Môi giới điêu đứng trong mùa “chứng khoán giáp hạt”
Vẫn đi chiếc xe hơi hạng sang, nhưng phong cách cầu kỳ với trang phục đồ hiệu nổi tiếng thế giới cùng cà vạt đeo suốt cả ngày đã không còn được anh Minh chú trọng. Anh cũng thay đổi luôn kiểu tóc xịt keo bóng mượt sang kiểu đầu cua đơn giản.
Điều làm cho anh Minh thay đổi nhanh chóng như vậy là do nhiều tháng nay thu nhập của anh đã giảm từ con số hai, ba trăm triệu đồng mỗi tháng xuống còn vài ba chục triệu.
Anh Minh là một trưởng nhóm môi giới chứng khoán tại một công ty chứng khoán tầm trung tại Hà Nội, dưới anh có khoảng 20 môi giới khác nắm trong tay hơn 80 khách hàng vip và rất nhiều khác hàng nhỏ.
Nhưng thời gian qua thị trường chứng khoán lình xình quá lâu, nhà đầu tư thua lỗ nhiều chuyển tâm lý chán nản, theo đó khối lượng giao dịch trong mỗi phiên cũng sụt giảm mạnh mẽ.
Hoạt động môi giới tại các công ty chứng khoán trở nên khó khăn. Để thu hút số khách hàng ít ỏi kiên trì ở lại với thị trường, các công ty này đã không ngần ngại tung ra các chính sách ưu đãi như giảm phí giao dịch. Mức phí dành cho khách giao dịch trên 1 tỷ đồng tại nhiều công ty đã xuống 0,15% tổng giá trị giao dịch, thậm chí có công ty còn chấp nhận thỏa thuận cho khách xuống mức 0,1%.
Khi “thượng đế” đã bỏ bê thị trường thì môi giới kiếm không ra việc mà làm. Doanh thu giao dịch thì lèo tèo cộng thêm mức phí giao dịch giảm, chưa kể là các phụ phí chăm sóc giữ khách… đã bóp nghẹt các nguồn thu của các nhân viên môi giới.
Không chỉ có thế, vì tính chất nghề nghiệp nên rất hiếm có trường hợp làm môi giới mà không chơi chứng khoán. Các môi giới có doanh thu càng lớn thì chơi càng to, bởi muốn thu hút được nhiều khách vip thì phải có đủ nguồn lực dẫn dắt, lèo lái thị trường.
Vì vậy đến thời điểm này mà vẫn kiểm soát được tình trạng tài chính như anh Minh, đối với cả những tay môi giới hàng đầu thị trường cũng không phải là nhiều.
Một trưởng nhóm môi giới tại công ty chứng khoán thuộc top đầu về môi giới chứng khoán trên cả hai sàn niêm yết, vào thời điểm thị trường sôi động doanh thu của nhóm lên tới một, hai phần trăm toàn thị trường trong phiên. Khi đó, riêng lương của người trưởng nhóm này năm, bảy trăm triệu/tháng, chưa kể những khoán thu nhập khổng lồ từ hoạt động đầu tư.
Song đến nay, người trưởng nhóm này đã rơi vào tình trạng nợ nần tới hàng chục tỷ đồng do bị thất bại từ những phi vụ dẵn dắt cổ phiếu đi ngược xu thế thị trường.
Các môi giới lớn thì vậy, còn các môi giới nhỏ thì rơi vào tình trạng tồn tại lay lắt. Anh Trần Anh, môi giới có thâm niêm bốn năm trên thị trường cho biết, hầu hết các nhân viên môi giới đều hưởng lương theo doanh thu. Mà tình hình thị trường như thế này, càng tư vấn cho nhà đầu tư họ càng lỗ, nên đa phần là nằm im, duy trì các giao dịch nhỏ theo yêu cầu của khách.
"Tôi và nhóm bạn của mình đi làm không lương từ mấy tháng nay rồi, phải bỏ vốn ra tiêu thôi! Đợi thị trường có tín hiệu thực sự đã. Mà thực chất, chúng tôi chưa bao giờ quan tâm đến lương, nguồn thu chủ yếu trước tới nay đều phụ thuộc vào hoạt động đầu tư cổ phiếu,” anh Trần Anh nhấn mạnh.
Về tình trạng chung tại các công ty chứng khoán nhỏ, ông Bùi Đình Như, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đại Việt nhận xét, tới phân nửa nhân viên môi giới đã bỏ nghề, nhiều người trong số họ quay trở lại nghề cũ hoặc chọn ngành nghề không còn liên quan đến ngành chứng khoán nữa./.
Hạnh Nguyễn
Vietnam+
|