Quý IV, nhóm ngành nào khả quan?
Tới thời điểm này, báo cáo tài chính quý III/2010 của các DN niêm yết hầu hết đã được công bố. Nhiều người nhận định, kết quả kinh doanh quý III không đủ đột biến để tạo nên một đợt "sóng báo cáo tài chính". Tuy nhiên, mỗi khi tới mùa công bố báo cáo tài chính quý, NĐT quan tâm nhất tới các ngành có tính "mùa vụ". Quý III vừa qua và quý IV này, chúng ta hãy điểm lại những nhóm ngành nào mang tính "mùa vụ".
Quý III hàng năm thường là vụ xuất khẩu cao điểm của ngành thủy sản, chuẩn bị cho nhu cầu dịp Noel và năm mới. Thế nhưng, năm nay, với diễn biến tăng của giá nguyên liệu đầu vào và rủi ro chính sách tại thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ, các DN hầu hết đều không duy trì được mức lợi nhuận như cùng kỳ năm 2009. Khó khăn này có thể tiếp tục ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh quý IV của các DN.
Xuất khẩu dệt may năm nay khả quan hơn ngoái nhờ "đầy ắp" đơn hàng, có nhiều DN đã có được đơn hàng cho tới tháng 6/2011. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào tăng, các DN Việt Nam chủ yếu nhận gia công, giá trị gia tăng thấp nên kết quả kinh doanh quý III năm nay đã không lạc quan như kỳ vọng.
Kết quả kinh doanh của ngành vận tải biển, ngành được coi như thước đo đánh giá tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa đã phản ánh đúng những khó khăn của kinh tế vĩ mô. Nhiều đội tàu không có hợp đồng thuê, nếu có chạy cũng với giá cước thấp. Không có doanh thu nhưng vẫn mất chi phí khấu hao, bảo dưỡng, cộng thêm việc chi phí tài chính tăng khiến các DN rơi vào tình cảnh khó khăn, trong đó chịu tác động nặng nề nhất là các DN vận tải xăng dầu. Tới hết năm 2010, tình trạng này có lẽ vẫn chưa thể tháo gỡ, khi quý IV là thời điểm khó khăn cho ngành vận tải biển nói chung, do có gió mùa Đông Bắc, khó khăn cho vận chuyển.
Chi phí tài chính, cùng với biến động giá thép bất thường trong năm và sản lượng tiêu thụ giảm là nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh không tốt của các DN ngành thép trong quý III vừa qua. Với đặc điểm là luôn có độ trễ so với biến động tăng của giá phôi thép, giá thép trong nước dự kiến có thể tăng trong thời gian tới. Dù chu kỳ tăng nhiều khả năng ngắn hơn mọi năm, nhưng điều này mang đến hy vọng kết quả kinh doanh quý IV của các DN sẽ khả quan hơn so với quý III.
Về nhóm ngành năng lượng, các DN thủy điện công bố những kết quả kinh doanh quý III không tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này là dễ hiểu khi năm nay được đánh giá là một trong những năm có thời tiết biến động bất thường và khó lường nhất. Ngoại trừ CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) tiếp tục là "nạn nhân" của tỷ giá JPY/VND tăng, CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) có thể là cổ phiếu mà NĐT nên chú ý theo dõi trong nhóm ngành năng lượng, khi DN này chuẩn bị hết khấu hao và hoạt động kinh doanh của các DN nhiệt điện khá ổn định.
Cao su tự nhiên có lẽ là "điểm sáng" duy nhất trong bức tranh toàn cảnh về các ngành quý III năm nay. Thời tiết thuận lợi cho sản lượng, giá bán tăng và được lợi nhờ tỷ giá, trong khi các chi phí có tính chất cố định là nguyên nhân khiến nhiều DN cao su tự nhiên công bố kết quả kinh doanh quý III khả quan. Lợi thế này sẽ được duy trì trong quý IV, vì đây là quý "mùa vụ" của ngành cao su. Tuy nhiên, lợi thế của cao su tự nhiên lại là bất lợi của cao su chế biến (săm lốp ôtô) khi phải chịu chi phí nguyên liệu đầu vào tăng. Tình hình cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập cũng là một trong những khó khăn ảnh hưởng tới kết quả của nhóm DN săm lốp.
Các DN bất động sản luôn nhận được nhiều sự quan tâm của các NĐT hiện đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn để thực hiện các dự án. Tuy nhiên, với đặc điểm là DN thường hạch toán lợi nhuận vào cuối năm, nên các DN bất động sản là một trong những cổ phiếu cần thường xuyên quan tâm theo dõi.
Đánh giá tổng thể các ngành trong nền kinh tế thời gian qua, có thể thấy những khó khăn của nền kinh tế vĩ mô đã phản ánh vào kết quả hoạt động của các DN, điều này phác họa bức tranh không mấy khả quan về tình hình kinh tế cả năm 2010.
Hà Thanh, Phòng Phân tích, CTCK IRS
Lợi nhuận quý IV của các doanh nghiệp sẽ chịu tác động đáng kể từ chính sách tiền tệ
Các doanh nghiệp khi phải đi vay với mặt bằng lãi suất cao hơn, dù suốt nửa đầu năm 2010 doanh nghiệp đã phải chịu mức lãi suất cho vay đến 16-17%. Đơn cử, với CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), 100% nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu, chi phí nguyên vật liệu chiếm 75% giá thành sản xuất có thể đẩy giá vốn tăng 2%, doanh nghiệp nếu chấp nhận giữ nguyên giá sẽ giảm lợi nhuận.
Hay CTCP Thép Pomina (POM), khoảng 70% nguyên liệu được nhập khẩu gồm phôi thép và thép phế, lãi suất tăng có ảnh hưởng khá tiêu cực do tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản lớn (50%), trong đó tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn bằng ngoại tệ là 91,6 triệu USD và 22 triệu EUR. CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), chi phí tài chính tăng do tỷ lệ vay nợ/tổng tài sản cao 47,8% (trong đó 40,1% tương đương với 3.620 tỷ đồng chịu lãi suất thả nổi theo lãi suất ngân hàng).
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) có tổng vay nợ chịu lãi 1.304 tỷ đồng, tương đương 40,9% tổng tài sản, trong đó các khoản vay dài hạn chiếm tới 97%, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí tài chính của các khoản vay dài hạn, tăng lên đáng kể. CTCP Thủy sản Minh Phú (MPC), mức độ ảnh hưởng khá lớn do tỷ lệ vay nợ/vốn chủ sở hữu là 95%. CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), tỷ lệ vay/vốn chủ sở hữu cao 78% nên chi phí lãi vay sẽ tăng tương ứng với lãi suất. |
Bộ phận phân tích CTCK Bảo Việt
Đầu tư chứng khoán
|