Thứ Hai, 29/11/2010 15:12

Cổ phiếu "nóng": Sự trở lại bất thường

Phiên giao dịch cuối tuần qua khép lại với xuýt xoa của không ít NĐT trước sự trở lại ngoạn mục của nhóm cổ phiếu “nóng”. Trong vòng chưa đầy 10 ngày, một vài mã đã tăng giá trên 50% và đều là những cổ phiếu đã có lịch sử tăng phi mã. Đợt giao dịch khởi sắc của những quán quân này liệu có xuất phát từ hoạt động nền tảng cơ bản khả quan của doanh nghiệp hay chỉ đơn thuần là bulltrap (bẫy tăng giá) của dòng vốn đầu cơ

* Tuần 22–26/11: Cổ phiếu nhỏ nhộn nhịp trở lại

* Cổ phiếu nhỏ lại “nóng”

Cổ phiếu VE9 là một trong những chủ đề được lập rất sớm trên diễn đàn mạng, với sự khâm phục của nhiều NĐT, vì mức độ “nóng” trở lại của nó. Tính từ phiên giao dịch ngày 17/11 trở lại đây, cổ phiếu VE9 liên tục tăng, đóng cửa tuần qua tại mức giá 27.600 đồng/cp, tổng mức tăng là 56%.

Cổ phiếu AAA sau những tin tức đình đám về nghi vấn làm giá đã giảm một mạch từ trên 90.000 đồng/cp xuống 24.300 đồng/cp ngày 17/11, hiện có mức giá 34.500 đồng/cp, tăng 41%.

Một NĐT VIP tại CTCK Seabank cho biết, cách đây 5 ngày anh đã được khuyến nghị mua cổ phiếu AAA. Nhưng như “chim sợ cành cong”, anh chỉ dám mạo hiểm mua vài ngàn cổ phiếu. Đến phiên cuối tuần qua, NĐT này muốn bán chốt lời, nhưng môi giới khuyên giữ chặt hàng.

SHN cũng là hàng “hot” trên HNX, sau 5 phiên đã tăng 25%, phiên cuối tuần qua khớp gần 3 triệu cổ phiếu, trong khi vẫn dư mua gần 400.000 cổ phiếu. Giám đốc một CTCK cho hay, từ tuần trước, anh đã túc tắc dùng tiền cá nhân mua vào, tiêu chí lựa chọn cổ phiếu vẫn là những mã có lịch sử “đưa đẩy” giá, trong đó có SHN. Với mức giá khoảng 13.000 đồng/cp, theo nhận định của vị giám đốc này, đầu tư tương đối an toàn.

Thị trường đảo chiều thì cơ hội cho những cổ phiếu này là rất lớn. Cũng bởi tâm lý trên, hàng loạt cổ phiếu nhỏ đã “nóng rẫy” trong 2 - 3 phiên giao dịch gần đây như TNG, S96, VNE, STP, KSS, MCG...

Không ít NĐT bị lôi kéo cao độ bởi khối lượng giao dịch những mã này tăng cao, khối lượng chặn mua giá trần tới vài trăm ngàn đơn vị. Giám đốc môi giới một CTCK lớn cho hay, dẫn dắt của các nhóm đầu cơ lớn đã thu hút sự chú ý của nhiều NĐT cỡ nhỏ tại công ty anh thông qua phiếu lệnh và lượng đặt mua tập trung cho nhóm cổ phiếu nóng. Tâm lý của NĐT vẫn ưu tiên cho ngắn hạn, thích “hàng nóng” có sự biến động lớn và độ bật cao trở lại, bất chấp hoạt động của doanh nghiệp có chuyển biến hay không, cũng như những chuyển động vĩ mô liệu có lạc quan.

Thống kê hơn 6 tháng gần đây trên TTCK cho thấy, những thay đổi về giá (ở mức đáng kể) của các mã chứng khoán trên sàn phần lớn do NĐT bị thu hút bởi cổ phiếu có dòng tiền nóng, mà ở một chừng mực nào đó, thị trường có thể quy kết là hiện tượng làm giá.

Trong bối cảnh đa số NĐT có tâm lý đầu cơ cổ phiếu, thì diễn biến giá lình xình của những mã không có sự chú ý của dòng tiền nóng khiến NĐT dễ dàng chấp nhận nương theo “sóng”, của các cổ phiếu nóng, với hy vọng kiếm lời lớn sau 1 - 2 tuần nắm giữ cũng là điều dễ hiểu. Điều này càng hợp lý hơn khi rất nhiều nghi vấn mua bán đẩy giá cổ phiếu vẫn còn nằm trong bóng tối.

Không thể phủ nhận tính hấp dẫn của cổ phiếu nóng và trong những cổ phiếu đó cũng có những mã có chỉ số cơ bản được báo cáo trên giấy tờ khá tốt, như PE 7 - 8 lần (dưới mức trung bình toàn thị trường), có khoản thu nhập đột biến trong quý IV...

Thống kê từ ngày 17/11, khi VN-Index ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây thì thấy, số cổ phiếu đem lại tỷ suất lợi nhuận cao và tăng nóng phần lớn có thị giá rất thấp, khoảng hơn 15.000 đồng/cp. Qua tìm hiểu của ĐTCK, việc trở lại của các mã chứng khoán “nóng” thời gian vừa rồi, bên cạnh yếu tố dòng tiền đầu cơ thì cũng có trường hợp do chạy trước tin đột biến của DN.

Đã có trường hợp cổ phiếu chiều thứ Sáu mới có thông tin tích cực, nhưng giá đã kịp tăng tới 40 - 50% so với đáy. Tuy nhiên, đa phần việc tăng giá chỉ xuất phát từ sự tập trung của dòng tiền đầu cơ.

Khó khăn kinh tế vĩ mô chưa hết, bằng chứng là lãi suất cho vay các doanh nghiệp tới 19 - 20%/năm, dòng tiền bị thắt chặt do lạm phát đang ở mức cao. Vì thế, theo phân tích của nhiều CTCK, nếu thị trường có cơ hội đảo chiều thì các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ, thị giá thấp sẽ được ưu tiên. Chi phí vốn để đẩy giá lên không cần nhiều.

Hơn nữa, lượng cổ phiếu trôi nổi không lớn, thuận lợi trong việc đẩy giá và thực tế cho thấy, giá các cổ phiếu này thường biến động mạnh, kích thích lòng tham của các NĐT nhỏ lẻ.

Một kịch bản nữa cũng đã được một vài CTCK đưa ra cảnh báo là khả năng đẩy giá chứng khoán để “thoát hàng”, nhằm mục tiêu giảm chi phí vốn (do các khách VIP bị “kẹt” từ những đợt làm giá bất thành trước đó). Với chi phí vốn tăng cao vì lãi suất ngân hàng biến động mạnh, áp lực nộp thêm tiền vào tài khoản margin (ký quỹ) do giá chứng khoán giảm và việc co hẹp dải ngân cho vay đầu tư chứng khoán của các ngân hàng, thì kịch bản mà các CTCK đưa ra có vẻ hợp lý.

Việc nương theo để hy vọng mức lợi nhuận hàng chục phần trăm trong thời gian ngắn là điều không dễ đạt được trong bối cảnh khó khăn của cả doanh nghiệp và thị trường. Vì thế, NĐT cần cẩn trọng nếu không muốn “bỏng tay” hoặc “đổ vỏ” cho kẻ khác chốt lời con sóng nhỏ cuối cùng trong năm.

Bùi Sưởng - Anh Việt

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Băn khoăn chọn mua hàng rẻ (29/11/2010)

>   Những chỉ báo khác của thị trường (29/11/2010)

>   Khi doanh nghiệp cứu giá chứng khoán (29/11/2010)

>   Tin tốt cho chứng khoán (29/11/2010)

>   Xử lý làm giá CK: "Bó tay" khi đại gia lũng đoạn? (29/11/2010)

>   Chiêu thức làm đẹp doanh nghiệp để... thoát hàng (29/11/2010)

>   Đỉnh lạm phát, đáy chứng khoán (29/11/2010)

>   Tầm diệt nạn thao túng chứng khoán (29/11/2010)

>   VSD sẽ cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin đến NĐT (28/11/2010)

>   Thị trường tuần 29/11-03/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (28/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật