Thứ Tư, 06/10/2010 15:00

VN-Index cuối năm 2010: Khó đoán

“Khó đoán” là 2 từ mà các chuyên gia phân tích và nhà kinh tế dùng để mô tả thị trường chứng khoán cuối năm 2010.

Có những giai đoạn, sự vận động của VN-Index khiến các nhà phân tích phải bó tay. Điển hình là thời điểm này khi hầu hết các chuyên gia kinh tế và nhà phân tích uy tín đều thừa nhận rất khó đoán định xu hướng của VN-Index cuối năm 2010.

Thị trường không hấp dẫn đối với các tổ chức đầu tư lớn!

Đã từng dự khá nhiều hội thảo tài chính quốc tế tại Singapore, Hồng Kông, Anh, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long, cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam không hấp dẫn như các phương tiện truyền thông vẫn ca ngợi. Tại các hội thảo mà ông tham dự, có đến hơn 90% tổ chức đầu tư quy mô lớn không chú ý đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Đối tượng quan tâm chỉ là tổ chức nhỏ. Tuy nhiên, sự quan tâm ấy cũng chỉ dừng ở việc thăm dò, tìm hiểu thông tin để so sánh với các thị trường khác trong khu vực.

Ông Hào cho biết, lý do các tổ chức đầu tư chưa muốn nhảy vào thị trường Việt Nam là lo ngại kinh tế Việt Nam có thể sẽ lâm vào cảnh đình đốn. Cơ sở để họ đưa ra nhận định trên là lãi suất đứng ở mức cao trong một thời gian dài, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong nước. Trong khi đó, hàng hóa khan hiếm và phải nhập khẩu nhiều, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng cao. Họ cũng cho biết sẽ đợi sau năm 2012, khi Việt Nam thực hiện các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mạnh mẽ hơn mới tính chuyện tham gia thị trường Việt Nam.

Còn Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, thì khuyến cáo: “Không nên kỳ vọng vào sự hưng phấn của thị trường từ nay đến cuối năm. Bởi lẽ, với những khó khăn hiện tại và rủi ro tiềm ẩn như biến động tỉ giá, thâm hụt cán cân thanh toán và lạm phát, sự điều hành vĩ mô và chính sách tiền tệ sẽ nghiêng về việc duy trì sự ổn định, chứ ít dám mạo hiểm theo đuổi tăng trưởng”.

Theo ông Thành, kinh tế càng bất ổn thì càng tạo điều kiện cho giới đầu cơ tài chính lũng đoạn và tiền không đi vào sản xuất mà liên tục chảy từ kênh vàng sang ngoại tệ hay bất động sản và ngược lại. Đây là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế vĩ mô. Do đó, cần phải siết chặt tín dụng. Ông Thành cho biết, nếu trước đây, nhiều chuyên gia thể hiện quan điểm ủng hộ xu thế tăng trưởng của thị trường chứng khoán thì nay họ đã thận trọng hơn trong việc nhận định thị trường trước những rủi ro kinh tế vĩ mô.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn khá thấp. Chính phủ lại phải đối phó với các vấn đề thâm hụt cán cân thanh toán, kiểm soát lạm phát cuối năm. Trong khi đó, do khả năng kiểm soát việc chu chuyển vốn trong nền kinh tế khá yếu, nên rất khó cho công tác điều hành. Dự trữ vốn trong dân tuy cao, nhưng khi niềm tin chưa ổn định, một bộ phận người dân có tâm lý tích trữ các tài sản ngoài tiền đồng. Đây là nguyên nhân không nhỏ khiến các thị trường vàng, USD biến động, ảnh hưởng đến sự hồi phục của thị trường chứng khoán.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết, năm nay, không những gói kích cầu không còn mà doanh nghiệp còn phải chịu nhiều tác động cùng một lúc. Đó là lãi suất cao cộng với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, thị trường bị thu hẹp. Ông dự báo, năm nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhìn chung sẽ không khả quan. Khi kinh tế vĩ mô yếu, lợi nhuận doanh nghiệp giảm, nhà đầu tư sẽ không mấy mặn mà với thị trường chứng khoán.

Không còn lạc quan

Các báo cáo phân tích thị trường trong 2 tháng qua hầu hết cho thấy cái nhìn tiêu cực về thị trường chứng khoán với những lý do như đã nêu ở trên. Thị trường chứng khoán luôn lấy kinh tế vĩ mô làm nền tảng. Một khi kinh tế vĩ mô còn tồn tại nhiều bất ổn, thị trường chứng khoán là nơi đầu tiên chịu trận. Và hậu quả bao giờ cũng quá đà vì đặc điểm của thị trường chứng khoán là bị chi phối bởi niềm tin của nhà đầu tư. Minh chứng là giai đoạn kinh tế thế giới lâm vào khủng khoảng, VN-Index đã giảm xuống mức 235 điểm (24.2.2009), hàng loạt cổ phiếu giảm xuống mức dưới mệnh giá niêm yết.

Ông Thành, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cũng cho rằng, vấn đề ảm đạm của thị trường chứng khoán hiện nay không nằm ở Thông tư 13/2010/TT-NHNN hay Thông tư 19 (sửa đổi một số nội dung của Thông tư 13), mà nằm ở niềm tin của các nhà đầu tư. Chỉ khi họ có niềm tin vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán mới có thể khởi sắc.

Theo ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Phân tích Quỹ Đầu tư SHF, khả năng giảm điểm của VN-Index vẫn còn, do tác động tiêu cực của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, mức độ giảm sẽ chỉ quanh ngưỡng 420 điểm trong năm nay, bởi ở ngưỡng này, chỉ số cơ bản của các cổ phiếu cũng bằng với đáy 235 điểm của VN-Index vào năm 2009. Do đó, khi VN-Index giảm, sẽ xuất hiện lực cầu mạnh tại khu vực 420 điểm. Đó là các dòng tiền đầu tư thực sự.

Trong trường hợp thị trường diễn biến theo hướng lạc quan, ông Hào, Công ty Chứng khoán Thăng Long và ông Lê Bá Hoàng Quang, Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, đều có chung dự báo rằng thị trường sẽ ở quanh mức 500 - 515 điểm.

“Tuy nhiên, nhận định chỉ là nhận định, chỉ có thị trường mới đúng. Bằng chứng là năm 2009, trong một cuộc gặp mặt của hơn 40 giám đốc các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, phần lớn đều nhận định VN-Index sẽ đạt 680 - 700 điểm. Tuy nhiên, cuối năm 2009, VN-Index chỉ ở mức 500 điểm”, ông Quang nói.

Thanh Lâm

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   OTC: Mỏi mắt tìm người mua bán (06/10/2010)

>   Thị trường “ngóng” tin quý III (06/10/2010)

>   Những vụ thao túng giá kinh điển (06/10/2010)

>   TTCK Việt Nam: Vẫn thiếu dòng tiền hỗ trợ (06/10/2010)

>   Chứng khoán sẽ không còn xấu thêm (06/10/2010)

>   Thị trường ngày 06/10 và góc nhìn từ CTCK (05/10/2010)

>   UPCoM-Index tăng 1,44% (05/10/2010)

>   ‘Nghi án’ AAA (05/10/2010)

>   Chứng khoán năm 2010: Vì sao không thể có sóng lớn ? (05/10/2010)

>   CTCK đua vào top 10 (05/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật