Thứ Sáu, 17/09/2010 08:35

Giấc mơ của broker OTC

“Nhìn lại năm 2010 đến thời điểm này, bù trừ lúc lỗ, lúc lãi thì những ai đầu tư OTC cũng được chút ít. Trên sàn, chỉ những NĐT đánh theo đội lái có lãi phần nào, với điều kiện vào ra đúng nhịp”, L - một môi giới OTC có tiếng tại đầu Hà Nội đúc kết.

Diễn biến cùng chiều với thị trường niêm yết, thị trường OTC chỉ sôi động từ đầu năm đến cuối tháng 6, đầu tháng 7. Hai tháng trở lại đây, thị trường này đóng băng, có những cổ phiếu mất đến 40 - 50% giá trị. Cũng như NĐT, hoạt động của các môi giới biến động theo thị trường và đây đang là giai đoạn “ngồi chơi, xơi nước” của họ.

Trong quán café tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội), L kể lại quãng thời gian “hoàng kim” của nghiệp làm môi giới OTC.

Hồi tháng 5, tháng 6/2010, suốt từ sáng đến 11 giờ đêm, điện thoại réo liên tục, nóng như “cá chép om dưa”. Mỗi ngày giao dịch đến vài chục lô (mỗi lô 10.000 cổ phiếu). Chỉ tính riêng phí giao dịch và các dịch vụ đi kèm, những môi giới giỏi kiếm cả trăm triệu đồng mỗi ngày. Đó là chưa kể một số môi giới đẩy giá kiếm chênh lệch giữa người bán và người mua, thu nhập sẽ cao hơn. “Người mệt nhoài, nhưng ai cũng hào hứng vì kiếm được tiền và được nhiều người săn đón. Biết là chỉ có thời điểm nên môi giới nào cũng cố sức giao dịch”, L nói.

Nhưng hai tháng trở lại đây, tình thế thay đổi đến chóng mặt. Thị trường niêm yết liên tục “đổ đèo”, VN-Index rời xa mốc 500 điểm, tác động ngay đến thị trường OTC.

Trên thị trường OTC, do kém minh bạch thông tin, giá nhiều cổ phiếu chưa phản ánh hết giá trị, nên NĐT tìm mua với kỳ vọng sau khi lên sàn sẽ bán ra ngay để thu lợi. Khi thị trường niêm yết sụt giảm, phần lớn cổ phiếu chào sàn đều rớt giá khiến NĐT cẩn trọng khi đầu tư cổ phiếu OTC. Rất nhiều cổ phiếu mất giá đến 40%, mất thanh khoản nghiêm trọng.

Hiện nay, các môi giới OTC đang chơi dài, cả tuần có khi chỉ giao dịch được một lô, thu nhập vài triệu đồng/tháng. Để thuận tiện cho môi giới cổ phiếu OTC, L lập ra một trang web cập nhật giá cổ phiếu hàng ngày. Trước đây, khi thị trường sôi động, mỗi ngày trang web này đều có bảng giá mới. Vào thời điểm này, sau 10 ngày vẫn không thay đổi bảng giá, vì thị trường không có giao dịch.

Vào nghề được vài năm, hiểu rõ những biến động thất thường của nghiệp làm môi giới cổ phiếu OTC, N.P.H chọn một cách đi riêng. Khi thị trường sôi động, H tham gia môi giới mạnh cổ phiếu OTC bằng cách liên kết với các CTCK có hoạt động repo, đồng thời chủ động tìm nguồn hàng từ các tổ chức phát hành. Bên cạnh đó, H còn làm môi giới tự do cho một số CTCK. Khi thị trường OTC đóng băng, anh chuyển sang môi giới cổ phiếu niêm yết.

Ngoài ra, với quan hệ và hiểu biết thêm trong lĩnh vực bất động sản, khi TTCK khó khăn, anh hướng NĐT của mình bỏ tiền vào bất động sản. “Làm môi giới miễn sao sinh lời cho khách hàng là được, chứ không nhất thiết là môi giới lĩnh vực gì. Khi khách hàng có lợi thì đương nhiên mình cũng không bị thiệt”, H nói.

Là người một tay tạo nên chợ cổ phiếu OTC có tiếng tại TP. HCM, năm 2008, Q quyết định ra Hà Nội tham gia giao dịch tại chợ OTC MB tại 16 Liễu Giai. Uy tín của anh cao đến nỗi trong tay chẳng có tiền nhưng vẫn chốt những giao dịch lên đến vài triệu cổ phiếu MB.

Thực tế, giao dịch OTC chủ yếu bằng niềm tin, sau một vài vụ “nổ” tại chợ này, cùng những tai tiếng do những môi giới thiếu uy tín gây nên, khiến cơ quan quản lý “để mắt” đến chợ MB Liễu Giai. Đến cuối năm 2009, chợ này tự động tan rã, mà không cần sự can thiệp của cơ quan chức năng.

Chợ vỡ, các môi giới OTC mỗi người một ngả. Người quay về công việc cũ, kẻ đi tìm việc làm thuê. Q được một CEO công ty chứng khoán mời về phụ trách mảng kinh doanh của công ty. Tại đây, Q luôn trăn trở tìm ra những sản phẩm mới cho NĐT giao dịch. Từng gắn bó với thị trường OTC, anh rất hiểu thị trường cần gì, NĐT cần gì. Hiềm một nỗi, quy định hiện hành lại rất ngặt nghèo với những sản phẩm mới. Những sản phẩm mới phù hợp thực tiễn đáp ứng nhu cầu NĐT cũng không được tồn tại, đơn giản vì chưa được pháp luật quy định. Vì thế, Q vừa nghiên cứu cho ra sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của NĐT, nhưng mặt khác cũng phải tìm cách lách luật để không bị cơ quan quản lý “gõ đầu”. Sản phẩm của công ty anh không cần PR, nhưng được nhiều NĐT lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, việc nó tồn tại lâu hay không vẫn là nỗi phấp phỏng, bởi cơ quan quản lý có thể “tuýt còi” bất cứ lúc nào.

Thị trường OTC rộng lớn với hàng ngàn cổ phiếu một thời thu hút hàng trăm môi giới hoạt động, thanh khoản rất cao. Cùng với sự trồi sụt của thị trường, đặc biệt là động thái quản lý chặt chẽ, gắt gao của cơ quan quản lý, giao dịch OTC ngày càng èo uột. Đến nay, trên cả nước chỉ còn khoảng 6 - 7 đầu mối môi giới lớn, tập trung tại hai đầu Hà Nội và TP. HCM. Thị trường OTC đang ở giai đoạn trầm lắng nhất, nhưng những môi giới chuyên nghiệp vẫn mơ về một thị trường quy chuẩn, được quản lý chặt chẽ, hành lang pháp lý rõ ràng. Theo họ, Nhà nước nên mở  chợ OTC với những quy định thông thoáng để khuyến khích giao dịch, bởi không phải DN nào cũng có thể lên niêm yết và đăng ký giao dịch tại UPCoM. Ở đó, không chỉ khi thị trường lên NĐT mới kiếm được lợi nhuận, mà ngay cả khi thị trường xuống NĐT vẫn tích cực giao dịch và môi giới có việc để làm.

Nguyên Thành

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 17/09 và góc nhìn từ CTCK (16/09/2010)

>   UPCoM-Index tăng phiên thứ 3 liên tiếp (16/09/2010)

>   Cơ hội nào cho chứng khoán? (16/09/2010)

>   Chưa có phản ứng rõ ràng với thay đổi thời gian khớp lệnh (15/09/2010)

>   Thị trường nhìn từ các yếu tố vĩ mô (15/09/2010)

>   Thị trường ngày 16/09 và góc nhìn từ CTCK (15/09/2010)

>   UPCoM-Index tăng sát 48 điểm (15/09/2010)

>   Cuộc chơi của các “đội lái” (15/09/2010)

>   Thị trường chứng khoán “ngóng” ngân hàng (15/09/2010)

>   Giao dịch trên thị trường OTC tiếp tục trầm lắng (15/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật