"Mức tăng của thị trường nói chung không bền"
Theo ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới CTCK MBHS, các phiên tăng điểm vừa qua của thị trường là do các mã penny, trong khi các mã lớn không có sự tăng mạnh, vì vậy, mức tăng của thị trường nói chung không bền.
Ông Lân nói:
Bất chấp tin CPI tháng 11 lập đỉnh, thị trường vẫn tăng điểm. Miễn nhiễm với tin xấu, phải chăng thị trường lập đáy? Tôi quan sát thấy nhiều NĐT cho rằng, nỗi lo lạm phát đã phản ánh hết vào giá nên giờ đây nhân tố này không phải là mối bận tâm hay sợ hãi nữa. Về cảm tính, tôi cũng muốn tin vào khả năng này. Tuy nhiên, thực sự về lý tính, tôi nghi ngờ khả năng này. Theo tôi, thị trường tăng điểm 3 ngày qua chỉ do tâm lý, chứ không phải dựa trên những thông tin cơ bản.
Cảm nhận của tôi là mấy hôm nay, các cổ phiếu lớn không tăng mà chủ yếu là cổ phiếu nhỏ. Ngoài ra, khối lượng giao dịch cũng không thật sự tăng mạnh so với khoảng thời gian trước đó. Như thế thì có lẽ phần tăng giá mạnh chủ yếu rơi vào những mã từng bị rớt giá quá mạnh, hoặc bật lên ở các ngưỡng hỗ trợ theo phân tích kỹ thuật. Nhưng nếu nói chung chung là thị trường lập đáy thì hơi sớm. Các mã lớn không có sự tăng mạnh nào nếu so sánh với penny, nên mức tăng của thị trường nói chung không bền do thiếu cả sự hỗ trợ của các cổ phiếu bluechips "đầu tàu" và sự cải thiện về thanh khoản. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy VN-Index đã tạo đáy.
Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, lúc này, nhiều cổ phiếu đã có giá rơi sát đáy, nhưng không phải là tất cả. Nói cách khác, thị trường còn phải chịu tác động của những thông tin xấu gần đây như lạm phát, lãi suất và tỷ giá. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu đã có sự sụt giảm giá quá mạnh, thậm chí về dưới cả mệnh giá, như vậy thì cho dù sự tác động của những tin xấu nói trên có kéo dài thêm thì cũng khó mà tìm đáy nào sâu hơn nữa cho các mã đó. Đó là lý do khiến nhiều người tin rằng, đã xuất hiện đáy ở các mã đó và khiến họ giải ngân. Nhiều người cùng mua thì giá các mã nhỏ đó tăng mà thôi. Vấn đề là chu kỳ tăng này kéo dài được bao lâu?
Đứng từ góc độ thông tin vĩ mô thì tôi cho rằng, có 3 yếu tố cần chú ý có thể tác động mạnh đến TTCK: tỷ giá, lạm phát và lãi suất. Lạm phát cao là điều đã được nhiều người dự báo, do đó cũng tạm nói rằng, nỗi lo sợ đã được phản ánh vào sự rớt giá. Tỷ giá cũng là vấn đề, tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất bây giờ là lãi suất. Nếu lãi suất vẫn còn bị đẩy lên cao như lúc này và duy trì trong những tháng tới thì tôi tin chắc là nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết. EPS có thể bị giảm, P/E (đang thấp) có thể tăng lên. Và cổ phiếu đang "rẻ" sẽ lại "đắt" lên mà không cần chờ đến khi thị giá tăng lên.
Ngoài ra, lúc này ai cũng biết TTCK muốn tăng thì cần khơi thông dòng tiền. Tuy nhiên, cuối năm lại là thời gian mà nền kinh tế "khát tiền" nhất, nên không có nhiều khả năng tín dụng được khuyến khích đổ vào chứng khoán. Giá vàng cao về tâm lý có thể là yếu tố khiến NĐT quay trở lại với chứng khoán, nhưng như trước đây đã từng xảy ra, NĐT thường hay chờ đợi kẻ khác tạo sức bật cho TTCK chứ không tự kéo thị trường lên. Kẻ khác ở đây có lẽ chỉ còn mỗi nhà ĐTNN, mà phải là những người mang theo dòng vốn mới. Thành thực, dù rất muốn, nhưng vẫn phải nói rằng, tôi không tin TTCK tăng mạnh được vào lúc này.
Giang Thanh thực hiện
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|