Tài chính “xô ngã” chứng khoán?
Bất chấp các tín hiệu kinh tế tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tỏ ra thiếu động lực và “trở mình” một cách lạ lùng nhất trong vài năm trở lại đây. Thị trường liên tục tạo bất ngờ cho các nhà đầu tư khi không ngừng đi ngang trong tháng Bảy, giảm mạnh trong tháng Tám, rồi le lói vài phiên tăng điểm vào những ngày đầu tháng Chín...
“Tắc” vốn
Có vô vàn lý do để đổ lỗi khi thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục giảm điểm trong thời gian vừa qua nhưng thông thường, các chuyên gia quy về ba nguyên nhân chính để giải thích sự biến động của thị trường: sự liên hệ chặt chẽ với thị trường tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ; yếu tố cung cầu chứng khoán và cổ phiếu; yếu tố tâm lý của các nhà đầu tư và thị trường.
Trong đó, nguyên nhân lớn nhất của đợt sụt giảm trên TTCK lần này có thể nói đó là thị trường tiền tệ luôn ở tình trạng nóng; lãi suất của hệ thống ngân hàng (NH) cứ nhăm nhe tăng cao; NH Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt. Thực tế hiện nay, một số NH đã hạn chế cho vay, tập trung thu nợ.
Một số NH chỉ cho khách hàng truyền thống, cho dự án tốt vay vốn, còn không cho vay đối với khách hàng mới. Một nguồn vốn khác đầu tư vào TTCK cũng bị chặn lại, đó là nghiệp vụ Repo và cho vay cầm cố cổ phiếu, cầm cố chứng khoán... của các công ty chứng khoán đối với khách hàng...
Thực vậy, trong hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu" do Báo Đầu tư tổ chức tại TP.HCM vừa qua, TS. Phạm Đỗ Chí cũng khẳng định, tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam dần được cải thiện, nhưng thị trường tài chính đang bộc lộ một số bất ổn trong ngắn hạn.
Cụ thể là tình trạng cổ phiếu bị "pha loãng", cơ quan quản lý chậm trễ ban hành các cơ chế giao dịch mới mà nhà đầu tư kỳ vọng, vấn đề kỹ thuật nội bộ của hệ thống NH như việc tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay, các quy định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN...
Một loạt nhân tố trên khiến dòng tiền trong nước chảy vào chứng khoán chững lại. Bên cạnh đó, ông Chí đánh giá, dòng vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn, bởi một số lý do: khủng hoảng tài chính thế giới khiến nguồn tiền cạn kiệt, nhất là từ các quỹ đầu cơ (hedge fund); rủi ro tỷ giá khiến giới đầu tư quan tâm đến TTCK các nước mới nổi, trong đó có Việt Nam, lo ngại; sự tin tưởng vào các quỹ đầu tư trên TTCK nội địa giảm bớt, do trong năm 2009 và nửa đầu năm nay, các quỹ có thành tích kém xa so với VN-Index...
Ông Chí nhìn nhận một cách thận trọng về sự trồi sụt thất thường của các chỉ số chứng khoán chính gần đây, khi các số liệu thống kê về tình hình kinh tế thế giới phát đi các thông điệp tốt, xấu đan xen.
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhận xét, trước đây, doanh nghiệp Việt Nam thường sử dụng vốn sản xuất, kinh doanh vay từ NH là chủ yếu. Thời gian qua, do NH Nhà nước áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí vốn tăng cao, nên nhiều doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK.
Bởi vậy, trên thị trường xuất hiện làn sóng niêm yết mới, cộng với lượng cổ phiếu phát hành thêm đã gây áp lực cung vượt cầu. Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh, chọn kênh huy động vốn nào là quyền tự chủ của doanh nghiệp và phụ thuộc đặc thù, tính chất của nền kinh tế mỗi thời kỳ.
Đồng nhất hai thị trường
Có lẽ những nguyên nhân trên khiến hầu hết các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều hy vọng và chờ đợi các nhà ban hành chính sách tập trung vào “chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề này trong phạm vi quốc gia”. Bởi nói như ông Nguyễn Công Ái, Giám đốc Điều hành Công ty Kiểm toán KPMG, thì không chỉ các nhà đầu tư trong nước cần một chính sách tiền tệ ổn định để thúc đẩy TTCK, mà ngay cả các công ty nước ngoài cũng đang chờ đợi điều này từng ngày.
Ông Ái biện giải rằng, các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều dự định tăng vốn đầu tư, đa đạng hóa sản phẩm tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới. Không có công ty nào dự định thu hẹp quy mô hay di chuyển đi nước khác, cho thấy họ đang đánh giá tiềm năng của Việt Nam rất tốt.
Thậm chí, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá Việt Nam là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á trong vòng 5 - 10 năm tới với các ngành: máy móc, thiết bị điện - điện tử, sản phẩm kim khí, linh kiện phụ tùng điện - điện tử...
Song đến nay, họ đã không còn hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam như trước kia. Như vậy, nếu Chính phủ không có hành động cấp bách với ngành tài chính, thì sẽ làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Hậu quả là nguồn vốn chảy vào TTCK đã eo hẹp nay lại càng èo uột hơn.
Tương tự, ông Chí cho rằng, mục tiêu và chính sách quản lý nên có sự nhất quán, đặc biệt là giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, chính sách thay đổi liên tục giữa các thái cực sẽ khiến doanh nghiệp bị động và TTCK không ổn định. Thời gian tới, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô sẽ ảnh hưởng lớn đến xu hướng TTCK.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, khẳng định, nhân tố tỷ giá sẽ không tác động tiêu cực tới thị trường vốn khi Việt Nam đã có các biện pháp quản lý phòng vệ: tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài bị giới hạn, có công cụ kiểm soát dòng vốn vào và ra... Tuy nhiên, về các vấn đề ngắn hạn tác động đến TTCK, NH Nhà nước nên điều chỉnh lại, hoặc thậm chí bãi bỏ điều 18, Thông tư 13.
Quỳnh Chi
DOANH NHÂN SÀI GÒN
|