Thứ Sáu, 01/10/2010 21:44

CTCK đồng thanh đề nghị “cởi trói” giao dịch

TTCK “khát” sản phẩm mới đã từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Thời gian qua, nhóm CTCK phải chịu tiếng là dùng sản phẩm “chui” và đối mặt với nhiều rủi ro. Ngán ngẩm với tình cảnh này, các thành viên của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) đang chuẩn bị đồng thanh kiến nghị cơ quan quản lý chính thức cho phép triển khai một số sàn phẩm mới để “cởi trói” cho hoạt động giao dịch.

VASB cho biết, tại cuộc làm việc giữa VASB với lãnh đạo ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ngày 31/8  vừa qua, với sự tham gia của một số CTCK có thị phần lớn, VASB đã thống nhất kiến nghị UBCK và Bộ Tài chính cho phép NĐT mở nhiều tài khoản và mua bán cùng một loại cổ phiếu cùng phiên. Ngoài ra, các thành viên Ban chấp hành VASB còn đi đến thống nhất áp dụng hạn mức giao dịch ký quỹ (margin) tối đa 50% thị giá chứng khoán.

“Cho đến thời điểm này, tất cả những ý kiến trong tổng số gần 100 thành viên của VASB gửi về Hiệp hội đều ủng hộ các kiến nghị trên, đồng thời hối thúc cơ quan quản lý sớm chính thức cho phép triển khai, để hỗ trợ TTCK phát triển năng động, lành mạnh”, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký VASB nói.

Theo các CTCK, tuy cơ quan quản lý chưa chính thức cho phép, nhưng trên thực tế hoạt động mở nhiều tài khoản cũng như margin đã diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, CTCK triển khai các nghiệp vụ này trong tình cảnh “đi đêm”, nên không chỉ ảnh hưởng đến sự chủ động, linh hoạt của các công ty trong hoạt động kinh doanh, mà còn đối mặt với nhiều rủi ro nếu cơ quan chức năng “sờ gáy”.

Bởi vậy, ngoài đồng tình với các kiến nghị trên của VASB, ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS) còn đề nghị VASB sớm kiến nghị cơ quan quản lý cho phép các CTCK triển khai hoạt động mua bán cổ phiếu có kỳ hạn (Repo) một cách công khai, bởi bản chất đây là một sản phẩm tự doanh của các CTCK.

Mặt khác, trong các kiến nghị cởi trói giao dịch cho TTCK của VASB, theo VICS, không nên đề cập đến hoạt động hợp tác kinh doanh đầu tư chứng khoán với NĐT, vì đây cũng là hoạt động dạng tự doanh mà các CTCK có quyền tự quyết khi triển khai và tự quản trị rủi ro. Nếu hoạt động này bị điều tiết bởi các quy định cứng nhắc thì sẽ “giết” chết tính chủ động, năng động trong hoạt động của các CTCK.

Việc cơ quan quản lý sớm chính thức hoá cho phép triển khai mua bán trong phiên, NĐT được mở nhiều tài khoản, theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc CTCK Tân Việt là điều tất cả các thành viên thị trường mong đợi từ lâu. Nếu cơ quan quản lý tiếp tục chạy theo “quản” các CTCK triển khai các sản phẩm mới như thời gian qua, thì không chỉ gây khó khăn cho hoạt động quản lý, giám sát thị trường, mà còn khiến TTCK hoạt động trong trạng thái tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia.

Hơn nữa, việc triển khai các nghiệp vụ trên không phức tạp về mặt kỹ thuật, công nghệ, cũng không ảnh hưởng đến tính an toàn hệ thống, nên càng chậm trễ thì càng khiến TTCK thiệt thòi, rủi ro và chậm pháp triển. Trên cơ sở thực tiễn triển khai nghiệp vụ margin, các ý kiến gửi về VASB đều thống nhất cho rằng, áp dụng hạn mức cho vay ký quỹ tối đa 50% thị giá chứng khoán là hợp lý, nên rất cần sự ủng hộ từ phía cơ quan quản lý.

Việc chính thức hoá quy định này giúp UBCK kiểm soát tốt các CTCK đang triển khai nghiệp vụ margin ra sao, đồng thời vẫn đảm bảo tính an toàn cho hệ thống, bởi hạn mức trần được khoán ở tỷ lệ 50%. Mặt khác, áp dụng quy định này vẫn đảm bảo có “đất” cho các CTCK cạnh tranh, bởi tuỳ thực lực mà họ có thể áp dụng hạn mức margin khác nhau.

Lãnh đạo một CTCK nhìn nhận, sự chậm trễ trong triển khai các sản phẩm mới thời gian qua cho thấy sự lúng túng của cơ quan quản lý. Sự chậm trễ này, theo cái lý chính yếu của nhà quản lý là vì e ngại ảnh hưởng đến tính an toàn của TTCK, của hệ thống. Chưa biết e ngại này lớn đến đâu, nhưng thực tế nhãn tiền là việc để cho các thành viên thị trường “đói” sản phẩm quá lâu đang dẫn đến hàng loạt hiện tượng “xé rào” trong áp dụng các sản phẩm, nghiệp vụ kinh doanh mới. Hệ quả là ngày càng phát sinh nhiều tranh chấp giữa các thành viên thị trường, nhất là giữa CTCK và NĐT, với tính chất vi phạm ngày một tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Từ thực tiễn trên, ông Kỳ cho rằng, sớm có sản phẩm mới, hay nói chính xác hơn là chính thức hoá thừa nhận những nghiệp vụ lành mạnh, theo thông lệ quốc tế mà các CTCK đã triển khai, là yêu cầu hết sức bức bách. VASB đang chờ ý kiến của các thành viên còn lại về 3 nội dụng kể trên để ban hành một nghị quyết gửi cơ quan quản lý.

Trường hợp các kiến nghị trên tiếp tục rơi vào im lặng, các thành viên của VASB sẽ ngồi lại rà soát một cách cẩn trọng để làm rõ trong.số các kiến nghị trên có vấn đề nào bị hạn chế về mặt pháp lý không, nếu không, các thành viên sẽ chủ động thống nhất triển khai và tự chịu trách nhiệm về quản trị rủi ro.

Hữu Đạo

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Rủi ro đầu tư theo giá ngày chào sàn (01/10/2010)

>   Chiến thuật của những NĐT "máu lạnh"... (01/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm tuần thứ 2 liên tiếp (01/10/2010)

>   "Không nhiều cơ hội để TTCK có được một sự bừng tỉnh" (01/10/2010)

>   Thông tư 13 sửa đổi : “Nới” tín dụng (01/10/2010)

>   Thị trường chứng khoán có thêm cổ phiếu 'lạ' (01/10/2010)

>   TTCK VN năm 2010: 3 vấn đề cần chú ý (01/10/2010)

>   Đóng băng tài khoản (01/10/2010)

>   Cổ phiếu vận tải biển: Lực bất tòng tâm (01/10/2010)

>   Thị trường ngày 01/10 và góc nhìn từ CTCK (30/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật