Thời điểm dòng tiền trở lại không còn xa
|
Ông Nguyễn Văn Trung. |
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SeAbank (SASC) cho rằng, hiện thị trường chứng khoán (TTCK) chưa có dòng tiền mới và lượng tiền của các tổ chức cũng gần như bằng 0.
Ông nhận định thế nào về TTCK từ nay đến hết năm?
Chưa có nhiều sức bật cho TTCK trong những tháng tới. Các thông tin vĩ mô trong nước dù tích cực, song nhà đầu tư lại bị tác động bởi thông tin từ biến động tỷ giá, nhập siêu, lạm phát, cũng như lãi suất dịp cuối năm.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III/2010 cũng không được thuận lợi như quý II. Kinh tế toàn cầu, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản có biểu hiện chững lại, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu.
Dòng tiền vào thị trường sắp tới còn tiềm ẩn rủi ro, khi dòng tiền đổ vào TTCK và bất động sản bị hạn chế.
Ông có thể “nhận dạng” dòng tiền đang lưu thông trên TTCK hiện nay? Vì sao liên tiếp nhiều tháng qua, luồng tiền chưa đổ nhiều vào TTCK?
Thời gian qua, chỉ số VN - Index gần như đi ngang, với biên độ hẹp, thanh khoản sụt giảm đáng kể, khối lượng giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE chỉ khoảng hơn 20 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng trên 500 tỷ đồng.
Dòng tiền mới vào thị trường hầu như không có, trong khi dòng tiền hiện tại thậm chí có xu hướng giảm, thể hiện qua giá trị giao dịch trung bình/phiên sụt giảm.
Trong dòng tiền đang lưu thông, lượng tiền của các tổ chức gần như không có, mà chủ yếu là tiền của nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Điều này thể hiện rõ qua số lượng cổ phiếu trong mỗi lệnh đặt mua, hoặc đặt bán. Ngoài các mã blue-chips, hầu hết các cổ phiếu khác đều có lượng khớp lệnh ở mức rất thấp, chỉ vài trăm, thậm chí vài chục cổ phiếu/lệnh. Giá trị giao dịch thấp phần nào phản ánh thực tế này, nếu có tổ chức tham gia, thì giá trị giao dịch một phiên không chỉ dừng lại ở mức 500-600 tỷ đồng.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến dòng tiền của khối nhà đầu tư ngoại khi họ liên tục mua ròng và là lực đỡ chủ yếu cho thị trường thời gian gần đây.
Theo ông, thời điểm nào luồng tiền bên ngoài sẽ đổ vào thị trường và khả năng hấp thụ sẽ ở mức nào?
Hiện tại, việc xác định thời điểm luồng tiền bên ngoài sẽ đổ vào thị trường là rất khó. Tuy nhiên, thời điểm dòng tiền quay lại TTCK sẽ không còn xa, khi thị giá cổ phiếu đang ở mức quá hấp dẫn đối với nhà đầu tư, chỉ số P/E của Việt Nam hiện vào khoảng 10-11 lần là mức thấp nhất trong khu vực, chỉ số P/B cũng ở mức thấp hơn so với mức trung bình của các quốc gia ở châu Á. Việc áp dụng Thông tư 13/NHNN khiến thị trường gặp khó khăn hơn trong thời gian đầu, nhưng xét về dài hạn, sẽ giúp hệ thống ngân hàng phát triển bền vững hơn, giúp cải thiện huy động vốn và thanh khoản, dòng tiền vào thị trường chứng khoán từ đó cũng được khơi thông.
Trong bối cảnh trên, công ty chứng khoán nên có chiến lược phát triển thế nào cho hiệu quả, thưa ông?
Theo tôi, các công ty chứng khoán cần tập trung hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy chế quản lý rủi ro; rà soát lại đội ngũ nhân sự để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi của thị trường.
Với lợi thế là thành viên của SeABank, một trong 10 ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam hiện nay (vốn điều lệ 5.334 tỷ đồng), SASC xác định thế mạnh của mình là tiềm lực tài chính, từ đó đặt trọng tâm là cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Năm 2010, SASC đã tập trung đầu tư vào công nghệ, tuyển dụng và đào tạo nhân sự, phát triển mạng lưới. SASC đang đàm phán với một đối tác nước ngoài về cung cấp phần mềm lõi tiện ích hàng đầu cho hoạt động kinh doanh chứng khoán phù hợp với TTCK Việt Nam, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng từ đầu năm 2011.
Huy Hào
đầu tư
|