“Thao túng giá đang là căn bệnh nguy hiểm nhất”
Với tư cách là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi trực tiếp đi khảo sát thực tế tại một số CTCK phục vụ cho quá trình thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM nhìn nhận, tình trạng thao túng giá chứng khoán gây lũng đoạn thị trường đang là "căn bệnh" nguy hiểm nhất của TTCK hiện nay.
Điều gì khiến ông cho rằng thao túng giá chứng khoán đang là tình trạng nguy hiểm nhất đối với TTCK?
Trong quá trình thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, tôi có trực tiếp đi khảo sát thị trường, tìm hiểu thực tế hoạt động của các CTCK, đồng thời luôn quan tâm theo dõi hoạt động của TTCK, đã nhận thấy tình trạng thao túng giá chứng khoán đang là căn bệnh nguy hiểm nhất đối với sự phát triển của TTCK. Với diễn biến TTCK Việt Nam hiện nay, nhà phân tích chứng khoán, dù học hết sách đi nữa, cũng không thể phân tích, dự báo được tương đối chính xác diễn biến của thị trường. Đó là vì vấn nạn đầu cơ, thao túng giá đã khiến TTCK vận động có nhiều dấu hiệu bất thường. Nhiều cổ phiếu dự báo lên giá theo đúng bản chất thì giá lại xuống, trong khi đó không ít cổ phiếu của các công ty làm ăn lôm côm, chẳng hiệu quả gì lại tự dưng lên giá một cách khó hiểu. Hệ quả của tình trạng này là gây mất niềm tin cho những NĐT chân chính, trong khi TTCK tồn tại bằng niềm tin. Điều nguy hiểm là nếu "căn bệnh" này không được ngăn chặn hữu hiệu, sẽ tiếp tay cho các hành vi lũng đoạn thị trường phức tạp, đe doạ trực tiếp đến sự phát triển minh bạch của TTCK.
Để ngăn chặn tình trạng làm giá, được biết, khi thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán tại diễn đàn Quốc hội ngày 10/11, ông có đề xuất nên trao thêm quyền cho UBCK. Ông có thể nói rõ hơn ý tưởng này?
Điều đáng lo ngại là tình trạng thao túng giá diễn biến phức tạp như vậy, nhưng UBCK còn lúng túng trong đấu tranh ngăn chặn. Bởi vậy, cần bổ sung vào Luật Chứng khoán sửa đổi lần này các quy định cụ thể, nhằm trao quyền tương đối độc lập, đặc biệt là quyền được truy tìm chứng cứ cho UBCK. Thực ra, đây là cách nói khác đi của thẩm quyền điều tra, bởi nếu trong luật nói trực diện là thẩm quyền điều tra, thì vướng với các quy định pháp lý hiện hành. Do vậy, giải pháp khả thi nhất là bổ sung thẩm quyền này vào Luật Chứng khoán sửa đổi, nhằm giúp UBCK chủ động trong đấu tranh ngăn chặn hành vi thao túng giá, cũng như các hành vi vi phạm khác. Với quyền được truy tìm chứng cứ, UBCK được phép tiến hành một số biện pháp nghiệp vụ mà thông thường cơ quan điều tra mới được làm như: trực tiếp truy cập hệ thống dữ liệu của các ngân hàng, Trung tâm Lưu ký, hoặc yêu cầu các cơ quan này, cũng như các đơn vị liên quan cung cấp dữ liệu về biến động tài khoản tiền, chứng khoán của NĐT… Nếu không làm như vậy thì rất khó có điều kiện để "mạnh tay" xử lý các hành vi vi phạm trên TTCK, đặc biệt là tình trạng thao túng giá.
Nhưng một số ý kiến lại lo rằng, khi còn thiếu cơ chế giám sát cụ thể, thì chưa nên tăng thẩm quyền cho UBCK, bởi dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền?
Trước mắt, Bộ Tài chính tiếp tục là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát UBCK, bởi vậy hoàn toàn có đủ điều kiện để giám sát chặt chẽ hoạt động của UBCK. Hơn nữa, việc trao thêm quyền cho UBCK gắn với trách nhiệm nặng nề, nên tự thân nó cũng có ý nghĩa giám sát. Khi tăng thẩm quyền, mà UBCK không chống được tình trạng thao túng giá, gây lũng đoạn thị trường, thì chủ thể chịu trách nhiệm cuối cùng là UBCK. Nếu không trao quyền, thì không quy được trách nhiệm như hiện nay.
Đề xuất trên đã nhận được phản hồi như thế nào từ phía Ban soạn thảo, thưa ông?
Kiến nghị trên đã được ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan soạn thảo Luật, ủng hộ và cam kết sẽ nghiên cứu, tiếp thu. Tại phiên thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luât Chứng khoán tại diễn đàn Quốc hội ngày 10/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu đề xuất trên theo hướng tăng thẩm quyền cho UBCK, trong đó có quyền được truy tìm chứng cứ, nhưng không xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành, để chủ động đấu tranh với tình trạng thao túng giá, giao dịch nội gián... Hy vọng, sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán trình ra để Quốc hội thông qua, sẽ có bổ sung những kiến nghị trên, để giải quyết những vấn đề bức bách đang đặt ra cho TTCK, nhất là tình trạng thao túng giá.
Hữu Hòe thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|