Thứ Ba, 23/11/2010 18:14

Đột biến cổ phiếu ngân hàng

Liên tiếp hai phiên giao dịch gần đây, một số cổ phiếu ngân hàng có biến động khá bất thường với khối lượng giao dịch tăng vọt.

Hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều đang ở mức giá rất thấp trong hơn một năm trở lại đây. Trong biểu đồ là giá ACB và biến động khối lượng ngày 22-23/11/2010.

Thời gian qua, cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm có sức bật kém nhất trên thị trường. Dưới sức nặng của chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất đầu vào tăng cao trong khi khả năng cho vay hạn chế, các tiêu chuẩn mới về hệ số an toàn vốn, khống chế huy động vàng... là những lý do khiến giới đầu tư lẫn đầu cơ trong nước xa lánh.

Chỉ tính riêng từ tháng 8 đến nay, khi VN-Index bắt đầu rời xa mức 500 điểm, chỉ số này đã giảm khoảng 12,8%. Trong khi đó VCB giảm 12%, STB giảm 18,7%, EIB giảm 15,2%, CTG giảm 25,8%. HNX-Index giảm cùng kỳ 34,6% thì ACB giảm 23%, NVB từ khi lên sàn (13/9/2010) giảm 27%, SHB giảm 16,5%...

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng cũng thuộc loại ít sóng nhất và được giới đầu tư mệnh danh là “hố chôn vốn” vì cơ hội lướt sóng ngắn cũng quá hiếm. Ngay cả những khuyến nghị đầu tư của các công ty chứng khoán cũng khuyên khách hàng tránh xa nhóm cổ phiếu này.

Tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa là giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã sụt giảm rất mạnh thời gian qua. Ngày 23/11, ACB, VCB và EIB đột ngột xuất hiện giao dịch lớn hơn hẳn thông lệ. ACB khớp tổng cộng 1,10 triệu đơn vị, mức cao nhất trong gần 6 tháng. Đáng chú ý là mới hôm qua, cổ phiếu này cũng đã khớp lệnh tới hơn 1 triệu đơn vị. VCB cũng được khớp trên 230.000 đơn vị, cao nhất trong 10 phiên. EIB khớp 1,25 triệu cổ phiếu, mức kỷ lục kể từ phiên liền trước ngày giao dịch không hưởng quyền 7/10/2010.

Về giá, duy nhất EIB đứng mức tham chiếu trong khi hai cổ phiếu còn lại đều tăng. Trong số 1,25 triệu đơn vị được được giao dịch của EIB, mức giá khớp nhiều nhất là tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu, chiếm tới 95%. Hơn 59% khối lượng tại giá này là khớp theo dư mua, nghĩa là xuất hiện hoạt động xả hàng lớn tại EIB nhưng đã được đỡ ở tham chiếu.

VCB “hoành tráng” hơn khi tăng tới 3,8% trong phiên hôm nay, thuộc vào nhóm đột biến của sàn HOSE. Ngay phiên trước VCB cũng dao động cực mạnh với 6% trong ngày, từ mức thấp nhất được đẩy ngược lên lúc đóng cửa. ACB sau hai phiên khớp lệnh “khủng” nhưng giá hôm nay vẫn tăng 1,8%.

Nếu nhóm 7 cổ phiếu ngân hàng niêm yết lại thành một chỉ số chung thì ngày 23/11 ghi nhận lượng giao dịch đột biến tăng gần 37%. Chỉ số này tăng 1,6% so với hôm qua và đã tăng 2,74% trong 4 phiên gần đây. Giao dịch tăng lên ở VCB, CTG, EIB, STB, ACB, những cổ phiếu dẫn đầu trong nhóm ngành này.

Theo phân tích của một số tổ chức, các yếu tố vĩ mô đang ảnh hưởng khá xấu đến hoạt động ngân hàng hiện tại và thời gian tới. Tuy nhiên sự đột biến về giao dịch của cổ phiếu ngân hàng mấy phiên gần đây cho thấy một dòng tiền lớn đang tham gia mua đồng thời lượng cung cũng khá mạnh.

Đánh giá tác động của tỷ giá đến phản ứng của thị trường đối với cổ phiếu ngân hàng, một ước tính định lượng của Công ty chứng khoán Liên Việt cho rằng tỷ giá tăng 1% thì giá nhóm cổ phiếu này giảm 0,68%. Điều đó hàm ý việc tăng tỷ giá tác động mạnh tới lạm phát, tâm lý, tăng chi phí huy động và cho vay ngoại tệ, tăng rủi ro kinh doanh ngoại hối.

Đối với giá vàng, nếu giá vàng tăng 1% thì giá trung bình cổ phiếu giảm 0,15%. Giá vàng tăng khiến chi phí huy động vàng tăng, cho vay khó khăn ảnh hưởng tới lợi nhuận. Vàng cũng hút dòng tiền đầu tư  khiến thị trường giảm thanh khoản, giảm điểm.

Riêng với lãi suất,  giá cổ phiếu ngân hàng giảm bình quân 0,36% khi lãi suất tăng 1%. Lãi suất tăng làm tăng chi phí vốn, cho vay bị thắt chặt khiến lợi nhuận giảm . Lãi suất tăng cũng hút dòng tiền sang kênh tiết kiệm, tác động tiêu cực tới thị trường nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng.

Tóm lại ước tính trên khẳng định giá vàng, tỷ giá, lãi suất đều có tác động tổng hợp ngược chiều đối với giá cổ phiếu ngân hàng. Các giải pháp bình ổn thị trường vàng, thị trường ngoại tệ có thể tác động tích cực đến giá nhóm cổ phiếu này.

Vậy những biểu hiện khả quan từ nhóm cổ phiếu ngân hàng gần đây là một phản ứng đối với sự lắng dịu của thị trường vàng, ngoại tệ? Trong các nhân tố này, lãi suất vẫn là vấn đề nổi cộm và khó có thể bình ổn trong thời gian ngắn. Việc các ngân hàng đua nhau phá trần lãi suất huy động cũng đồng loạt đẩy lãi suất đầu ra tăng cao. Biên lãi thuần sẽ được giữ nguyên nếu các ngân hàng tự do đẩy lãi suất đầu ra tăng theo lãi suất huy động.

Tuy nhiên điều đó không dễ khi khả năng chịu đựng của doanh nghiệp có hạn. Đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao, chi phí đầu vào nói chung tăng lên khiến lợi nhuận biên giảm. Khả năng thu hẹp sản xuất của doanh nghiệp là hoàn toàn có thể và điều đó cũng khiến cho nhu cầu vay giảm xuống.

Diễn biến bất ngờ về giá và khối lượng giao dịch của những cổ phiếu ngân hàng niêm yết hàng đầu gần đây cũng có thể chỉ là biến động thị trường thuần túy. ACB, VCB đều có quyết định tăng vốn và nhu cầu cơ cấu danh mục có thể xảy ra, nhất là khi nhóm cổ phiếu này chủ yếu mang tính đầu tư dài hạn hơn là đầu cơ. Khối lượng giao dịch tăng cao biểu hiện cả lực mua và lực bán đều mạnh.

Mặc dù giá tăng cho thấy người mua mạnh hơn nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn nổi tiếng là “nặng”. Liệu giá có thể đi xa hơn hay không, là điều chưa dám chắc.

Khánh Hà

TBKTVN

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index tăng nhẹ lên 40,49 điểm (23/11/2010)

>   Cổ phiếu dầu khí: Tiếng nói người trong cuộc (23/11/2010)

>   “Thao túng giá đang là căn bệnh nguy hiểm nhất” (23/11/2010)

>   Cơ hội lựa chọn cổ phiếu thực rẻ (23/11/2010)

>   Bảo toàn vốn là trên hết (23/11/2010)

>   Thị trường ngày 23/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (22/11/2010)

>   Cú sốc CPI (22/11/2010)

>   UPCoM-Index đảo chiều cuối phiên (22/11/2010)

>   Sức cầu yếu, rủi ro ‘lướt sóng’ còn nhiều (22/11/2010)

>   Bên tung, bên hứng (22/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật