Thứ Hai, 04/10/2010 18:16

Thị trường ngày 05/10 và góc nhìn từ CTCK

(Vietstock) - Hiện tại vẫn chưa có thông tin tích cực nào hỗ trợ cho sự tăng điểm trở lại của thị trường. Và đà giảm vì vậy khó có thể chấm dứt trong phiên 05/10. Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến trong những phiên sắp tới và có thể giải ngân một phần khi VN-Index dao động trong vùng giá 420 – 440 điểm.

* CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) cho rằng phiên giao dịch sáng 04/10 thể hiện khá rõ ràng yếu tố mất kiên nhẫn của các nhà đầu tư trong nước. Sau một thời gian đi ngang không xác định xu hướng, sự giảm sâu của thị trường có thể sẽ là một kịch bản lặp lại như trước đây khi lùi xuống thấp để lấy đà đi lên.

Thị trường tiếp tục đi theo yếu tố tâm lý bầy đàn nên phiên giao dịch tới (05/10) có thể sẽ vẫn còn áp lực bán mạnh của thị trường sót lại trong phiên 04/10. Tuy nhiên, thanh khoản tăng chứng tỏ một lượng lớn các cổ phiếu đã được hấp thụ và qua đó phần nào giảm nhẹ áp lực cho VN-Index tránh khỏi mức giảm sâu mạnh như trong tháng 8. Thêm vào đó, mặc dù lực bán vẫn đang chiếm ưu thế nhưng cũng cho thấy lực cầu bắt đáy đang xuất hiện mạnh tại 2 sàn.

Trên cơ sở đó, SBS khuyến nghị các nhà đầu tư nên theo dõi phiên giao dịch 05/10 để xác định được nếu lực cầu có thể hấp thụ hết nguồn cung của thị trường hiện tại.

Vietstock nhận định:

Tâm lý và các chỉ báo phân tích kỹ thuật trở nên xấu hơn sau phiên giao dịch hôm nay. Vì vậy, khả năng tiếp tục điều chỉnh trong các phiên sắp tới vẫn rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy lực mua tăng mạnh khi VN-Index chạm mốc 445, chứng tỏ nhà đầu tư giá trị đã bắt đầu thấy được mức giá hấp dẫn của các cổ phiếu. Trong khi các kênh đầu tư khác vẫn chưa thực sự hấp dẫn, dòng tiền khó có khả năng rời thị trường và một đợt giảm sâu là khó xảy ra.

Chúng tôi cho rằng việc dịch chuyển từ một danh mục có tỷ trọng tiền mặt cao sang một danh mục có tỷ trọng cổ phiếu cao sẽ bắt đầu có thể thực hiện khi giá đi sâu vào vùng 400 – 445 điểm.

Theo SBS, các dự đoán về CPI của tháng 10 có thể tăng 0.5%, cũng như những tín hiệu có thể tác động đến việc hạ lãi suất từ thị trường trái phiếu là những yếu tố giúp thị trường giao dịch cải thiện. Tuy nhiên, thị trường trong ngắn hạn hầu như thờ ơ với các yếu tố này. Trong quý 4, thị trường đang đứng trước các mục tiêu phải đạt được ở cuối quý và có thể chính phủ sẽ tiếp tục các biện pháp mạnh tay nhằm giải quyết bài toán vĩ mô hiện tại.

Về trung và dài hạn, SBS cho rằng thị trường sẽ tiếp tục đi ngang trong xu hướng giảm điểm do yếu tố hạn chế của dòng tiền ở thời điểm từ đây đến cuối năm. Tuy nhiên với mức PE của thị trường Việt Nam khá thấp, việc mua bán có thể duy trì với mức lợi nhuận 20%.

* CTCP Rồng Việt (VDSC) cho biết, hiện tại tâm điểm được nhà đầu tư quan tâm (Thông  tư số 13) đã sáng tỏ, yếu tố hỗ trợ (các quỹ đầu tư tích cực mua vào nhằm giữ giá cho bluechips trong gần hết tháng 9) cũng đã không còn, trạng thái giằng co nhẹ về điểm số cùng với sự trầm lắng trong giao dịch vì vậy đã chấp dứt. Thị trường đang thể hiện xu hướng xấu dần đi bởi sự thiếu vắng hoàn toàn các thông tin hỗ trợ.

Thông  tư 19 ra đời đã phần nào tạo điều kiện cho tình hình tín dụng cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn cần thêm một khoảng thời gian nữa để có thể giảm được lãi suất đồng bộ trong hệ thống ngan hàng. Ngoài ra, việc vàng và USD liên tục tăng giá trong những ngày vừa qua cũng phần nào tác động đến tâm lý nhà đầu tư và gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán.

Theo VDS, hiện tại vẫn chưa có thông tin tích cực nào hỗ trợ cho sự tăng điểm trở lại của thị trường. Và đà giảm vì vậy khó có thể chấm dứt trong phiên 05/10. Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến trong những phiên sắp tới và có thể giải ngân một phần khi VN-Index dao động trong vùng giá 420 – 440 điểm.

* CTCK FPT (FPTS) dựa trên phân tích kỹ thuật cho biết thị trường trong phiên 04/10 vận động khá tiêu cực do sự tác động của mô hình “cờ đuôi nheo”. Việc đường giá thoát khỏi đuôi của “ lá cờ” nhưng không được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực buộc VN-Index phải điều chỉnh và tạm thời hình thành một kênh xu hướng giảm giá ngắn hạn.

Theo FPTS, các công cụ chỉ báo như RSI, MACD, Parabolic SAR cũng cho các tín hiệu về sự đảo chiều đang diễn ra. Kết hợp tác động của mô hình “cờ đuôi nheo”, và các chỉ báo kỹ thuật cho thấy VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm trong phiên giao dịch tới (05/10) và vận động trong khoảng điểm từ 435-455 điểm được thiết lập bởi Fibonancci 23.6% (ngắn hạn) và Fibonancci 50.0% (dài hạn) đồng thời trùng với đáy 435 điểm thiết lập vào tháng 12/2009.

Ngoài ra, SBS cũng cho biết, trong quá trình giảm điểm, VN-Index sẽ có khả năng phản ứng mạnh tại ngưỡng hỗ trợ 440 điểm (Fibonancci 38.2%) do đó nhà đầu tư nên quan sát các tín hiệu hỗ trợ tại ngưỡng kháng cự này để có quyết định đầu tư chính xác.

* CTCK Âu Việt (AVS) cho biết, so sánh tương quan cung-cầu trên HOSE trong phiên 04/10 cho thấy rõ lực cung đang chiếm ưu thế trên tất cả các mức giá. Tổng lực cung trên toàn thị trường là 65.8 triệu đơn vị, cao hơn 16% so với lực cầu. Điểm đáng lưu ý là lực cung xuất hiện mạnh vào 30 phút cuối giao dịch, cho thấy tâm lý sẵn sàng cắt lỗ khi VN-Index xuyên thủng ngưỡng 450 điểm của một bộ phận nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư tiếp tục lo ngại các vấn đề như nợ công của Việt Nam có khả năng vượt ngưỡng an toàn, CPI khó kiểm soát vào các tháng cuối năm. AVS cũng cho biết, việc lực cung tiếp tục tăng mạnh của khối ngân hàng là để hoàn thành mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 3,000 tỷ đồng; lực cung phát hành thêm từ các tổ chức lớn như BVH, VCB; lực cung từ việc niêm yết các cổ phiếu mới, trong đó đáng chú ý là PV Gas.

Về yếu tố kỹ thuật, AVS cho biết, với việc giảm điểm mạnh sáng 04/10, các chỉ báo đã tái khẳng định xu hướng trung hạn là xu hướng giảm, và xu hướng ngắn hạn hiện đang giảm điểm.

Cuối cùng, AVS cho rằng, thị trường đang bước vào vùng rủi ro cao, nhà đầu tư nên nâng cao tỷ lệ tiền mặt, sẵn sàng cắt lỗ khi VN-Index giảm xuống dưới ngưỡng 442 điểm.

* CTCK Bảo Việt (BVS) nhận định “Xét trong bối cảnh hiện tại, thật khó để lý giải cho phiên mua ròng mạnh của khối ngoại sáng 04/10. Khối ngoại mua ròng với giá trị lên tới hơn 150 tỷ đồng. Việc mua ròng được trải rộng ra hầu hết các mã bluechips như HAG, DPM, FPT, HPG…”

Theo BVS, có nhiều khả năng dòng tiền này bắt nguồn từ một quỹ nước ngoài mới giải ngân hơn là việc khối ngoại mua tích lũy cổ phiếu.

Ngoài ra, BVS cũng cho biết việc thị trường sụt giảm sau thời điểm chốt NAV (30/09) là điều đã được dự báo từ trước. Khi mà tâm lý nhà đầu tư còn bất an và thị trường thiếu hụt thông tin hỗ trợ thì vẫn còn lý do để dòng tiền tiếp tục đứng ngoài quan sát.

BVS đánh giá các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát, thâm hụt thương mại, tỷ giá… sẽ ngày càng có diễn biến không thuận lợi trong các tháng cuối năm. Việc tín dụng tăng trưởng đột biến trong tháng 9 vừa qua (ước tính lên đến 5%) nhiều khả năng xuất phát từ việc tăng trưởng tín dụng mạnh bằng ngoại tệ. Điều này sẽ mang đến rủi ro rất lớn đối với vấn đề tỷ giá vào thời điểm cuối năm khi các hợp đồng tín dụng này đáo hạn.

Viết Vinh (Tổng hợp)

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index giảm 4 phiên liên tiếp (04/10/2010)

>   Hiện tượng bất thường mang tên MKV (04/10/2010)

>   PXT bàn giao Kho LPG 1.500T và Kho LPG 2.000T (04/10/2010)

>   OTC: Giao dịch rời rạc (04/10/2010)

>   Những cổ phiếu bất thường trên sàn Hà Nội (04/10/2010)

>   Tâm lý bất an (04/10/2010)

>   Tháng 9, tân binh vẫn “loanh quanh” giá tham chiếu (04/10/2010)

>   Thị trường tuần 04-08/10 và góc nhìn từ CTCK (03/10/2010)

>   Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 330 tỷ đồng (03/10/2010)

>   Dự báo chứng khoán: “Hãy hỏi nhà đầu tư cá nhân!” (03/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật