Nguồn cung cổ phiếu sẽ không nhiều như dự đoán
Nguồn cung cổ phiếu mới và vấn đề pha loãng cổ phiếu đã trở thành nỗi lo lớn nhất trên TTCK trong thời gian qua. Đó là một trong các lý do quan trọng dẫn đến sự đổ vỡ tâm lý mang tính dây chuyền của nhiều thành viên thị trường qua việc hai chỉ số chứng khoán trượt dốc gần đây. Nhưng trên thực tế, nguồn cung cổ phiếu phát hành thêm không lớn như nhiều con số ước tính.
Nhiều kế hoạch gặp khó
Kết thúc phiên giao dịch 27/8, cổ phiếu SMC của CTCP Đầu tư và Thương mại SMC giảm xuống mức 22.600 đồng/CP, thấp hơn cả giá dự kiến tối thiểu 23.000 đồng/CP mà SMC đang có kế hoạch chào bán cho các NĐT riêng lẻ. Đợt phát hành hơn 6 triệu cổ phiếu, SMC dự kiến thu về gần 140 tỷ đồng, dùng để đầu tư cho dự án Nhà máy cơ khí thép SMC (tại Bà Rịa - Vũng Tàu) và dùng 47 tỷ đồng phát triển dự án KCN Hiệp Phước Nhà Bè (TP. HCM).
Vào cuối tháng 7, ĐHCĐ bất thường CTCP MT Gas (MTG) đã thông qua kế hoạch chào bán bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 3:1, sau khi Công ty phát hành cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1. Số tiền thu được, MTG dự kiến sẽ đầu tư cho nhà máy sản xuất vỏ bình gas, một dự án BĐS mà Công ty đang triển khai và bổ sung nguồn vốn lưu động. Tương tự, ĐHCĐ của CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá tối thiểu 12.000 đồng/CP. HLA dự kiến thu về gần 400 tỷ đồng, dành để phát triển dự án Khu phức hợp căn hộ và thương mại Hữu Liên Á Châu (Quận Bình Tân, TP. HCM) và bổ sung vốn lưu động…
Đợt giảm giá vừa qua đã bất ngờ tạo "cơ hội vàng" cho các NĐT không thực sự cần mua khối lượng lớn cổ phiếu SMC có thể "shoping" SMC ngay trên sàn, giá rẻ hơn giá Công ty chào bán riêng lẻ và hàng về ngay sau thời gian T+4. Gần đây, đã có lúc giá MTG rơi xuống 16.000 đồng/CP, HLA đã từng rơi xuống 15.000 đồng/cổ phiếu. Nếu mua tại các mức giá trên, thực hiện "lăn chốt", sau khi điều chỉnh kỹ thuật, giá MTG và HLA còn lần lượt 11.000 đồng/CP và 13.500 đồng/CP, chỉ nhỉnh hơn mức giá dự kiến NĐT phải đóng tiền vài phần trăm.
Sau khi thị trường đi ngang 7 tháng và bất ngờ tụt dốc mạnh trong tháng 8, việc phát hành thêm đang thành "nhiệm vụ bất khả thi" với một số DN. Đơn cử, một CTCK lớn có tham vọng chào bán cho cổ đông hiện hữu cổ phiếu mới, tỷ lệ 10:1 và phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (tối đa). Khi lập kế hoạch, giá cổ phiếu đang là 6x nên mức giá chào bán được xác định là 30.000 đồng/CP và giá chuyển đổi trái phiếu không thấp hơn 45.000 đồng/CP. Nhưng hiện tại, thị giá cổ phiếu bất ngờ tụt dốc chỉ còn 3 chấm, đẩy kế hoạch trên vào bế tắc. Đại diện của CTCK nói với ĐTCK rằng, kế hoạch đã được ĐHCĐ phê duyệt, về nguyên tắc thì Công ty phải thực hiện, nhưng để khả thi có lẽ cần điều chỉnh lại các mức giá…
Khi thị giá cổ phiếu tụt dốc, DN sẽ điều chỉnh giá phát hành thêm để đợt phát hành thành công. Nhưng với một số cổ phiếu đang có thị giá 1x, tỷ lệ phát hành lớn (như của một số CTCK trên HNX), sự thay đổi cũng không dễ thu hút NĐT, do đóng tiền mua cổ phiếu mới phát hành thêm sát mức giá điều chỉnh chưa bao giờ được NĐT coi là hấp dẫn.
Phát hành thêm: Ngắm thị trường!
Dù đã chốt danh sách để thực hiện việc tăng vốn, nhưng nhiều DN vẫn đang thấp thỏm. Vào những ngày thị trường giảm mạnh vừa qua, giá cổ phiếu VST của CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam chỉ cao hơn mệnh giá 25%, một đại diện của VST lo âu: "Cổ đông lớn của VST là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang sở hữu 60% vốn, chắc chắn sẽ thực hiện quyền mua, còn các cổ đông nhỏ khác chắc phải chờ diễn biến thị trường đến sát hạn cuối cùng mới ra quyết định". Nhưng những phiên phục hồi vừa qua đã đẩy giá VST tăng lên, hiện đang cao hơn 40% mệnh giá, nếu khoảng cách này được giữ nguyên trong vài tuần tới, cổ đông sẽ có động lực bỏ thêm tiền, việc phát hành của VST hứa hẹn sẽ thành công.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC cho biết, Công ty sẽ công bố các thông tin về đợt phát hành riêng lẻ vào trung tuần tháng 9. Ông Ngọc Anh thừa nhận, sự tụt dốc của TTCK đã khiến đợt phát hành của Công ty gặp khó. Trong tình huống xấu nhất, ông Ngọc Anh cho biết, dự án Nhà máy cơ khí thép SMC vẫn được triển khai, nhưng dự án KCN Hiệp Phước Nhà Bè có thể sẽ phải tạm giãn tiến độ nếu thiếu vốn.
Trưởng phòng phân tích của CTCK Bản Việt, bà Hoàng Thị Hoa nhận xét, sự tụt dốc của TTCK vừa qua có thể khiến nhiều kế hoạch phát hành thêm phá sản. Điều này đẩy DN vào vòng luẩn quẩn: giá chứng khoản giảm, DN không huy động được vốn, thiếu vốn sản xuất, DN có kết quả kinh doanh thấp, tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu. Bà Hoa đưa ra dự báo, với các DN nhỏ, cơ cấu cổ đông sẽ quyết định sự thành công của các đợt phát hành. Các DN có tiềm năng phát triển, thu hút nhiều cổ đông lớn thì việc phát hành sẽ có cơ hội thành công và ngược lại.
Thực tế, đã có những DN hủy phát hành thêm khi thị trường không thuận lợi. ĐHCĐ bất thường của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) cách đây hai tuần đã hủy phương án chào bán cho các cổ đông hiện hữu, thay thế bằng phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi cho NĐT lớn. Lý do là giá CII nhiều tháng qua chỉ xoay quanh 4 chấm, nên việc Công ty chào bán ở mức 3 chấm hoàn toàn không thực tế. Một trường hợp khác, CTCK SME dự kiến tăng vốn lên 300 tỷ đồng trước tháng 6 và 500 tỷ đồng cuối năm nay. Tuy nhiên, hiện tại bước thứ nhất của kế hoạch vẫn chưa thấy triển khai. Những diễn biến này cho thấy, nguồn cung cổ phiếu phát hành thêm thực tế sẽ không lớn như nhiều con số ước tính.
Giang Thanh
Đầu tư chứng khoán
|