Hiện tượng bất thường mang tên MKV
|
Cổ phiếu MKV tăng mạnh suốt từ tháng 4 đến tháng 9. | Trong thời gian gần đây, hiện tượng giao dịch bất thường của cổ phiếu CTCP Dược Thú y Cai Lậy (HNX: MKV) trên sàn Hà Nội khiến giới đầu tư xôn xao. Nhiều nghi vấn được đặt ra, nhưng chưa có lời giải đáp. Liệu có trường hợp như AAA thứ hai xảy ra?
5 tháng giá tăng 547%
Ngày 1/10, giá cổ phiếu MKV bất ngờ sụt giảm mạnh nhất sàn Hà Nội khi rơi gần hết biên độ từ 68.800 đồng/cp xuống 65.000 đồng/cp (-6,88%). Tuy nhiên, trước đó, cổ phiếu này đã có một giai đoạn tăng mạnh, suốt từ tháng 4 đến tháng 9.
Đầu tháng 4, giá cổ phiếu MKV loanh quanh ở mức 11.900 đồng/cp. Sau đó, khối lượng khớp lệnh dần tăng mạnh và giá cổ phiếu MKV bắt đầu leo dốc. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/8, giá cổ phiếu này leo lên mức 77.000 đồng/cp. Từ đó đến nay, MKV đi ngang trong khoảng 70.000 đồng/cp. Như vậy, tính từ ngày 1/4 đến ngày 20/8, giá cổ phiếu MKV đã tăng 547,05%, trong khi đó, chỉ số HNX- Index giảm 27,79%.
Khối lượng giao dịch của cổ phiếu MKV rất cao, chiếm từ 10 - 20% khối lượng cổ phiếu lưu hành. Đáng chú ý, một số phiên MKV có khối lượng khớp lệnh cực lớn, như ngày 27/7 với 398.000 cổ phiếu, chiếm gần 40% vốn điều lệ. Như vậy, không thể nói cổ phiếu này kém thanh khoản dẫn đến giá cổ phiếu bị phản ánh sai lệch.
Đâu là giá trị thực của MKV?
Kết quả kinh doanh của MKV trong năm 2009 và 2 quý đầu năm 2010 không có gì đột biến. Theo báo cáo tài chính bán niên (đã soát xét), tổng tài sản của MKV cuối quý II/2010 đạt 23,53 tỷ đồng, tăng 12,48% so với đầu năm. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2010 của MKV là 12,76 tỷ đồng, giảm 4,06% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế là 745,6 triệu đồng, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) 6 tháng đầu năm là 745,59 đồng.
Theo số liệu của CTCK Sacombank (SBS), P/E của MKV hiện là 41,3 lần, P/BV là 5,8 lần. Nếu so sánh với chỉ số P/E của ngành là 8,7 lần, của sàn HNX là 8,1 lần; P/BV của ngành là 2,1 lần, của sàn HNX là 1,5 lần, thì cổ phiếu MKV đang bị định giá quá cao.
Giải trình của MKV ngày 2/6/2010 cho rằng, giá cổ phiếu MKV tăng trần nhiều phiên là do “việc công bố báo cáo tài chính quí I/2010 và nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2010 có khả năng tác động đến giá cổ phiếu tăng”.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết ĐHCĐ, năm 2010, MKV chỉ đặt ra chỉ tiêu doanh thu 36 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,44 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 12% (trong đó 50% là tiền mặt và 50% là cổ phiếu). Công ty dự kiến phát hành tăng vốn từ 10 tỷ đồng lên 15 tỷ đồng để huy động vốn cho dự án nhà máy sản xuất thuốc thú ý đạt chuẩn GMP vào cuối quý III/2010. Tuy nhiên, phương thức phát hành vẫn chưa được công bố.
Nhiều cổ đông nội bộ bán sạch cổ phiếu
Theo thống kê, trong thời gian từ cuối năm 2009 đến nay, nhiều cổ đông nội bộ của MKV liên tục đăng ký giao dịch cổ phiếu, vừa bán vừa mua. Cụ thể:
Ông Trần Văn Sê, Chủ tịch HĐQT nắm giữ 38.500 cổ phiếu đã bán ra 33.500 cổ phiếu từ ngày 26/5 đến ngày 16/8/2010. Kể từ ngày 23/8 đến ngày 20/10, ông Tiến đăng ký bán nốt 5.000 cổ phiếu, nhưng lại đăng ký mua 40.000 cổ phiếu.
Ông Đặng Minh Tiến, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc nắm giữ 55.000 cổ phiếu, đã bán hết 47.000 cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 4/6 đến 13/8/2010. Kể từ ngày 23/8 đến ngày 20/10, ông Tiến đăng ký bán nốt 8.000 cổ phiếu, nhưng lại đăng ký mua 40.000 cổ phiếu.
Ông Trần Hoàng Sơn, ủy viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng nắm giữ 56.900 cổ phiếu, đã bán 31.900 cổ phiếu từ ngày 28/6 đến ngày 6/8/2010 và mua vào 5.700 cổ phiếu từ ngày 28/7 đến ngày 5/8. Sau đó, ông Sơn đăng ký bán nốt 25.000 cổ phiếu, nhưng lại đăng ký mua 40.000 cổ phiếu kể từ ngày 16/8 đến ngày 14/10.
Bà Nguyễn Thị Kim Vân, thành viên Ban kiểm soát nắm giữ 9.800 cổ phiếu, đã bán hết 9.800 cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 1/5 đến 11/8/2010.
Ông Trương Trần Trúc, thành viên Ban kiểm soát nắm giữ 33.000 cổ phiếu, đã bán 32.500 cổ phiếu kể từ 20/5 đến 16/7/2010, sau đó đăng ký bán 500 cổ phiếu còn lại trong thời gian từ 31/8 đến 30/9/2010.
Trước đó, vào tháng 6 – 10/2009, cổ phiếu MKV cũng được một số cổ đông nội bộ mua đi bán lại với khối lượng lớn. Thậm chí, một cổ đông lớn của MKV, từng là ủy viên HĐQT, Kế toán trường đã bị UBCKNN phạt 20 triệu đồng vì mua 18,39% cổ phần của MKV mà không báo cáo.
Vẫn biết, cổ đông nội bộ cũng như ban lãnh đạo DN có quyền giao dịch cổ phiếu của công ty mình, nhưng NĐT sẽ đặt dấu hỏi khi một công ty mà ban lãnh đạo đã bán sạch cổ phiếu rồi sau đó công bố mua lại là vì sao?
Số lượng cổ phiếu ít, dễ bị làm giá?
MKV chính thức niêm yết trên sàn Hà Nội từ ngày 21/11/2008, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, khối lượng cổ phiếu niêm yết là 1 triệu đơn vị.
Chuyên gia chứng khoán cho biết, những cổ phiếu có khối lượng lưu hành ít dễ bị làm giá. Đội “lái tàu” có thể kiểm soát nguồn cung cổ phiếu, đẩy giá lên một mặt bằng mới, sau đó thoát hàng.
Thông thường, nếu khối lượng cổ phiếu lưu hành ít thì tính thanh khoản yếu. Nhưng các đội làm giá sẵn sàng mua đi bán lại, chấp nhận mất phí giao dịch nhằm mục đích tạo thanh khoản ảo trên thị trường. Khi đã xác định được mặt bằng giá cao, duy trì thanh khoản tốt, lôi kéo được NĐT khác mua vào thì đội lái ung dung thoát hàng.
Việt Quang
Đầu tư chứng khoán
|