Nhà đầu tư “ngoại” sợ biến động tỷ giá
Thị trường ngoại hối biến động mạnh đãtrở thành mối quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại. Mặc dù “cơn sốt” đã phần nào dịu đi, nhưng khối ngoại vẫn thường xuyên dõi theo biến động của tỷ giá.
Bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có mức PE (giá so với thu nhập của cổ phiếu) tương đối hấp dẫn so với nhiều thị trường chứng khoán khác trong khu vực. Tuy nhiên, theo bà Hoa, trước áp lực tỷ giá VND so với đồng USD và giá vàng liên tục biến động, nhà đầu tư ngoại có tâm lý e ngại, không muốn tham gia thị trường vào thời điểm này.
Diễn biến thị trường ngoại tệ cuối tuần qua cho thấy, sau khi tăng nóng một vài ngày trước đó, giá USD đã giảm vào ngày cuối tuần. Nếu trước đó, giá USD trên thị trường tự do có lúc lên tới 21.000 đồng/USD, thì đến trưa 6/11 đã hạ nhiệt khá nhanh, với mức bán ra 20.800 đồng/USD và mua vào dao động trong khoảng 20.600 - 20.650 đồng/USD.
Theo các nhà phân tích, thông tin Chính phủ bơm ngoại tệ cứu tỷ giá, cùng thông báo của Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ngoại tệ để hỗ trợ thanh khoản thị trường ngay trong ngày hôm nay (8/11), đã làm “hạ nhiệt” cơn sốt USD trên thị trường tự do.
Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay, cơn sốt USD vừa qua đã đưa tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng cao và vượt xa so với tỷ giá chính thức ngân hàng. Điều này gây tác động bất ổn cho thị trường và nền kinh tế.
Dù cơn sốt tỷ giá đã phần nào hạ nhiệt, nhưng hiện tại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa hết lo ngại, họ vẫn theo sát diễn biến tỷ giá ngoại tệ trên thị trường và cân nhắc kỹ việc tham gia thị trường vào thời điểm này.
Các nhà phân tích cho rằng, nhiều mã cổ phiếu Việt Nam đang có sức hấp dẫn mạnh đối với dòng vốn ngoại, do giá rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Do đó, nếu tỷ giá được duy trì ổn định, thị trường có thể có sức bật mạnh nhờ đòn bẩy từ dòng tiền ngoại.
Thông tin tổng hợp từ Bloomberg cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang giao dịch ở mức PE = 10,3, trong khi các thị trường chứng khoán khác ở khu vực đều có mức PE cao hơn.
Chẳng hạn, thị trường chứng khoán Indonesia có mức PE 20,7; Malaysia 18,1; Philippines 14,9 và Thái Lan 15,5. Xét về chỉ số, VN-Index đã giảm khoảng 9% kể từ đầu năm đến nay, trong khi hầu hết các thị trường chứng khoán trong khu vực đều có sự tăng trưởng vượt bậc. Thị trường chứng khoán Philippines tăng 43%, Thái Lan tăng 38% và Indonesia tăng 33%.
Một yếu tố quan trọng hỗ trợ mức tăng trưởng mạnh của các thị trường chứng khoán trong khu vực thời gian qua là dòng vốn ngoại đã ồ ạt đổ vào các quốc gia nêu trên. Theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), mức mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2010 đến nay đã tăng 4 lần so với tổng giá trị mua ròng năm 2009. Giá trị mua ròng của khối ngoại từ đầu năm đến nay đạt 564 triệu USD, trong đó, riêng giá trị mua ròng của khối ngoại trong tháng 10/2010 đạt 181 triệu USD.
Hải Bằng
ĐẦU TƯ
|