Những vụ thao túng giá kinh điển
Theo các chuyên gia phân tích, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam biến động không theo quy luật như các thị trường phát triển mà chọn lối đi riêng. Thông tin nội gián cộng với việc quản lý lỏng lẻo, thiếu chế tài xử phạt nghiêm khắc tạo kẽ hở cho việc thao túng giá diễn ra phổ biến. Doanh nhân kỳ này xin điểm lại những vụ thao túng giá kinh điển trong thời gian gần đây.
Thông tin nội gián - KSH
Khi niêm yết trên sàn HOSE vào tháng 11/2008, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Khoáng sản Hà Nam (KSH) không thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, ngoại trừ tên công ty có từ “hot”: khoáng sản. Giá giao dịch của KSH chỉ dao động trong khoảng từ 14.000 - 20.000đ/cp, tương xứng với kết quả kinh doanh không hấp dẫn (tỉ suất sinh lời trên vốn điều lệ chỉ đạt 16% trong năm 2008).
Mọi thay đổi xảy ra vào tháng 8/2009, khi giới môi giới xôn xao tin đồn KSH tìm ra mỏ vàng và liên tục tư vấn cho khách hàng mua cổ phiếu này. Giá cổ phiếu KSH tăng không ngừng suốt 35 phiên liên tiếp từ mức 18.000đ/cp lên tới kỷ lục 93.000đ/cp (ngày 22/10/2009), tương ứng với tăng trưởng 516%. Không phải ai cũng đào được “mỏ vàng” KSH, mà những người tận hưởng được khoản lợi nhuận kếch xù chính là cổ đông nội bộ nắm bắt được thông tin nội gián. Bà Đào Thị Kiều, cổ đông nội bộ đã tiết lộ thông tin dự án khai thác mỏ vàng Sa Khoáng cho hai cá nhân khác để họ trục lợi mua cổ phiếu trước khi thông tin được chính thức công bố lên Sở GDCK.
Một đặc điểm khá phổ biến ở TTCK Việt Nam là những thông tin giật gân, vỉa hè (kiểu tìm được mỏ mới hay khoáng sản quý hiểm, được cấp giấy phép mỏ…) được hấp thụ tốt và có tốc độ lan truyền chóng mặt. Nhà đầu tư nhỏ lẻ trở thành nạn nhân của trò chơi thao túng giá mà không cần biết dòng tiền thực thu về những dự án “khủng” kiểu này có thể mất 5 - 10 năm nữa hoặc không có (rủi ro trữ lượng, rủi ro khảo sát). Đến thời điểm này, chỉ biết rằng cổ đông nội bộ bị xử phạt hành chính khiêm tốn 165 triệu đồng, còn việc thao túng giá KSH được hiểu mập mờ là chưa bị “sờ gáy” và giá trị thông tin nội gián phải được định giá cao gấp nhiều lần so với mức xử phạt.
Cổ phiếu trong mơ - CTM
Không sở hữu mỏ vàng như KSH, mỏ đá trắng ở Yên Bái mà Vinavico (CTM - CTCP Đầu tư, Xây dựng, Khai thác mỏ), công ty đang thăm dò trữ lượng trong năm 2009 đủ khiến nhà đầu tư ngưỡng mộ nhìn đội lái “kéo” giá cổ phiếu CTM phi mã. Niêm yết trên sàn HNX, số lượng cổ phần ít (2,67 triệu), thuộc nhóm ngành “hot” khai khoáng, cổ phiếu CTM hội tụ các yếu tố cần và đủ để có thể bị thao túng giá từ mức 12.000đ/cp lên 89.000đ/cp trong tháng 11/2009. Giai đoạn từ giá 12.000đ/cp lên 20.000đ/cp là chặng đường đầu tiên trong việc đội lái gom hàng đầy đủ để giữ được vai trò đầu tàu dẫn dắt giá cổ phiếu CTM. Tiếp theo là giai đoạn kéo và xả, khi đội lái nắm giữ vai trò kéo giá cổ phiếu, lôi kéo được nhà đầu tư bầy đàn và xả hàng từ tốn không gây tác động lớn đến giá đang tăng chóng mặt của cổ phiếu. Song hành với việc thao túng giá, hành vi bán “chui” cổ phiếu của cổ đông nội bộ cũng khiến giá cổ phiếu không thể điều chỉnh như trường hợp cổ đông lớn của CTM bán 495.000 cổ phiếu mà không công bố thông tin. Cổ phiếu CTM từng là cổ phiếu trong mơ của rất nhiều nhà đầu tư trong năm 2009 và ngay cả trong năm 2010, cổ phiếu này có đến 2 - 3 đợt sóng nhờ đội lái mát tay. Ai cũng hiểu một sự thật đơn giản ở TTCK Việt Nam: chẳng có cổ phiếu nào tự dưng tăng giá nếu không nhờ đội lái. Nhưng sức mạnh tài chính đội lái đến đâu là một câu hỏi mà nhà đầu tư nhỏ lẻ luôn đặt ra khi đầu tư theo những đợt sóng ngắn hạn!
Ngôi sao sáng - PVA
TTCK VN năm 2010 đã khắc tên PVA (Công ty cổ phần Xây dựng dầu khí Nghệ An) vào bảng phong thần nhờ tốc độ tăng trưởng chóng mặt của cổ phiếu này (trên 400%) so với mức độ tăng ì ạch của VN-Index (15,5%). Người ta có thể đổ lỗi cho toàn thị trường tăng trưởng chậm khi nguồn vốn ngân hàng bị siết chặt hơn do lo ngại lạm phát. Với cổ phiếu PVA, xu thế tăng hoàn toàn nổi trội hơn xu thế chung của toàn thị trường nhờ vào tiềm lực tài chính của đội lái. Thông tin hỗ trợ để PVA tăng giá mạnh là kế hoạch tăng vốn tỉ lệ 1:4 để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp này. Giá của PVA cũng “bốc hỏa” theo phương án tăng vốn khủng, pha loãng hết quyền lợi cổ đông khi giá tăng từ 30.000đ/cp lên đến 120.000đ/cp (tính từ đầu năm 2010). Đội lái PVA áp dụng chiến thuật mới trong việc đẩy giá cổ phiếu: mua bán thông tin hỗ trợ. Nếu để ý kỹ sẽ thấy mỗi khi cổ phiếu PVA rớt giá, ngay lập tức sẽ có thông tin hỗ trợ được công bố nhịp nhàng để nâng đỡ giá khiến cho guồng quay tăng giá không bị trật khớp. Ví dụ như tin PVA triển khai những dự án lớn như gạch không nung, khu du lịch Cửa Lò hay nhà máy sản xuất sắt xốp Kobelco.
516% là mức tăng trưởng cổ phiếu KSH đạt tới sau 35 phiên liên tiếp | Ngoài ra, sự thao túng giá diễn ra thuận lợi, vào đúng thời điểm toàn thị trường gần như đi ngang. Cổ phiếu PVA là một điểm sáng “làm giá” của năm 2010 nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa CTCK và nhà đầu tư cùng đánh lên. Số lượng chứng khoán PVA do 2 CTCK lớn nắm giữ lên tới 6 triệu cổ phần trong đợt phát hành riêng lẻ. Sự tin tưởng vào độ minh bạch của TTCK ngày càng giảm sút khi hoạt động thanh tra của UBCKNN hay những xử phạt về hành chính không có tác dụng răn đe quyết liệt trước những hành vi trục lợi có quy mô tổ chức này! Theo chân PVA là một loạt cổ phiếu khác như VSP, SRB, AGC… tạo một bức tranh méo mó về đầu tư chứng khoán niêm yết trong năm nay: đầu tư mà không cần xét tới yếu tố cơ bản.
Hiện tượng khó hiểu - AAA
Gần đây, hiện tượng của cổ phiếu Công ty Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA: HNX) làm bùng lên nghi vấn về thủ đoạn lừa đảo các CTCK của một số cá nhân nắm giữ cổ phiếu này. Tăng giá bất thường (từ 50.000đ/cp lên 90.000đ/cp) trong giai đoạn toàn thị trường sụt giảm, và liền ngày sau đó lao dốc không phanh. Đây là một câu hỏi lớn mà giới đầu tư đang thắc mắc.
Theo nguồn tin không chính thức, tổ chức thao túng giá AAA mở một số tài khoản tại các CTCK áp dụng tỉ lệ thấu chi cao (1:3 và 1:4) để kích giá bằng nguồn tiền vay. Sau những nỗ lực vừa mua, vừa bán trao tay để tạo thanh khoản bằng lượng cổ phiếu sẵn có, nhóm làm giá này đã rút hết tiền ở các tài khoản sinh lãi và để lại một tài khoản “cháy” (cổ phiếu mua ở mức giá cao trong khi giá chứng khoán giảm sàn liên tục). Bị margin call (*), CTCK buộc phải tự động đặt lệnh bán chứng khoán và mất thanh khoản là điều dễ hiểu đối với cổ phiếu bị làm giá thô thiển như trường hợp này. Bác bỏ tin đồn tiếp tay cho hoạt động thao túng giá, HĐQT công ty này khẳng định không tham gia vào vụ việc khi chỉ nắm giữ 15% lượng cổ phiếu đang lưu hành trong tổng số 9,9 triệu cổ phiếu niêm yết. Để biết rõ đối tượng thực hiện và các nạn nhân CTCK là ai cần có sự can thiệp nhanh chóng, kịp thời của Thanh tra của UBCKNN và Trung tâm lưu ký để làm dịu bức xúc của dư luận! Sự việc AAA không đơn thuần chỉ đặt ra vấn đề thao túng giá mà cấp thiết hơn là việc quản trị rủi ro trong CTCK. Rất nhiều CTCK mới mở hoặc quy mô nhỏ thu hút khách bằng “con dao” thấu chi (áp dụng tỉ lệ cho vay cao) và “con dao” hai lưỡi chắc chắn sẽ phản tác dụng nếu không biết cách sử dụng một cách đúng đắn. Hơn thế nữa, UBCKNN cần phải đưa ra khung pháp lý thống nhất cho hoạt động margin trading (cho vay thấu chi): khống chế tỉ lệ trần cho vay để hạn chế rủi ro cho CTCK cũng như tiêu chí cổ phiếu đạt yêu cầu cho dùng margin.
Lê Trương
diễn đàn doanh nghiệp
|