Thứ Hai, 29/11/2010 07:52

Xử lý làm giá CK: "Bó tay" khi đại gia lũng đoạn?

Lần đầu tiên, một vụ làm giá cổ phiếu đã bị xử lý hình sự. Nhưng đối với thị trường, việc này không có gì mới, và việc bắt một "đại gia" làm giá chứng khoán như Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Dược Viễn Đông cũng chỉ là vụ nhỏ trong cả trăm "nghi án" làm giá cổ phiếu vốn đã rất ầm ĩ suốt thời gian qua.

Hình sự hóa

Ngày 26/11, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Văn Dũng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Dược Viễn Đông) để điều tra hành vi thao túng giá chứng khoán. Sau đó, ngày 27/11, thư ký cũng là em trai của ông Lê Văn Dũng là Lê Văn Mạnh đã bị bắt và tạm giam về  hành vi này.

Được biết, công an đang điều tra việc ông Dũng tạo giao dịch ảo trên sàn chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược Hà Tây (DHT). Cụ thể, Lê Văn Dũng, Lê Văn Mạnh và một số người khác mở 11 tài khoản giao dịch chứng khoán và thông qua đó đặt mua cổ phiếu DHT để tạo giao dịch ảo trên thị trường, khiến nhiều nhà đầu tư tưởng thật và tiến hành đầu tư vào cổ phiếu DHT dẫn đến thiệt hại.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), đây là người đầu tiên bị xử lý hình sự về hành vi thao túng giá chứng khoán. Trước đây, các hành vi thao túng giá chứng khoán đa số đều ở dạng nghi vấn, không thể xử lý. Nếu có cũng chỉ xử phạt nhẹ đối với một số nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Liên quan đến vụ ông Lê Văn Dũng làm giá chứng khoán thông qua thâu tóm DHT, tóm tắt như sau: từ cuối tháng 6/2010, Dược Viễn Đông (DVD) và nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan tiến hành mua vào cổ phiếu DHT với khối lượng lớn. Đặc biệt, mua nhiều hơn cả là cá nhân ông Dũng và một số người có liên quan, sau đó bán thỏa thuận lại cho chính DVD.

Lập tức, DHT đã mua vào cổ phiếu quỹ và phát hành thêm nhưng đều bị DVD với tư cách cổ đông lớn bác bỏ. DVD còn có dự định thôn tính DHT nhưng việc không thành. Đến tháng 8/2010, khi giá ở đỉnh điểm, hàng loạt cổ đông lớn liên quan đến DVD đồng loạt bán khiến giá DHT rớt mạnh. DHT ngay sau đó đã tố cáo DVD và một số cá nhân "làm giá" và đề nghị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội điều tra xử lý.

DVD ngày lên sàn chứng khoán

Cụ thể, tại thời điểm ngày 21/6/2010, tổng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu DHT của Dược Viễn Đông và ông Lê Văn Dũng tại DHT là18,74%. Nếu tính thêm cổ phần mà công ty Đầu tư Y tế Medi (cổ đông lớn của DVD thì nhóm cổ đông này nắm giữ là 22,12%. Ngày 22/6, DVD mua thêm 270.700 cổ phiếu DHT đưa tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu DVD và ông Lê Văn Dũng là 25,3% (tính cả Medi là 28,68%).

Theo quy định, việc chào mua khiến cổ phần nắm giữ của cổ đông vượt quá 25% vốn điều lệ của một DN phải thực hiện công khai nhưng DVD đã không làm điều này.

Đến cuối tháng 6/2010, DVD công bố sở hữu 24,71% cổ phần DHT. Kể từ sau thời điểm này, DVD và một số cổ đông liên quan tiếp tục mua gom cổ phiếu DHT. Tính đến giữa tháng 7, tổng lượng cổ phiếu mà nhóm này nắm giữ đã chiếm khoảng 60% vốn điều lệ của Dược Hà Tây. DVD cũng công khai ý định muốn mua bán - sáp nhập với doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, DHT đã chống lại, bằng cách đăng ký mua cổ phiếu quỹ, công bố kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu... nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của DVD. Việc thâu tóm không thành, ngày 16/7, DVD chào bán toàn bộ số cổ phiếu DHT đang nắm giữ và đã bán hết sau khoảng 2 tuần.

Đầu tháng 8, DHT đã tăng giá liên tục nhưng đến 20/8 có 4 cổ đông liên quan đến DVD đã đồng loạt đăng ký bán ra khoảng 1,92 triệu cổ phiếu, chiếm gần 47% vốn của DHT khiến DHT giảm giá liên tục. Liên tiếp 7 phiên, từ 20-30/8, cổ phiếu DHT đã giảm sàn liên tục 101.100 đồng xuống 61.100 đồng. Trước đó, DHT đã tăng 9 phiên liên tiếp từ 59.400 đồng lên 101.100 đồng

Lập tức ngày 1/9, DHT có văn bản tố cáo. DHT khẳng định, DVD và các cá nhân liên quan đã "làm giá" , và đề nghị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội điều tra xử lý nghiêm khắc. Sau đó, ngày 22/11, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã ra văn bản xử phát DVD, và mới nhất cơ quan điều tra đã bắt tạm giam để điều tra nghi án này.

Nghi vấn nhiều, xử lý ít

Làm giá chứng khoán là vấn đề đã liên tiếp được nhắc đến trên thị trường chứng khoán những năm gần đây. Thực tế, dù chưa lần nào chính thức nhưng ngay cả lãnh đạo Bộ Tài Chính và Ủy ban Chứng khoán đều nghi ngờ việc làm giá chứng khoán là có và đều tuyên bố sẽ tăng cường giám sát, mạnh tay xử lý

Ủy ban Chứng khoán đã nhiều lần ra các văn bản xử phạt các cá nhân về hành vi hành vi thao túng, tác động đến giá cổ phiếu. Thậm chí, nhận thấy, các khung hình phạt không có hiệu quả, Ủy ban Chứng khoán đã phải thay đổi theo hướng nâng cao mức phạt 4-6 lần, song dường như các vụ làm giá chứng khoán không giảm mà có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân là do lợi nhuận kiếm được là rất lớn, gấp hàng trăm lần so với mức phạt vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, các quy định và xử lý lại có quá nhiều kẽ hở và không đủ mạnh để răn đe

Trên thị trường chứng khoán đã liên tục xuất hiện những nghi vấn lớn về làm giá chứng khoán, với đủ các chiêu thức từ đơn giản tới tinh vi. Dù đã có rất nhiều cảnh báo và bàn luận nhưng không ít nhà đầu tư vẫn sập bẩy "làm giá chứng khoán". 

Việc làm giá không chỉ còn nằm ở một nhóm người mà là "đánh cả hội đồng", nhóm này liên kết với nhóm kia. Thậm chí, công ty chứng khoán cũng bị nghi vấn là một mắt xích trong liên kết này. Việc làm giá trên thị trường không chỉ còn là nghi ngờ đối với cá nhân, tổ chức trong nước mà ngay cả các tổ chức nước ngoài cũng được nhà đầu tư liệt kê, chỉ tên khi có động thái mua ròng một số lượng lớn cổ phiếu, nhất là cổ phiếu nhỏ tạo nên sự tăng giá đột biến.

Gần đây, đã có hàng loạt nghi vấn điển hình của sự làm giá chứng khoán trên thị trường, như: cổ phiếu AAA (niêm yết trên HNX) đã tăng một mạch trong gần 1 tháng, từ 47.100 đồng/cổ phiếu ngày 19/8 lên mức cao nhất là 91.600 đồng (bình quân) ngày 16/9 với thanh khoản tốt. Tuy vậy, sau đó AAA liên tục giảm sàn, đến cuối tuần qua, AAA đã giảm hơn một nửa, chỉ còn 41.200 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu HTV của Công ty vận tải Hà Tiên có mức tăng đến 200%. Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, giá cổ phiếu HTV chỉ dao động quanh mức 15.000-16.000 đồng, nhưng từ giữa tháng 6, HTV đã tăng giá kéo dài tới giữa tháng 9. Ngày 13/9, HTV đạt mức cao nhất là 46.900 đồng/cổ phiếu; sau đó, bắt đầu giảm tới gần một nửa và rất ít giao dịch.

Đầu tháng 4, giá cổ phiếu MKV chỉ ở mức 11.900 đồng/cổ phiếu. Sau đó, khối lượng khớp lệnh dần tăng mạnh và giá cổ phiếu MKV bắt đầu leo dốc. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/8, giá cổ phiếu này lên mức 77.000 đồng/cổ phiếu và sau đó lại giảm...

Tuy nhiên, nghi vấn vẫn mãi là nghi vấn. Bởi, theo giải thích từ phía cơ quan quản lý, thì việc tìm kiếm các chứng cứ để khẳng định việc làm giá là không dễ và xử lý cần rất nhiều thời gian. Ủy ban Chứng khoán không thể tiến hành điều tra khi sự việc "làm giá" vừa diễn ra, mà đòi hỏi có thời gian đủ lâu để thấy rõ hành vi vi phạm, và tìm đủ chứng cứ để buộc cá nhân, tổ chức phải nhận sai phạm.

Tuy nhiên, cơ quan này đang cũng đã bước đầu chọn một số vụ nổi cộm để  thẩm định, phân tích để xử lý. Rất có thể, vụ của DVD là một bước khởi đầu cho quyết tâm chống lại vẫn nạn này trên thị trường chứng khoán.

Trước tình trạng một số cổ phiếu bị "làm giá" trên thị trường chứng khoán, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, sẽ sớm kiểm tra và xử lý mạnh các cá nhân, tổ chức cố ý thao túng giá cổ phiếu để hưởng lợi bất chính. Nhưng các biện pháp hành chính này, theo một số chuyên gia, có mức phạt thấp không đủ răn đe cũng như kiểm soát hết các hình thức thao túng giá cổ phiếu trên thị trường ngày càng tinh vi của các "đại gia".

Thực thế, không phải ở Việt Nam, mà ở các thị trường chứng khoán quốc tế đều cho thấy việc xử lý làm giá chứng khoán là một việc khó vì thiếu chứng cứ để buộc tội, dù nhiều khi việc đó được cho là có thật.

Chính vì thế, để đảm bảo sự ổn định phát triển lành mạnh thì cấn có thêm nhiều vụ mạnh tay như DVD. Đi kèm đó, cơ quan quản lý cần ngày càng phải hoàn thiện pháp lý, nâng cao khả năng kiểm soát thị trường để sớm phát hiện và ngăn chặn. Bên cạnh hệ thống luật pháp, TTCK các nước phát triển luôn có sự điều tiết bởi các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp với những người hành nghề. Các quy tắc này sẽ là cái khung chung để mỗi người hành nghề căn cứ vào đó điều chỉnh hành vi của mình.

Thị trường chứng khoán Việt Nam dù có trải qua những thăng trầm nhưng xu hướng phát triển là tất yếu. Do vậy, để đảm bảo thị trường phát triển rất cần sớm hoàn chỉnh, bổ sung các quy định nhà nước, các chế tài để điều tiết hành vi của các đối tượng tham gia để đảm bảo một thị trường hoạt động minh bạch, ổn định và các thành viên có trách nhiệm hơn. Đó là cơ sở cần thiết cho sự phát triển dài hạn.

Lê Khắc

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Chiêu thức làm đẹp doanh nghiệp để... thoát hàng (29/11/2010)

>   Đỉnh lạm phát, đáy chứng khoán (29/11/2010)

>   Tầm diệt nạn thao túng chứng khoán (29/11/2010)

>   VSD sẽ cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin đến NĐT (28/11/2010)

>   Thị trường tuần 29/11-03/12 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (28/11/2010)

>   Tuần 22–26/11: Cổ phiếu nhỏ nhộn nhịp trở lại (28/11/2010)

>   Tuần 22 - 26/11: Khối ngoại nhập nhiều “hàng nóng” (28/11/2010)

>   Môi giới điêu đứng trong mùa “chứng khoán giáp hạt” (27/11/2010)

>   “Hy sinh” chứng khoán (27/11/2010)

>   "Mức tăng của thị trường nói chung không bền" (27/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật