Thứ Bảy, 02/10/2010 08:14

Cần có cái nhìn công bằng về sản phẩm mới

Thị trường đang có dư luận trái chiều trước một sản phẩm mới được CTCK VNDirect (VNDS) triển khai: quyền chọn (option). Đối với những NĐT ưa rủi ro thì đón nhận option và coi đó như một công cụ bảo hiểm rủi ro, một cách lựa chọn mới để đầu tư. NĐT cẩn trọng nói rằng đó là cá cược. Cơ quan quản lý thì khẳng định, khi chưa được cấp phép triển khai, DN hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì mình đang làm.

* CTCK sắp đồng thanh đề nghị “cởi trói” giao dịch

Sản phẩm option của VNDS giúp NĐT có thể chọn quyền mua hoặc quyền bán cổ phiếu tùy theo nhận định giá cổ phiếu lên hay xuống.

Nếu dự đoán thị trường xuống, NĐT có thể mua quyền chọn bán cổ phiếu với giá đã xác định trước (gọi là giá thực hiện, nằm trong biên độ dao động giá cùng ngày hoặc ngày liền sau đó) và trả phí cho CTCK. Trong suốt thời gian từ khi mua quyền chọn bán đến khi đáo hạn, nếu thấy giá cổ phiếu giảm dưới mức giá đã thỏa thuận trong hợp đồng quyền chọn, NĐT có quyền mua cổ phiếu đó trên thị trường và bán cho CTCK với mức giá đã quy định trong hợp đồng.

Nếu dự đoán thị trường lên thì NĐT có thể mua quyền chọn mua cổ phiếu ở mức giá thực hiện và trả phí cho CTCK. Từ khi mua quyền chọn mua đến khi đáo hạn, nếu thấy giá cổ phiếu tăng, NĐT có quyền yêu cầu CTCK phải bán cho mình cổ phiếu với mức giá đã quy định.

Giá cho mỗi quyền mua dao động từ 6% đến 12% tổng giá trị hợp đồng, tùy thuộc vào từng mã chứng khoán và thời gian thực hiện. Để thu được khoản phí này, trách nhiệm của CTCK là phải đáp ứng đúng yêu cầu trong hợp đồng quyền chọn đã ký với nhà đầu tư trong bất kỳ thời điểm nào bản hợp đồng này có hiệu lực. Thời gian của bản hợp đồng càng dài thì mức phí càng cao, do CTCK phải chịu rủi ro cao hơn.

Không phải đến bây giờ, mà trong quá khứ, nhiều sản phẩm mới đã được các CTCK triển khai.

Cuối năm 2009, trong khi thị trường tự do (OTC) bị gò bó về giao dịch, hạn chế về thanh toán và kết nối cung cầu, một số CTCK đã mạnh dạn lựa chọn những cổ phiếu có tính thanh khoản tốt để giao dịch qua hệ thống báo giá điện tử.

Ở thời điểm đó, khi triển khai sản phẩm này, các CTCK cho phép NĐT thực hiện hợp đồng giao dịch kỳ hạn và hợp đồng giao dịch quyền chọn mua hoặc bán cổ phiếu. Đặc biệt, khách hàng chỉ cần ký quỹ 20% là có thể giao dịch 100% giá trị (điều mà sàn niêm yết chưa làm được). Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, sang đầu năm 2010, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có văn bản yêu cầu các CTCK không được triển khai sản phẩm này. Cơ quan quản lý cấm với lý do, theo luật, các CTCK không được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán, trong khi các CTCK cho rằng, đây chỉ là một trong những nghiệp vụ môi giới thông thường mà thôi.

Hồi tháng 4/2010, sau khi sàn giao dịch vàng đóng cửa, một số DN có hệ thống công nghệ thông tin có ứng dụng gần gũi với lĩnh vực chứng khoán như CTCP Kinh doanh đầu tư tài chính VTG dự định triển khai dịch vụ đầu tư theo chỉ số chứng khoán. Ngay trong ngày đầu tiên triển khai sản phẩm này, VTG đã bị UBCK “tuýt còi” với lý do vi phạm Luật Chứng khoán. Không chỉ có VTG, hai công ty khác là Đại Long và CTCP Hai mươi bốn cũng bị cấm không được triển khai các sản phẩm tương tự.

Sản phẩm đầu tư “cổ phiếu thị trường” của VTG là một sản phẩm mới chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. NĐT dự đoán xu hướng của VN-Index để quyết định việc có mua sản phẩm VTG-VN-Index hay không. Sau khi mua, NĐT thu lãi hay chịu lỗ tùy theo biến động của VN-Index. Bên cạnh đó, NĐT còn được sử dụng đòn bẩy tài chính, tùy thuộc vào việc đầu tư ngắn hạn hay dài hạn. Phía công ty sẽ đứng ra thu phí quản lý của NĐT ở mức 1,5 - 3%, tùy thuộc vào việc thanh lý hợp đồng trước hay sau 3 tháng.

Phần lớn sản phẩm mới manh nha trên thị trường đều bị cơ quan quản lý cấm triển khai. Cũng có một số nghiệp vụ, sản phẩm mới chưa có quy định chính thức, nhưng vẫn đang tồn tại như giao dịch ký quỹ, repo, bảo lãnh thanh toán. Đây là những nghiệp vụ được phép triển khai theo Luật Chứng khoán, nhưng Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn thi hành.

Trong quãng thời gian 10 năm kể từ khi thành lập TTCK và 4 năm kể từ khi có Luật Chứng khoán đến nay, tại CTCK vẫn chưa một sản mới nào được chính thức cấp phép cho triển khai thực hiện. Việc đưa ra các sản phẩm đầu tư mới được nhận định là một trong những yếu tố thúc đẩy TTCK phát triển. Trước sự vận động không ngừng của thị trường tài chính, trước yêu cầu tồn tại và phát triển của các CTCK, sản phẩm mới ra đời như một sự tất yếu khách quan. Tuy nhiên, mỗi khi sản phẩm mới ra đời thì cơ quan quản lý lại cấm. Cấm không phải vì không có “đất sống”, mà vì quy định hiện hành chưa cho phép và vì tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến cơ quan quản lý khó… quản lý!

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chưa quy định cụ thể những việc DN được làm thì cơ quan quản lý nên cho phép DN triển khai những việc mà pháp luật không cấm và chịu sự điều chỉnh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Bộ Luật Dân sự. Như vậy, vừa không hạn chế quyền kinh doanh của DN, vừa thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, đưa ra các sản phẩm đầu tư tài chính tại Việt Nam vượt lên khỏi sự cũ kỹ, đơn điệu như đã tồn tại trong 10 năm qua.

Việc các sản phẩm mới được CTCK mạnh dạn triển khai cho thấy, những nỗ lực của các thành viên thị trường làm phong phú công cụ đầu tư cho thị trường. TTCK sụt giảm, giao dịch èo uột như thời gian qua có nhiều nguyên nhân, nhưng không ít chuyên gia chứng khoán cho rằng, còn do sự nghèo nàn về sản phẩm, công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường. Để duy trì công bằng trong cạnh tranh giữa các CTCK, cũng như giúp NĐT nhận diện đầy đủ hơn rủi ro có thể gặp phải khi họ cân nhắc chọn dùng sản phẩm mới, trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho phép việc cung ứng và sử dụng sản phẩm mới, để thị trường đủ căn cứ triển khai một cách chính thức.

Đông Hải

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Chính sách đẩy đưa, thị trường thiếu lửa (02/10/2010)

>   Mua vào khi thị trường giảm (02/10/2010)

>   CTCK đồng thanh đề nghị “cởi trói” giao dịch (01/10/2010)

>   Rủi ro đầu tư theo giá ngày chào sàn (01/10/2010)

>   Chiến thuật của những NĐT "máu lạnh"... (01/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm tuần thứ 2 liên tiếp (01/10/2010)

>   "Không nhiều cơ hội để TTCK có được một sự bừng tỉnh" (01/10/2010)

>   Thông tư 13 sửa đổi : “Nới” tín dụng (01/10/2010)

>   Thị trường chứng khoán có thêm cổ phiếu 'lạ' (01/10/2010)

>   TTCK VN năm 2010: 3 vấn đề cần chú ý (01/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật