CTCK đua vào top 10
Sau bài viết “10 người giàu nhất trên TTCK thay đổi” ra ngày 23/9, kỳ này chúng tôi tiếp tục phân tích 10 “đại gia” môi giới khi tuần qua HOSE đã công bố danh sách 10 CTCK dẫn đầu thị phần môi giới trong quý III với những thay đổi rất đáng chú ý. Mặc dù TTCK vẫn đang trong giai đoạn buồn tẻ nhưng cuộc chiến môi giới vẫn nóng lên từng ngày.
Tứ đại gia
So với quý II tứ đại gia môi giới tại HOSE vẫn là 4 CTCK : Thăng Long (TLS) , Sài Gòn (SSI) Sacombank (SBS) và TPHCM (HSC). Nhưng trong 4 cái tên này vẫn có sự phân hóa nhất đinh khi thị phần của TLS tăng từ 10,85% trong quý II lên 11,34% trong quý III; SSI tăng từ 8,15% lên 8,23%, trong khi SBS mặc dù vượt qua HSC để chiếm vị trí thứ 3 nhưng đã giảm nhẹ tư 6,42% xuống 6,38%, còn HSC giảm từ 6,58% xuống 5,98%.
Điều này cho thấy những áp lực không hề nhỏ mà các ông lớn phải đối mặt, không chỉ với những đối thủ ngang cơ mà còn từ những “đàn em” ở phía sau. Riêng trường hợp của TLS, có thể thấy được ảnh hưởng của CTCK này đối với thị trường ngày càng mạnh mẽ hơn. 2 phòng môi giới số 5 (tại TPHCM) và số 2 (Hà Nội) của TLS được giới NĐT nhận định là nổi nhất. Thậm chí còn có tin đồn rằng tại nhiều thời điểm phông môi giới 2 Phụ trách “lái” đến 10 mã thuộc họ Petro. Bên cạnh đó là việc một nhân vật tên Q., có số má trên diễn đãn hàng đầu là F319 cũng là người của TLS.
Như vậy, chỉ riêng tứ đại gia nói trên đã chiếm hơn 30% thị phần tại HOSE trong khi 6 CTCK còn lại chỉ còn hơn 18,3%. Những CTCK lớn đã làm gì để mang lại lợi ích cho thị trường?
Vào một ngày nào đó, NĐT tạii các CTCK này nhận được tin đồn thất thiệt và đồng loạt xả hàng thì tác hại trường phải gánh chịu chắc chắn không hề nhỏ. Những lợi ích CTCK lớn đem lại cho thị trường xem ra vẫn còn mờ nhạt, những tin đồn thiếu tích cực mà NĐT dành cho khối này: thị trường xuống lại phát hành báo cáo nói thị trường tốt, cho mượn hàng bán khống, áp tỷ lệ đòn bẩy cao để rồi khi thị trường xuống tiến hành giải chấp…
Áp lực Top 10
Xếp ở các vị trí 5, 6, 7, 8 là CTCK FPT, ACB, VNDirect và Bản Việt. Những vị trí này không gây nhiều bất ngờ vì đây là những CTCK đã khẳng định được tên tuổi và duy trì những thế mạnh của mình. TGĐ một CTCK nằm trong top 10 chia sẻ, khoảng cách về thị phần giữa CTCK xếp thứ 11 hoặc 12- so với CTCK xếp thứ 10 rất nhỏ, nên áp lực dành tho CTCK thứ 10, hay nói rộng hơn là những CTCK nằm trong top 10 rất lớn. Vì rất nhiều CTCK đặt mục tiêu xuất hiện trong top 10 để khẳng định tên tuổi của mình nên mục tiêu “dễ xơi” nhất chính là vị trí thứ 10.
Chiêu thức phổ biến nhất chính là tấn công trực diện vào khách hàng của đối thủ. Trong Quý II, CTCK Kim Eng giữ vị thứ 10 nhưng đến qúy III đã phải bật bãi để CTCK An Bình vươn lên. Ở vị trí thứ 9 là CTCK Hòa Bình, nhưng cũng chỉ hơn CTCK An Bình có 0,01%.
Khá nhiều người thắc mắc cả 2 CTCK này đều không có một thế mạnh gì rõ ràng, CTCK An Bình có ngân hàng mẹ đứng phía sau, nhưng vấn đề có hỗ trợ hay không lại chưa rõ ràng.
Có chăng chuyện làm mọi cách “chạy” thành tích nhằm vào top 10 để “lấy số” với thiên hạ hay không? Ví dụ như việc tự mình tạo ra các giao dịch mua bán qua lại và gia tăng lên để tăng GTGD. CTCK Hòa Bình (HBS), sắp tới đây sẽ tiến hành trả cổ tức bằng CP. Nếu không có một dấu ấn gì trong hoạt động kinh doanh thì việc “in giấy phát hành cho cổ đông” nhiều khả năng sẽ không thu hút được thị trường. Nhưng sau khi tạo dấu ấn bằng việc lần lượt xuất hiện trong top 10 tại HNX và HOSE thì NĐT sẽ phải nhìn CTCK này một cách “nể trọng” hơn và CP tất nhiên cũng sẽ được hưởng lợi. Từ đây cũng có thể nảy sinh ra một trào lưu chạy đua để vào top 10 giữa các CTCK tầm trung, nhất là những CTCK đang niêm yết trên TTCK.
Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu trong danh sách top 10 của quý IV lại xuất hiện những cái tên mới như SME, VDS, AVS... Nhưng nếu vào top 10 nhưng lại không có ưu điểm gì nổi trội thì có thể tạo ra tác dụng ngược và cuộc đua lập top 10 sẽ không đem lại lợi ích cho NĐT mà chỉ chạy theo những điều phù phiếm.
Đại Ngàn
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|