Thứ Tư, 15/09/2010 22:34

Thị trường nhìn từ các yếu tố vĩ mô

Trong ngắn hạn, VN-Index chịu áp lực về những ngưỡng kháng cự kỹ thuật mạnh (470 - 480 điểm) cùng lượng cổ phiếu lớn bị kẹt lại ở mức trên 480 điểm.

Từ bức tranh kinh tế vĩ mô…

Trong năm nay, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt 6,7%, vượt so với kế hoạch 6,5%; lạm phát hướng tới mục tiêu 7%. Bội chi ngân sách dưới 6% GDP chủ yếu nhờ tăng thu ngân sách (8 tháng qua đạt 68% dự toán). Trên thị trường tín dụng, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đạt 16,27%; huy động vốn vẫn tăng cao hơn cho vay ra.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra một kịch bản sáng sủa cho tăng trưởng kinh tế năm 2011. Theo đó, GDP tăng trưởng đạt 7 - 7,5%; bội chi ngân sách khoảng 5,5% GDP; xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2010...

Kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm tới nhìn chung không có nhiều thay đổi so với năm 2010 (tăng trưởng vừa phải, lạm phát kiềm chế quanh mức 7%), cho thấy việc Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu vào ổn định vĩ mô.

Nhìn về cơ cấu tăng trưởng, có thể thấy kỳ vọng vào sự tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp, trong khi lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng tương đương năm 2010.

Bài toán nhập siêu dự tính sẽ vẫn chưa được giải quyết, trong khi đó theo dự đoán, cả tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu sẽ chậm lại. Do đó, động lực tăng trưởng sẽ tiếp tục là khu vực kinh tế trong nước, nhưng có hướng tới khu vực dịch vụ hơn là công nghiệp - xây dựng…

…nhìn sang TTCK

Trong thời gian qua, dù thị trường trồi sụt mạnh nhưng NĐT nước ngoài vẫn bền bỉ mạch mua ròng. Việc UBCK tiếp tục cấp thêm một lượng không nhỏ mã giao dịch cho NĐT nước ngoài, đặc biệt là NĐT tổ chức, cho thấy khối ngoại vẫn dành sự quan tâm lớn tới TTCK Việt Nam.

Tính từ đầu năm tới nay, lượng mua ròng của các NĐT ngoại mạnh hơn 3 lần so với năm 2009, cho thấy dòng tiền đầu tư vào thị trường mới nổi (khi việc kinh doanh tại các thị trường phát triển là khó khăn) cũng đã tìm tới Việt Nam nhiều hơn.

Tuy nhiên, các báo cáo khá bi quan gần đây của Fitch (hạ tín nhiệm quốc gia, hạ tín nhiệm VCB và ACB), của Forbes (hạ bậc cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam), cho thấy mối quan tâm tới Việt Nam chưa thực sự đủ mạnh để tạo nên một làn sóng mua vào của khối ngoại như thời kỳ 2007.

Về mặt điểm số, VN-Index tiếp tục giao dịch trong biên độ hẹp từ 440 - 470 điểm và những vấn đề có sức ảnh hưởng tới thị trường cũng không mới: Thông tư 13/2010/TT-NHNN sẽ ít có thay đổi tạo nên những lo lắng lãi suất sẽ không hạ nhiệt, vấn đề phát hành thêm cổ phiếu và khối lượng tiền khổng lồ sẽ bị hút ra khỏi thị trường trong những tháng cuối năm sau những đợt phát hành tăng vốn của khối ngân hàng, IPO hay các tập đoàn cơ cấu các khoản đầu tư tại công ty con. Và đây là vấn đề chưa được cải thiện. Thị trường mới chỉ tạm ổn định thì chúng ta lại được chứng kiến một loạt cổ phiếu lên sàn (VOS, Navibank, PVV..). Cùng với việc các ngân hàng nhỏ đi vào giai đoạn quyết định tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, chúng ta sẽ còn tiếp tục phải chứng kiến lực hút tiền ra khỏi thị trường trong thời gian tới.

Về mặt tích cực thì việc thu hút vốn nước ngoài trong năm 2010 đã thuận lợi hơn do dòng vốn ngoại cũng phải tìm tăng trưởng tại các thị trường mới nổi, khi lợi nhuận ở các thị trường phát triển ngày càng khó khăn hơn. Ngoài ra, các khó khăn của ngành ngân hàng do ảnh hưởng của Thông tư 13 và việc tăng vốn, của ngành bất động sản với sự ảnh hưởng của Thông tư 13, Nghị định 69 và Nghị định 71… đã được hầu hết NĐT nắm bắt, nên tác động tiêu cực có lẽ đã được hấp thụ hết và phản ánh ở mức P/E hấp dẫn hiện tại (11 lần trên HOSE và khoảng 8,5 lần trên HNX). Và cuối cùng, nếu chứng khoán thế giới tiếp tục vượt qua những ngưỡng kháng cự mạnh (10.500 - 10.700 điểm đối với DJ và 1.120 - 1.130 với S&P 500) thì TTCK Việt Nam cũng sẽ khởi sắc hơn.

Kết luận

Trong ngắn hạn, VN-Index chịu áp lực về những ngưỡng kháng cự kỹ thuật mạnh (470 - 480 điểm) cùng lượng cổ phiếu lớn bị kẹt lại ở mức trên 480 điểm, cũng như việc giới kỹ thuật nhận định thị trường đang ở sóng Elliot điều chỉnh V. Ngược lại, thị trường nhận được các tín hiệu nâng đỡ tích cực và rõ ràng từ khối ngoại ở các blue-chip chủ yếu. Với việc nhiều cổ phiếu trong số này đang giao dịch ở mức P/E hấp dẫn, việc đầu tư vào blue-chip, đặc biệt trong những phiên thị trường giảm điểm mạnh, có thể cân bằng lợi nhuận - rủi ro cho NĐT ngắn hạn. Bạn vẫn có thể thu lợi từ việc thị trường hồi phục, trong khi nếu thị trường tiếp tục giảm điểm thì những lực đỡ từ NĐT tổ chức cũng sẽ khiến các cổ phiếu này giảm nhẹ hơn.

Với định hướng tập trung hơn vào việc quản lý rủi ro, chúng tôi ưa thích một tỷ trọng đầu tư cao vào các ngành dịch vụ tiêu dùng và có tính chất phòng thủ như công nghệ, y tế, hàng tiêu dùng và với những NĐT dài hơi là ngân hàng (sau khi đã chốt danh sách tăng vốn). Nếu những quy định pháp luật nắn dòng vốn nóng vào thị trường bất động sản và chứng khoán được nới lỏng, NĐT nên chú trọng hơn vào các mã có beta cao trong ngành bất động sản và xây dựng, vật liệu xây dựng và chứng khoán.

 CTCP Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF)

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 16/09 và góc nhìn từ CTCK (15/09/2010)

>   UPCoM-Index tăng sát 48 điểm (15/09/2010)

>   Cuộc chơi của các “đội lái” (15/09/2010)

>   Thị trường chứng khoán “ngóng” ngân hàng (15/09/2010)

>   Giao dịch trên thị trường OTC tiếp tục trầm lắng (15/09/2010)

>   Ngã ngũ vụ đánh cược với Thông tư 13?  (15/09/2010)

>   Chứng khoán “thấp thỏm” đợi Thông tư 13 (15/09/2010)

>   Thị trường ngày 15/09 và góc nhìn từ CTCK (15/09/2010)

>   HSBC: “Cổ phiếu Việt Nam cần rẻ hơn mới đủ sức hấp dẫn” (14/09/2010)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ lên mức 47,46 điểm (14/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật