Chứng khoán có bị “ghẻ lạnh”?
Trước cơn lốc tăng giá của vàng và USD, thị trường chứng khoán ngày càng sụt giảm thanh khoản và giá. Liệu dòng tiền có rút khỏi thị trường này?
Rót vốn vào kênh đầu tư nào đang là câu hỏi “nhức đầu” của không ít người. Từ đầu năm đến nay VN-Index giảm 13% và có duy nhất hai sóng tăng đáng kể hồi tháng 2 với 11,4% và tháng 4 với 10,1%. Như vậy nhìn trên bình diện chỉ số, thị trường chứng khoán là kênh đầu tư sinh lời kém xa vàng và USD, thậm chí có thể bị cạnh tranh từ kênh tiết kiệm.
Khó có thể thống kê chính xác dòng tiền từ chứng khoán được chuyển sang các kênh đầu tư khác trong hơn 10 tháng qua. Không phải nhà đầu tư nào cũng đủ năng động và chuyên nghiệp để chuyển hướng đầu tư một cách kịp thời. Trong bối cảnh thị trường vàng và USD tiếp tục có những diễn biến bất ngờ, liệu dòng vốn chậm chân từ thị trường chứng khoán có nên chuyển hướng lúc này?
Ngay từ đầu tháng 11, theo phân tích của Công ty Chứng khoán SME, giả định nhà đầu tư kỳ vọng 20% lợi nhuận trong 1 năm. Có một số lựa chọn như sau: 1) giá vàng phải tăng từ mức 3,3 triệu đồng/chỉ lên 3,96 triệu đồng/chỉ; 2) Giá USD/VND phải tăng từ 20.100 đồng lên 24.120 đồng. Nếu tính cả lãi suất gửi tiết kiệm USD 5% thì tỷ giá cũng phải dừng ở mức 23.115 đồng; 3) Bất động sản phải tăng giá 20%; 4) VN-index tăng lên 528 điểm.
Trong một số khả năng này, giá vàng ngày 9/11 đã có lúc đạt 38,2 triệu đồng/lượng. USD tự do tăng cao nhất cũng quanh mức 21.000 đồng. Ngay lập tức Ngân hàng nhà nước đã có động thái hạ nhiệt khi cho phép nhập vàng. Giới đầu cơ vẫn nhìn quyết định trên với con mắt dè dặt vì thực tế lúc này giá vàng thế giới đang ở mức rất cao, không chừng doanh nghiệp nhập khẩu có thể mua vào đúng đỉnh. Tuy nhiên, dù chưa rõ vàng sẽ được nhập về bao nhiêu thì tâm lý người dân lúc này cũng đã “hạ nhiệt”.
Diễn biến trên cho thấy cơ quan quản lý sẵn sàng sử dụng các biện pháp để điều tiết thị trường vì mục tiêu ổn định vĩ mô. Do đó sự bùng nổ mạnh hơn của thị trường vàng, ngoại hối là khó. Theo SME, cơ hội cho vàng lên sát 4 triệu đồng/lượng là khó. Tỷ giá đạt mức 23.115 VND/USD như nhận định của các tổ chức quốc tế là kỳ vọng quá cao. Thị trường bất động sản tiếp tục nguội lạnh khi dòng tiền vào bị hạn chế, đóng băng cục bộ.
Dòng vốn chậm chân lúc này đổ vào thị trường vàng và USD có hợp lý hay không vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, mức kỳ vọng lợi nhuận 20% trong thời điểm hiện tại càng xa vời hơn vì cả hai thị trường trên đã có mức tăng rất cao. Rủi ro chính sách cũng rất lớn khi ngân hàng nhà nước có thể thực hiện nhiều quyết định mạnh tay.
Với thị trường chứng khoán, sự èo uột trong thanh khoản suốt hai tháng qua, khiến nhà đầu tư chán nản. Dòng vốn vận động yếu là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, sự kỳ vọng vào khả năng lợi nhuận 20% nếu đầu tư dài hạn một năm vẫn “sáng” hơn các kênh khác.
Mặt khác, với mức giảm giá mạnh vừa qua, nhiều cổ phiếu đã có tỉ lệ cổ tức tiền mặt trên thị giá cao hơn cả mức gửi tiết kiệm năm. Đây có thể là kênh trú ẩn an toàn với những nhà đầu tư thiếu “năng động” ngoài kênh gửi tiết kiệm kỳ hạn.
Một điểm đáng lưu ý là dòng vốn thực sự không “ghẻ lạnh” thị trường chứng khoán khi mỗi phiên trên cả hai sàn vẫn xuất hiện lượng đặt mua trên 80 triệu chứng khoán. Tuy nhiên tỷ lệ dư mua vẫn chiếm trên 50% cho thấy nhu cầu mua bằng được không nhiều. Thị trường chứng khoán có thể đem lại cơ hội tốt nếu các rủi ro vĩ mô được giải tỏa, mà trước hết là sự ngược dòng của chính hai kênh đầu tư cạnh tranh là vàng và USD.
N.H
TBKTVN
|