Khi doanh nghiệp cứu giá chứng khoán
(Vietstock) - Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm như hiện nay, hàng loạt các doanh nghiệp, cổ đông lớn đang nỗ lực cứu giá chứng khoán. Vậy hiệu quả của những nỗ lực này đến đâu?
Cổ phiếu quỹ - Giải pháp “mì ăn liền”
Khi thị trường chứng khoán vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, nhiều công ty niêm yết xem việc gom mua cổ phiếu quỹ là chiếc phao cứu hộ. Trong 4 tháng qua (tháng 8-11), có 12 công ty trên hai sàn đã mua thành công 8.96 triệu cổ phiếu trên tổng số 9.89 triệu cổ phiếu đăng ký, chiếm tỷ lệ 90%. Hiện có thêm 21 công ty đăng ký mua cổ phiếu quỹ trong giai đoạn từ tháng 11/2010 đến tháng 02/2011 với hơn 20.2 triệu đơn vị.
Có thể thấy, bên cạnh yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu khi thị trường suy giảm và trấn an tâm lý nhà đầu tư, động thái mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp mình khi giá đã xuống mức hấp dẫn được xem như một khoản đầu tư sinh lời khi thị trường hồi phục.
Thạc sĩ Lê Đạt Chí, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nhận xét: “Trước xu hướng giảm điểm của thị trường, việc mua lại cổ phiếu quỹ có tác động cải thiện chỉ số ROE và EPS. Tuy nhiên, mua cổ phiếu quỹ thực chất chỉ có tác động trong ngắn hạn và nhà đầu tư hiện nay không mặn mà với việc này. Nguyên nhân do con số đăng ký mua vào không đáng kể so với tổng số cổ phiếu đang lưu hành cũng như so với con số thực tế mua được. Vì vậy, việc mua cổ phiếu quỹ chỉ có tác dụng thỏa mãn quyền lợi trước mắt của cổ đông hơn là đạt được mục tiêu lâu dài”.
Còn nhớ năm 2008, hàng loạt các công ty dồn dập mua cổ phiếu quỹ nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ mua được 20-30% số lượng đăng ký mua. Năm nay, mặc dù khối lượng mua thành công có cải thiện so với năm 2008 nhưng dư âm vẫn còn đó và việc mua này được ví von như giọt muối bỏ bể khi thị trường đi xuống.
Ông Chí cho biết thêm, một rủi ro lớn mà doanh nghiệp có thể gặp phải là nguy cơ cạn kiệt dòng vốn nếu mua vào số lượng lớn.
Trong khi hàng loạt doanh nghiệp phát hành thêm để huy động vốn, thì với nguồn vốn nhàn rỗi dồi dào, thay vì mua lại cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp có thể chọn giải pháp đầu tư vào các nhà cung cấp, tiêu thụ trong chuỗi giá trị hoặc trả cổ tức cho cổ đông.
Và thực chất giải pháp căn cơ nằm ở chiến lược phát triển kinh doanh dài hơi, hiệu quả của doanh nghiệp, bởi niềm tin của nhà đầu tư nằm ở giá trị cốt lõi này.
Đăng ký “thật”, giao dịch “ảo”
Không riêng gì cổ phiếu quỹ, một loạt các thương vụ mua bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán đều rơi vào trạng thái giao dịch bất thành hoặc chỉ thực hiện được một phần nhỏ trong kế hoạch.
Mới đây, PXP Viet Nam Fund Limited dẫn nguyên nhân do biến động giá không phù hợp nên không bán được cổ phiếu nào. Trước đó, tổ chức này đăng ký bán 565,000 cp các công ty SSC, GIL và TMS.
Tương tự, Red River Holding cũng không thực hiện được giao dịch lướt sóng tổng cộng 3.6 triệu cp DBC. VFMVF1 không bán được cổ phiếu nào mà chỉ mua được hơn 400,000 cp trong số đăng ký lướt sóng 4 triệu cp BVS. Asiavantage Global Limited thông báo không bán được cổ phiếu nào mà chỉ mua được hơn 339,000 cp trong số đăng ký vừa mua vừa bán 800,000 cp NTL.
Bên cạnh đó, VFMVF4 cũng không mua được cổ phiếu nào khi đăng ký mua 600,000 cp VNA, SHS cho biết mới mua được 332,690 cp VRC so với con số 578,300 cp như đăng ký…
Có thể thấy, việc mua “nửa vời” như trên đang diễn ra khá phổ biến. Các giao dịch bất thành được giải trình là do diễn biến giá không phù hợp chưa đủ sức thuyết phục. Không ít người đã sử dụng thủ thuật đặt lệnh giá thấp để không khớp, điều này ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường.
Con số thực và ảo chưa dừng lại, nhiều cổ đông lớn đăng ký giao dịch dưới dạng lướt sóng như Red river holding đăng ký lướt 5.8 triệu cổ phiếu ngành thủy sản (gồm 3 triệu cổ phiếu VHC và 2.8 triệu cổ phiếu MPC), Asiavantage Global Limited dự tính lướt 3 triệu cổ phiếu NTL, Funderburk Lighthouse Limited lướt 2 triệu cp PVI, Tài chính Cao su Việt Nam (RFC) lướt 2 triệu cp CDC và 1.2 triệu cp PPI., SHS đăng ký lướt tổng cộng 2 triệu cổ phiếu VRC và PVA, Quỹ đầu tư CK Bản Việt (Viet Capital Fund) lướt 600,000 cp BBC, CK Rồng Việt (VDS) lướt 600,000 cp VMC…
Trên thị trường, việc mua bán cổ phiếu của các cổ đông lớn có tác động nhất định về mặt tâm lý cũng như cung cầu nếu mua bán với số lượng lớn. Tuy nhiên, các giao dịch này có đủ sức tác động đến giá cổ phiếu hay không và tác động ngược của nó khi tỷ lệ giao dịch thành công còn là ẩn số.
Chưa thể hình thành làn sóng M&A
Theo ông Chí, mặc dù các tố chức đang có xu hướng mua vào nhưng ít có khả năng sẽ tạo thành làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A). Hoạt động thâu tóm chỉ diễn ra khi giá trị tài sản của doanh nghiệp cao hơn giá trị thực và khi mua lại thì doanh nghiệp phải tận dụng được các thế mạnh của công ty như sản phẩm, thị trường, kinh nghiệm điều hành, quản trị…
Các công ty sẽ không phát huy được lợi thế của việc thâu tóm nếu không nhìn thấy được các điều đó. Ông Chí cho rằng có thể có hiện tượng lác đác nhưng để trở thành làn sóng thì phải mất 5-10 năm nữa. |
Bội Mẫn
|