VN-Index đã thiên thời, địa lợi, nhân hòa?
Kết thúc phiên trước nghỉ lễ 2/9, VN-Index đã tăng lại lên mức 558,75 điểm. Dù trong lòng đã khá sốt ruột, nhưng phần lớn nhà đầu tư (NĐT) vẫn băn khoăn, chưa tin tưởng vào đợt phục hồi này của VN-Index. Bởi dự báo gần thì tin tức có vẻ tốt, nhưng tương lai xa thì nhiều vấn đề vẫn còn không ít lo ngại.
Mừng gần
Trong tháng Tám, tin tức tiêu cực dồn dập xuất hiện, như biến động tỷ giá, CPI tăng nhẹ, trong khi û một số mặt hàng trọng yếu có khả năng tăng giá trong những tháng cuối năm...
Tuy nhiên, trong phiên họp thường kỳ báo cáo Chính phủ, báo cáo của các bộ, ngành lại công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô rất tích cực: xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 44,5 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ, gấp hơn 3 lần so với kế hoạch; nhập siêu đã giảm xuống còn 0,9 tỷ USD, tín hiệu phấn khởi là chỉ bằng 15% kim ngạch xuất khẩu; sản xuất công nghiệp tăng 13,7% so với cùng kỳ...
Căn cứ vào hoạt động của các ngành kinh tế chủ chốt, các thành viên chính phủ dự báo tăng trưởng GDP quý III đạt khoảng 7,18% và cả năm 2010 tăng khoảng 6,7%, vượt chỉ tiêu trên 6,5% đã được Quốc hội thông qua.
Với dự báo khá tích cực ở trên, cộng với diễn biến giao dịch trong 4 phiên trước nghỉ lễ phản ánh, các NĐT đã bớt bi quan về tương lai của VN-Index. Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, NĐT sàn chứng khoán An Bình, VN-Index đã gặp may khi các tin tức tốt xuất hiện kịp thời.
Nếu chỉ mình VN-Index phục hồi mà không có tin tốt hỗ trợ, sự phục hồi sẽ sớm thoái trào bởi các NĐT sẽ ào ra cắt lỗ vì đang rất bi quan khi thấy tin tức kinh tế vĩ mô khá xấu. Về sức cầu, nếu không có tin tốt hỗ trợ cũng sẽ không xuất hiện mạnh như 4 phiên cuối tháng Tám. “VN-Index đang trong giai đoạn “thiên thời” - tin tức tốt xuất hiện; “địa lợi” - giá cổ phiếu đang ở mức hợp lý; “nhân hòa” - tâm lý các NĐT đang lạc quan trở lại”, ông Hưng ví von.
Chưa hết, “vận may” của VN-Index còn được hỗ trợ từ các tin tức kinh tế thế giới. Trước hiện tượng đồng yên tăng giá, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp, Thủ tướng Nhật đã công bố với lãnh đạo các doanh nghiệp ngày 26/8, ông đang trong quá trình bàn thảo với quan chức Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương về khả năng can thiệp vào đồng yên.
Cùng thời gian trên, trước dấu hiệu thị trường nhà đất Mỹ đang suy yếu, đe dọa tỷ lệ thất nghiệp tăng..., Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cam kết sẽ làm tất cả những điều có thể để giúp kinh tế tăng trưởng.
Ngoài ra, thị trường còn dự báo khả năng ngân hàng trung ương các nước sẽ nhóm họp để bàn tới việc duy trì các gói kích cầu để đảm bảo đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Và không phải ngẫu nhiên, trước các phát biểu của lãnh đạo các nền kinh tế lớn, thị trường chứng khoán toàn cầu đã đồng loạt tăng điểm trở lại. Đương nhiên, VN-Index được hậu thuẫn tốt từ các hiện tượng này.
Lo xa...
Trước diễn biến bất ngờ (đảo chiều tăng mạnh) của VN-Index và tin tích cực xuất hiện, ông Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng Đầu tư, Công ty CP Chứng khoán APEC vẫn thận trọng và cho rằng, kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn chưa hết thách thức. Nếu nhìn tổng thể thì các chỉ số kinh tế trong 8 tháng qua là tăng, nhưng riêng trong 2 tháng lại đây thì nhiều chỉ số đang bị giảm so với các tháng trước. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại cảnh báo, đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm.
Về kinh tế Mỹ, hiện tại vẫn có tới gần 2/3 số người dân Mỹ tin rằng nền kinh tế vẫn chưa chạm đáy thật. Ngày càng có nhiều nhà kinh tế tin vào khả năng xảy ra suy thoái kép của Mỹ, do tình trạng thất nghiệp cao kéo dài và sự bấp bênh của thị trường nhà ở khi doanh số bán nhà đã qua sử dụng tháng 7/2010 tại Mỹ giảm 27,2%, mức thấp nhất trong 15 năm qua...
Đây là kết quả cuộc khảo sát do Wall Street Journal công bố vào trung tuần tháng Tám. Kinh tế gia đạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman cho rằng, kinh tế Mỹ cần thêm một gói kích cầu với quy mô lớn tương đương gói mà Tổng thống Obama đã đưa ra Quốc hội Mỹ vào tháng 2/2009.
Còn tại châu Âu, dù kinh tế 16 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng 1% trong quý II/2010, vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy đà phục hồi đang suy yếu. Ông Joseph Stiglitz, kinh tế gia đạt giải Nobel, cho rằng kinh tế châu Âu có thể phải đương đầu với khả năng suy thoái lần thứ hai, bởi chính phủ các nước mạnh tay cắt giảm chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách.
Về kinh tế Việt Nam, TS. Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định, cho dù các chỉ số về tăng trưởng, phục hồi càng ngày càng cải thiện, song tính bất định, rủi ro của kinh tế thế giới vẫn còn cao. Những vấn đề của hệ thống tài chính vẫn còn, chẳng hạn như nợ công, lạm phát... vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá mức độ rủi ro cao như năm ngoái.
Thách thức đối với kinh tế Việt Nam là những rủi ro vẫn đang khá cao, biểu hiện bằng việc lạm phát có thể ở mức 8 - 8,5%. Bên cạnh đó, cán cân thanh toán lại đang có vấn đề, căng thẳng trên thị trường ngoại hối là có thật.
Đồng quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng, các khó khăn cơ bản là: Thứ nhất, kinh tế thế giới có nguy cơ lâm vào suy thoái kép do dấu hiệu giảm phát đang lan rộng tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật và khu vực đồng euro.
Thứ hai, thất nghiệp vẫn chưa được cải thiện ở hầu hết các quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 6/2010 vẫn duy trì ở mức cao: 9,5%, ở châu Âu là 10%, trong khi Cục Thống kê Nhật Bản cho biết, thất nghiệp ở nước này tiếp tục tăng từ 5,2% trong tháng Năm lên 5,3% vào tháng 6/2010 - mức cao nhất trong 7 tháng qua.
Thứ ba, thâm hụt và nợ công vẫn đang ở mức báo động tại nhiều quốc gia. Thứ tư, rủi ro từ phát triển quá nóng của Trung Quốc..., tất cả các yếu tố trên đang tác động bất lợi đến phục hồi kinh tế toàn cầu.
“Dù các NĐT có lạc quan ra sao với VN-Index do những tin tức tích cực mới xuất hiện, thì cũng cần xác định động lực chính của mỗi xu hướng thị trường là triển vọng kinh tế vĩ mô. Một khi các yếu tố tác động (ngắn và dài hạn) chưa đồng nhất, thì chưa thể lạc quan VN-Index đã tạo đáy và bước vào xu hướng tăng bền vững”, ông Tuấn nói.
Vũ Anh
DOANH NHẬN SÀI GÒN
|