Những chỉ báo khác của thị trường
Không chỉ thông tin, giá CP hay kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mới là chỉ báo cho TTCK, còn nhiều yếu tố khác cũng có thể phản ánh thị trường mà NĐT không thể bỏ qua.
Nhìn từ các diễn đàn
Một NĐT chia sẻ kinh nghiệm, nếu ai tinh ý có thể hàng ngày lên các diễn đàn trên mạng để xem xét về thị trường một cách dễ dàng. Tất nhiên không phải là xem những bài phân tích có dấu hiệu xào nấu rất cao hay những CP được khuyến nghị mua vào lời to hoặc lãi khủng, mà ở đây là xem xét động thái của các thành viên. Phần lớn nội dung các diễn đàn hay các nhóm đề cập trong thời gian gần đây không phải là về CK, đây là dấu hiệu tiêu biểu cho thấy NĐT vẫn đang rất chán thị trường. Nếu đảo quanh những nhà hàng, quán cà phê dân CK thường lui tới trong những ngày này tại TPHCM, cũng có thể thấy sự thay đổi rất rõ rệt.
Trước đây, tại quán P. trên đường Hàm Nghi buổi trưa thường tụ tập rất đông dân CK đến ăn và uống cà phê, khách muốn có bàn phải điện thoại đặt trước, nhưng nay có đến ngay giờ cao điểm 12 giờ trưa vẫn còn khá nhiều bàn trống. Trong khi đó, gần đây quán cà phê ở khách sạn hạng sang I. trên đường Hai Bà Trưng mỗi chiều lại tập trung khá đông dân CK, đặc biệt là các đại gia và có cả các sếp của CTCK. Một số khách cho biết vì không có việc gì làm khi TTCK xuống, cũng không có tin tức gì nên ra đây giải khuây hoặc hẹn gặp những người bạn mà lúc thị trường lên bận quá không gặp được.
Nhìn từ các chuyển động
Ngày 11-11 vừa qua, SSI đã tổ chức hội nghị “Gateway to Vietnam” thu hút rất đông NĐT tham dự. Năm nay SSI đã gửi thư mời đích danh nên độ “nóng” của hội nghị này còn được tăng hơn nữa. Theo một số người nhận định, việc SSI gửi thư mời đích danh ngoài việc nâng cao sự trang trọng của hội nghị còn là để hạn chế việc có nhiều đối thủ đến tham dự hội nghị, có thể giành mất khách hàng của mình. Đây là minh chứng cho mức độ cạnh tranh vẫn rất khốc liệt trên TTCK Việt Nam. Cùng ngày hôm đó, VN Index giảm điểm khá mạnh, nên nhiều người nói vui hội nghị này đã hút hết người của thị trường nên không có ai đặt lệnh giao dịch. Ngoài việc nghe diễn giả trình bày về các vấn đề kinh tế, NĐT còn có thể nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo các DN được mời. Qua số lượng đông đảo NĐT tổ chức đến tham dự hội nghị này, có thể thấy nhu cầu đầu tư vào TTCK Việt Nam vẫn rất lớn.
Mới tuần rồi, CTCK VP Bank (VPBS) đã tổ chức khai trương rất hoành tráng tại một cao ốc văn phòng trên đường Lê Lai. Khá nhiều NĐT tỏ ra bất ngờ và cho rằng VPBS quá liều vì thị trường đang lúc này làm ăn gì được. Nhưng các lãnh đạo của VPBS lại tỏ ra tự tin và cho rằng khi TTCK đang ảm đạm nếu mình đẩy mạnh và làm dịch vụ tốt, càng dễ nổi bật và thu hút được khách hơn nữa. Chưa cần bàn đến sự hợp lý trong chiến lược của VPBS, cũng có thể thấy được niềm tin vẫn tồn tại trên TTCK nói riêng và các CTCK nói chung. Vẫn có CTCK mở tức là vẫn có cơ hội.
Khi DN phải thay đổi
Hồi tháng 5, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã tổ chức tour tham quan thực tế để NĐT có thể tận mắt chứng kiến các mỏ sắt, nông trường cao su tại Campuchia và Lào. Đầu tháng 12 tới đây, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) sẽ tổ chức cho cổ đông tham quan Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Với TTCK nước ngoài, những hoạt động như vậy không phải là điều mới mẻ, nhưng với TTCK Việt Nam lại là bước đột phá trong quan hệ với cổ đông, với NĐT. Những động thái này cho thấy vị thế của NĐT, cổ đông đang được nâng lên. Như vậy, nếu trong thời gian tới đây có thêm nhiều DN thực hiện giống như HSG và HAG, cũng có nghĩa DN biết nhìn nhận rằng NĐT là phía chọn mình chứ không phải mình chọn cổ đông. Như vậy, sẽ xuất hiện một cuộc ganh đua lành mạnh về sự minh bạch, về quy cách ứng xử với cổ đông, và điều này giúp cho thị trường tốt hơn, NĐT có thể yên tâm mua vào CP và cùng DN chống chịu qua thời kỳ khó khăn này.
Thái Ca
sài gòn giải phóng
|