Giải pháp cho nỗi ám ảnh mang tên “hàng giải chấp”
Sau đợt sụt giảm kéo dài, VN-Index phục hồi, trong đó 2 phiên tăng mạnh, nhưng chưa khẳng định được xu hướng tăng bền vững. Đây đó vẫn còn nỗi ám ảnh về lượng hàng giải chấp đang đọng tại CTCK. Chiều 31/8, tại Hà Nội, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) cùng với một số CTCK lớn đã ngồi lại với nhau trao đổi nhiều nội dung, trong đó có vấn đề giải chấp.
Áp lực giải chấp khoảng 10.000 tỷ đồng
Cho đến thời điểm này, cơ quan quản lý khó có thể biết được, thông qua CTCK, NĐT đã vay bao nhiêu tiền để đầu tư. Hiện nay, có nhiều hình thức NĐT thực hiện vay. Có CTCK cho NĐT mở 2 tài khoản: một tài khoản thường và một tài khoản ký quỹ. Theo đó, khi chuyển tiền/chứng khoán vào tài khoản ký quỹ, NĐT sẽ được đầu tư 150% giá trị ký quỹ. Tại một số công ty thì việc cho vay dựa trên thỏa thuận của các môi giới với NĐT. Tùy lịch sử giao dịch, năng lực tài chính mà CTCK có thể cho vay nhiều hay ít, với thủ tục rất đơn giản, thời gian vay từ 3-60 ngày.
Một hình thức khá phổ biến hiện nay là CTCK và NĐT ký hợp đồng hợp tác đầu tư. Trên danh nghĩa, cả CTCK và NĐT cùng tham gia đầu tư, nhưng trên thực tế, chỉ có NĐT bỏ một phần tiền của mình, còn CTCK cho vay với tỷ lệ lớn. Cho dù giá chứng khoán biến động ra sao thì CTCK vẫn thu được gốc và lãi vay. Một hình thức khác nữa là repo cổ phiếu. CTCK và NĐT ký một hợp đồng mua bán chứng khoán, theo đó NĐT nộp một số tiền theo tỷ lệ nhất định (thường trên 30% giá trị cổ phiếu) và CTCK cho vay phần còn lại. Giá repo do CTCK đánh giá và đưa ra. Bảo lãnh thanh toán tiền mua chứng khoán (chậm trả) cũng là dịch vụ được nhiều CTCK triển khai. Tuy nhiên, thời gian khá ngắn, chỉ 1 - 3 ngày (nhiều công ty không tính phí).
Khi thị trường thuận lợi, tỷ lệ đòn bẩy tài chính được các CTCK cho NĐT sử dụng phổ biến ở mức 1:1. Đối với khách hàng VIP, tỷ lệ này có thể lên đến 1:4.
Trong cuộc làm việc giữa đại diện giữa UBCK, VASB và các CTCK chiều 31/8, các CTCK đã kiến nghị cơ quan quản lý thúc đẩy nhanh việc ban hành những chính sách đã được chuẩn bị từ khá lâu như bán chứng khoán T+2, cho mở nhiều tài khoản… Các CTCK cho rằng, nếu vấn đề bán chứng khoán T+2 khó khăn thì có thể cho bán T+3 (bởi thực chất hiện tại đang là T+4). Liên quan đến việc sử dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường, trong khi văn bản pháp lý chưa ban hành kịp thực tiễn, các CTCK đề xuất giải pháp: thống nhất đưa ra mức ký quỹ trong việc dùng đòn bẩy. Một mặt đảm bảo an toàn hệ thống, mặt khác duy trì sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. | Quy định hiện hành không cho phép CTCK cho NĐT vay tiền đầu tư chứng khoán, mà chỉ các tổ chức tín dụng mới được phép thực hiện hoạt động này. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 5/2010, dư nợ cho vay vào TTCK là 14.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với đầu năm 2010. Tuy nhiên, không ít CTCK đã lách quy định kể trên thông qua những hình thức cho vay khác nhau. Theo ghi nhận của ĐTCK thông qua một số đầu mối môi giới tại các CTCK lớn, lượng hàng có khả năng chịu áp lực giải chấp trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng, bằng khoảng 1,4% giá trị vốn hoá TTCK.
Theo nhiều nhà đầu tư, mặc dù hiện nay, UBCK chưa có công cụ để đo lường dòng tiền chảy vào thị trường thông qua đòn bẩy tài chính, nhưng việc nhận biết các cổ phiếu bị bán giải chấp không quá khó. Trong những phiên giảm điểm liên tục, những cổ phiếu bị bán sàn với khối lượng lớn chủ yếu là hàng giải chấp.
CTCK tìm cách thống nhất một tỷ lệ ký quỹ
Mặc dù không có con số cụ thể về lượng hàng giải chấp, nhưng có một thực tế là không phải thị trường giảm điểm sâu là hàng hóa sẽ bị bán đổ, bán tháo. Không ít CTCK có quy mô lớn thực hiện hỗ trợ tài chính cho NĐT. Do hệ thống công nghệ chưa hiện đại nên việc cổ phiếu giảm đến một mức độ nhất định thì hệ thống tại CTCK sẽ tự động đặt lệnh bán là không nhiều. Nhiều CTCK vẫn lựa chọn giải pháp "mềm" khi thực hiện thương lượng với NĐT để kéo dài thời gian tất toán tài khoản. Nếu thị trường tăng thì cả CTCK và NĐT đều thoát hiểm! Đại diện một CTCK có quy mô lớn cho biết, đó cũng là cách CTCK chia sẻ khó khăn, đồng cam cộng khổ với khách hàng.
Nhìn lại lịch sử giao dịch từ cuối năm 2009 đến nay, ông Lưu Nguyễn Chí Nhân, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội cho rằng, việc sử dụng đòn bẩy tài chính giai đoạn này không đáng lo ngại. Vì thị trường từ đầu năm đến nay không tăng mạnh, nên việc dùng đòn bẩy để đầu tư không quá rủi ro (bởi thị trường khó giảm sâu). Mặt khác, NĐT chỉ dùng đòn bẩy khi nhìn thấy xu hướng đi lên bền vững, trong khi đó, trong suốt thời gian qua, thị trường lình xình nên NĐT dùng đòn bẩy ít, nhiều ngân hàng vẫn còn dư địa lớn trong cho vay đầu tư chứng khoán. Một lượng hàng giải chấp khá lớn đã được bán ra trong tuần trước nên mối lo về vấn đề này đã giảm đi rất nhiều. Theo ông Nhân, tuần này, lực bán ra chủ yếu là hoạt động chốt lời của những NĐT mua đáy từ tuần trước hoặc số ít NĐT cắt lỗ.
Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Khối dịch vụ CTCK VNDirect cho rằng, trên thị trường luôn luôn có một lượng hàng được mua từ nguồn tiền nợ. Lượng hàng giải chấp sẽ bị bán ra khi giá thị trường giảm xuống mức giá phải xử lý. Với 4 phiên tăng điểm gần đây, áp lực giải chấp không còn nhiều, vì giá chứng khoán đã vượt qua vùng bị CTCK xử lý. Bên cạnh đó, một số NĐT đã chấp nhận cắt lỗ một phần cổ phiếu, dùng tiền bù vào tài khoản nên không bị giải chấp. Thời gian gần đây, NĐT đã thận trọng hơn trong việc dùng đòn bẩy, nên lượng hàng được mua từ nguồn tiền nợ cũng không phải quá lớn.
Có thể nói, áp lực hàng giải chấp giai đoạn vừa qua không lớn, nhưng thị trường đặt ra yêu cầu UBCK cần có biện pháp quản lý để có con số thống kê tương đối chính xác dòng tiền chảy vào thị trường. Chỉ có như thế mới lượng hóa được rủi ro. Hiện tại, UBCK đang trình Bộ Tài chính dự thảo Thông tư về giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên, trong khi chờ Bộ Tài chính ban hành thông tư này, nhiều CTCK đã triển khai nghiệp vụ này với đủ loại hình thức, đang đặt UBCK vào tình huống khó xử.
Đông Hải
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|