Rủi ro đầu tư theo giá ngày chào sàn
Trên thị trường chứng khoán tự do (OTC), NĐT chủ yếu quan tâm đến cổ phiếu của DN chuẩn bị lên niêm yết. Giá tham chiếu ngày chào sàn là một trong những yếu tố quan trọng để NĐT ra quyết định đầu tư. Trên thực tế, chỉ có cổ phiếu niêm yết tại HOSE mới có giá tham chiếu ngày chào sàn. Diễn biến giảm giá ngay ngày chào sàn của nhiều mã cổ phiếu gần đây đã khiến NĐT thận trọng hơn.
CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí dự kiến chào sàn ở mức giá 24.000 đồng/cp (PTL). Tuy nhiên, ngay trong ngày chào sàn (22/9), cổ phiếu PTL đã giảm hết biên độ xuống 20.000 đồng/cp. Sau đó là hai phiên giảm sàn liên tiếp với lực cầu rất yếu. Phiên hôm qua (30/9), PTL đóng cửa ở mức 17.500 đồng/cp.
Nhiều người đầu tư vào cổ phiếu PTL trên thị trường OTC từ tháng 5, tháng 6 phải bỏ ra 25.000 đồng để sở hữu một cổ phiếu. Gần đến ngày chào sàn, sức nóng của cổ phiếu này giảm dần do tác động sụt giảm của thị trường niêm yết và được giao dịch thỏa thuận quanh mức 18.000 đồng/cp. So với mức định giá 24.000 đồng/cp ngày chào sàn, giá cổ phiếu PTL hiện giảm khoảng 25%.
Một số NĐT gặp rủi ro khi mua cổ phiếu PTL đã chốt danh sách cổ đông lưu ký niêm yết. Do ngày nhận lưu ký và ngày niêm yết quá gần nhau nên nhiều NĐT không kịp lưu ký và không bán được cổ phiếu trong ngày chào sàn. Hiện giá cổ phiếu PTL đang giao dịch bằng với mức giá trên thị trường OTC trước ngày lên sàn cho thấy, giá cổ phiếu trên thị trường OTC ngày càng được định giá sát với giá trị thực.
Hồi tháng 5, cổ phiếu NTB của CTCP 584 chào sàn với mức giá tham chiếu là 42.000 đồng/cp, nhưng đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên chỉ là 37.000 đồng/cp và giảm sàn liên tiếp 4 phiên sau đó, xuống gần 30.000 đồng/cp. Trước đó, giá giao dịch trung bình của cổ phiếu NTB trên thị trường OTC xấp xỉ 42.000 đồng/cp.
Nhìn chung, rất nhiều cổ phiếu sau khi lên sàn đều giảm giá mạnh so với giá tham chiếu. Một trường hợp giao dịch trên giá tham chiếu hiếm hoi là cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai. Cổ phiếu này có giá tham chiếu ngày chào sàn là 42.500 đồng/cp, nhưng trong phiên giao dịch đầu tiên (9/8) có thời điểm giá lên đến 48.000 đồng/cp. Tuy nhiên, trước đó thì cổ phiếu QCG được giao dịch trên thị trường OTC với giá phổ biến từ 50.000 - 53.000 đồng/cp.
Do chào sàn đúng vào thời điểm thị trường sụt giảm nên giá cổ phiếu QCG giảm về 36.000 đồng/cp. Sau khi chốt danh sách thực hiện phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 1:1, với giá 15 .000 đồng/cp, giá QCG điều chỉnh về 25.500 đồng/cp. Hiện giá cổ phiếu này giao dịch trên 30.000 đồng/cp.
Chào sàn cùng ngày với QCG là CTCP Đầu tư xây dựng Cotecland, mã CLG. Cổ phiếu CLG có giá chào sàn 42.000 đồng/cp, nhưng ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu CLG đã được giao dịch dưới giá tham chiếu.
Hồi tháng 7/2010, thị trường OTC truyền tai nhau thông tin cổ phiếu CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI) sẽ chào sàn với giá 36.000 đồng/cp. Không ít NĐT đổ xô đi mua cổ phiếu này với giá từ 21.000 - 23.000 đồng/cp, với kỳ vọng, nếu ngày chào sàn IDI giữ được giá tham chiếu thì NĐT cũng có lợi nhuận trên 10.000 đồng/cp. Cùng với việc vào cuộc của một số NĐT tổ chức phía Bắc, IDI trở thành một trong những cổ phiếu có tính thanh khoản tốt nhất trên thị trường OTC ở thời điểm đó. DN này có vốn điều lệ trên 400 tỷ đồng, với 38 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Trong khi ngày chào sàn vẫn còn chưa được xác định, trải qua đợt sụt giảm sâu trên thị trường niêm yết, giá cổ phiếu IDI đã rơi xuống 17.000 đồng/cp, thanh khoản yếu ớt. Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, không ai dám chắc đến ngày chào sàn, IDI sẽ giữ mức giá chào sàn như cũ và rủi ro tiềm ẩn đối với NĐT là không nhỏ.
Việc các DN niêm yết kỳ vọng giá cổ phiếu ngày chào sàn cao khiến không ít NĐT bị đẩy vào cảnh thua lỗ. Một điều dễ nhận thấy là DN khó áp đặt giá cổ phiếu chuẩn bị niêm yết, bởi có đưa ra giá tham chiếu cao thì thị trường cũng khó chấp nhận. Sự thận trọng đối với những cổ phiếu sắp chào sàn là điều cần thiết trong bối cảnh cả thị trường niêm yết và OTC đều đang rất khó khăn hiện nay.
Nguyên Thành
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|