Thị trường ngày 16/09 và góc nhìn từ CTCK
(Vietstock) - “Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục vận động dựa vào yếu tố tâm lý và hiện tượng thanh khoản có dấu hiệu 'đuối' dần qua các phiên cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại. Nó thể hiện tâm lý dè dặt của nhà đầu tư và những lo ngại về khả năng thị trường sụt giảm trở lại”.
* CTCK Sài Gòn Thương tín (SBS) cho rằng về trung và dài hạn thị trường vẫn thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ trong đó ngoài việc thông tư 13 không thay đổi gây tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư, chỉ số CPI tháng 9 được dự báo khá cao (tăng 0.8-1%) đã làm cho dòng tiền đầu cơ thực sự do dự. Bên cạnh đó, việc giá vàng tăng mạnh phản ánh phần nào các lo ngại về nền kinh tế thế giới đang thực sự gặp khó khăn trên đà phục hồi.
Theo SBS, những điều này đã làm tắt dần những hy vọng giúp thị trường tiếp tục xu hướng tăng và đã hạn chế dòng tiền mới gia nhập thị trường.
Do vậy, SBS vẫn giữ nguyên quan điểm thị trường sẽ tiếp tục đi ngang trong xu hướng giảm điểm do yếu tố hạn chế của dòng tiền ở thời điểm từ đây đến cuối năm. Tuy nhiên với mức PE của thị trường Việt Nam khá thấp, việc mua bán có thể duy trì với mức lợi nhuận 20%.
* CTCK Rồng Việt (VDS) nhận định phiên giao dịch 15/09, Sự trái chiều về thanh khoản trên cả hai sàn càng thể hiện rõ hơn xu hướng đầu tư thận trọng. Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ và quyết định liên quan đến Thông tư 13 vẫn còn là một ẩn số thì đầu tư vào nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt sẽ gặp ít rủi ro hơn là đầu tư vào nhóm cổ phiếu đầu cơ. Vì vậy mà dòng tiền đang dần rút khỏi sàn HNX và bắt đầu chọn lọc các cổ phiếu trên HOSE để giải ngân.
VDS cũng cho biết, với mong muốn phải có một báo cáo tài chính đẹp khi quý III đang dần kết thúc có thể đã khiến các tổ chức nước ngoài liên tục giải ngân vào nhóm blue-chips kể từ cuối tháng 8 đến nay. Nhóm cổ phiếu này vì vậy giảm giá không đáng kể và VN-Index chỉ biến động trong biên độ hẹp 445 – 460 trong hai tuần vừa qua. Do đó, thị trường vẫn sẽ tiếp diễn trầm lắng và biến động trong biên độ hẹp cho đến khi vấn đề mà nhà đầu tư đang chờ đợi có câu trả lời rõ ràng.
Trên cơ sở đó, VDS cho rằng rủi ro gặp phải sẽ rất lớn nếu dùng đòn bẩy ở thời điểm hiện tại. Vì vậy, nhà đầu tư chỉ nên giải ngân từng phần một cách thận trọng với chiến lược dài hạn bằng nguồn vốn nhàn rỗi của mình.
* CTCK VNDirect (VND) nhận định rủi ro giảm giá cao đã làm dòng tiền xa rời sàn HNX nơi có biên độ giao động giá cao hơn và cũng ít các mã Blue-chips hơn. VN-Index không giảm giá mạnh nhờ vào các tác động của các tổ chức và nhà đầu tư lớn vào một số mã cổ phiếu. Tuy nhiên, kể cả khi có sự nâng đỡ, dòng tiền tự nhiên vẫn không vào thị trường nhiều thể hiện qua thanh khoản thấp, VN-Index đang ở trạng thái tìm điểm cân bằng mặc dù rủi ro vẫn nhiều hơn tích cực.
Theo CTCK này, dòng tiền chưa có dấu hiệu mạnh lên trong bối cảnh các ngân hàng đang phải chạy nước rút để thực hiện các yêu cầu theo Thông tư 13. Việc thông tư này sẽ sửa đổi như thế nào vẫn còn là câu hỏi nhưng lãi suất qua đêm giảm nhẹ về mức 6,91% và giao dịch chững lại trên thị trường mở OMO đang cho thấy các cải thiện thanh khoản ngắn hạn của các ngân hàng thương mại.
Do vậy, VND cho rằng thị trường vẫn thiếu hai yếu tố chính để tăng điểm bền vững là dòng tiền và tâm lý tự tin của nhà đầu tư. Vùng giá 450 đang chứng tỏ là vùng cân bằng cung cầu của thị trường trong ngắn hạn.
Trên cơ sở này, VND khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ một tỷ lệ cổ phiếu thấp trong tài khoản để giảm thiểu rủi ro và chờ đợi cơ hội. Chỉ số Index vẫn cần có những xúc tác mang tính vĩ mô hoặc sự thay đổi tích cực của dòng tiền để tăng điểm. Thiếu những yếu tố này, thị trường nhiều khả năng đi ngang hoặc bào mòn giảm điểm.
* Đứng trên quan điểm kỹ thuật, CTCK FPT (FPTS) phân tích “Dải Bollinger bắt đầu có dấu hiệu co hẹp dự báo cho một xu thế đi ngang của thị trường. Vận động của các đường MA, MFI, RSI cũng đang ủng hộ cho xu thế này. Đường giá đã có dấu hiệu tăng trở lại khi chạm rơi xuống ngưỡng 445 tương ứng với FR50%, tuy nhiên lực cầu yếu vẫn là yếu tố chính khiến thị trường không thế phục hồi mạnh. Do đó, nếu không có những thông tin đủ mạnh tác động nhiều khả năng xu thế đi ngang sẽ tiếp tục diễn ra trong những phiên tiếp theo”.
FPTS cũng cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục vận động dựa vào yếu tố tâm lý và hiện tượng thanh khoản có dấu hiệu 'đuối' dần qua các phiên cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại. Nó thể hiện tâm lý dè dặt của nhà đầu tư và những lo ngại về khả năng thị trường sụt giảm trở lại.
CTCK này đưa ra lời khuyên nhà đầu tư nên thận trọng trong những phiên giao dịch trước mắt. Nếu không còn lực đỡ nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn có thể chúng ta sẽ phải chứng kiến những phiên giảm sâu của các chỉ số.
Viết Vinh (tổng hợp)
|