương (VDSC)

Các tin tức khác

>   Đón đầu cổ phiếu OTC (07/12/2010)

>   Ông Trần Đắc Sinh: Năm 2011, chứng khoán sẽ tăng trưởng mạnh hơn (06/12/2010)

>   Thị trường ngày 07/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (06/12/2010)

>   Sở yêu cầu AMV, BVS giải trình tăng trần 5 phiên liên tiếp (06/12/2010)

>   Quá khứ một lần nữa lặp lại (06/12/2010)

>   'Ranh giới giữa lướt sóng và làm giá rất mong manh' (06/12/2010)

>   Cổ phiếu DVD: Sẵn sàng đánh cược với rủi ro? (06/12/2010)

>   Lãi suất cao đe dọa đà tăng chứng khoán (06/12/2010)

>   UPCoM-Index điều chỉnh còn 41,77 điểm (06/12/2010)

>   Góp ý cho TTCK Việt Nam (06/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật