Dự báo chứng khoán: “Hãy hỏi nhà đầu tư cá nhân!”
Dự báo về thị trường chứng khoán, thay vì các chuyên gia và tổ chức, hãy hỏi từ chính các nhà đầu tư cá nhân - những người bám sát với thị trường hàng ngày.
Tại cuộc tọa đàm về kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán, do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán phối hợp với Ban Kinh tế - Thông tấn xã Việt Nam tổ chức tuần qua, dự báo điểm đến của VN-Index kết thúc năm 2010 được đặt ra.
Cùng với hai chuyên gia TS. Cao Sỹ Kiêm (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) và TS. Võ Trí Thành (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương CIEM), diễn giả của buổi tọa đàm có đại diện hai thành viên thị trường là Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Sacombank-SBS.
Câu hỏi “VN-Index cuối năm 2010 khoảng bao nhiêu điểm?” được đặt ra. Không có câu trả lời cụ thể từ các chuyên gia.
Theo ông Lê Bá Hoàng Quang, chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô của Sacombank - SBS, việc dự báo cụ thể về thị trường chứng khoán Việt Nam, hay diễn biến của các chỉ số, là một khó khăn không chỉ hiện nay mà cả trong quá khứ cũng đã cho thấy nhiều “rủi ro”.
Ông Quang dẫn chứng một câu chuyện bên lề: Trong năm 2009, trước thời điểm thị trường phục hồi mạnh mẽ từ tháng 9 đến cuối tháng 10/2009, một quỹ đầu tư đã tổ chức gặp mặt với lãnh đạo của khoảng 40 công ty chứng khoán hàng đầu. Tại buổi gặp mặt này, một “cuộc thi” nhỏ diễn ra với câu hỏi về điểm đến của VN-Index cuối năm 2009.
Ông Lê Bá Hoàng Quang cho biết, đại diện lãnh đạo của khoảng 40 thành viên thị trường đó cùng đưa ra dự báo, có lạc quan và thận trọng, nhưng tất cả không có được sự chính xác sát với mức 494,77 điểm của VN-Index đóng cửa phiên 31/12/2009.
Câu chuyện trên được đưa ra, kết quả của nó góp phần cho thấy sự khó khăn trong việc dự báo, nhất là với một thị trường vẫn được xem là có nhiều diễn biến bất thường trong thời gian qua, cũng như có nhiều yếu tố khó lường tính. “Nhưng thị trường luôn luôn đúng”, ông Quang nói.
Dù không đưa ra dự báo cụ thể, nhưng quan điểm của đại diện trên của Sacombank-SBS là vẫn lạc quan với thực tế thị trường hiện nay.
Về khó khăn trong dự báo, hồi đầu năm nay, trong buổi giao lưu với doanh nghiệp tại Hà Nội, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cũng cho rằng việc dự báo nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng là quá khó, bởi đó là một hàm có nhiều biến số, và tính bất định của các biến số đó luôn là thách thức lớn.
Thực tế, bên cạnh câu chuyện mà ông Lê Bá Hoàng Quang đưa ra, thị trường cũng đã chứng kiến rất nhiều dự báo chung và riêng mà kết quả cuối cùng không bám sát được thực tế biến động của thị trường.
Trở lại với buổi tọa đàm trên, trước câu hỏi về điểm đến của VN-Index cuối năm, ông Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc TLS, cũng không đưa ra một mốc điểm cụ thể.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh rằng, thời điểm này có thể thấy những tin xấu đối với thị trường đã ra; việc còn lại là chờ đợi ứng xử của chính sách, đặc biệt là triển vọng hạ lãi suất trong thời gian tới. Nhưng một khó khăn được ông nhận định là triển vọng hạ lãi suất đang gặp khó khăn khi lạm phát đã có thay đổi lớn trong tháng 9 vừa qua.
Về nhận định chung của TLS, ông Quách Mạnh Hào đưa ra một tham khảo, trong bản báo cáo cuối tháng 8 về triển vọng thị trường tháng 9/2010, Công ty có điều chỉnh trong dự báo: “hạ mức dự báo giới hạn trên trung bình cuối năm của chỉ số VN-Index từ 536,74 xuống 515,11 nhằm phản ánh những rủi ro mà nền kinh tế và thị trường đang đối mặt”.
Quan điểm mà đại diện trên của TLS nhấn mạnh là những dự báo của các tổ chức có thể tham khảo ở sự nhìn nhận về triển vọng thị trường, nhưng để dự báo một cách thực tế thì “tốt nhất nên hỏi các nhà đầu tư cá nhân”; bởi nhà đầu tư cá nhân là những người trực tiếp “ăn nằm” với thị trường hàng ngày, bám sát và cảm nhận những biến động của nó một cách cụ thể nhất.
Hoàng Vũ
tbktsg
|