Thứ Năm, 02/09/2010 15:37

TTCK: Cái bếp lại có thể nguội lạnh

Sau hai phiên phục hồi ấn tượng đầu tuần, VN-Index đã trở lại mốc trên 450 điểm. Tuy nhiên, dấu hỏi về dòng tiền vào thị trường vẫn chưa rõ ràng nếu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại thoái vốn để rút tiền ra ở thời điểm này.

Ngày 27-8-2010, Công ty cổ phần Đại lý liên hiệp vận chuyển Gemadept (GMD) công bố thông tin Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), cổ đông lớn, đã bán xong 2 triệu cổ phiếu và hiện chỉ còn sở hữu hơn 100.000 cổ phiếu GMD. Đây là lần thoái vốn thứ ba của Vinalines ở doanh nghiệp này kéo dài từ năm 2009 và với sự ra đi của Vinalines, Nhà nước hầu như không còn vốn ở Gemadept.

Sẽ là không khách quan khi nói rằng sự sụt giảm giá cổ phiếu GMD thời gian qua do sự thoái vốn của cổ đông nhà nước. Trong một thị trường “con gấu”, cổ phiếu GMD cũng không thể cưỡng lại xu thế chung dù công ty là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực logistics.

Nhưng sẽ công bằng khi nhận xét việc bán ra cổ phiếu của Vinalines là một trong số những nguyên nhân góp phần làm GMD rớt giá và rớt mạnh hơn tốc độ rơi chung của VN-Index.

Ngày 25-8-2010, giá GMD còn 32.400 đồng/cổ phiếu, tương đương 40.700 đồng/cổ phiếu trước khi chia tách, thấp hơn giá trị sổ sách là 53.150 đồng/cổ phiếu gần 24%. So với mức đỉnh 117.000 đồng/cổ phiếu thiết lập trong 52 tuần qua, cổ phiếu GMD đã giảm 65,2%.

Một gương mặt khác: Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà Intresco (ITC-Hose). Sau khi tăng vốn, ITC đã lao dốc không ngừng nghỉ từ mức đỉnh 42.500 đồng/cổ phiếu cuối tháng 4-2010 xuống 21.500 đồng/cổ phiếu ngày 27-8-2010, giảm gần 50%. Giá này thấp hơn giá trị sổ sách của ITC là 26.800 đồng/cổ phiếu khoảng 20%.

Khác với GMD, nơi thông tin cổ đông nhà nước thoái vốn rõ ràng, tin đồn Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn chuẩn bị thoái 16% vốn, tương đương 11,1 triệu cổ phiếu của ITC, cứ lan ra mà không có bất cứ một thông tin xác nhận hay phủ định chính thức nào từ công ty. Trước đó, đầu tháng 6-2010, ITC công bố thông tin Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn bán 3,72 triệu quyền mua cổ phiếu trong vòng một tuần theo hình thức thỏa thuận. Tuy nhiên năm ngày sau khi thời hạn thỏa thuận kết thúc, ITC lại ra một thông báo khác là cổ đông nhà nước không bán được quyền mua cổ phiếu. Nhà đầu tư không rõ thực hư thế nào.

Trên đây chỉ là hai thí dụ về việc thoái vốn của Nhà nước ở các doanh nghiệp niêm yết. Điều đáng nói là sáu tháng đầu năm nay, cả GMD lẫn ITC đều hoạt động kinh doanh bình thường, không thua lỗ và có khả năng đạt lợi nhuận kế hoạch năm. Dù muốn hay không, việc đã, đang và chuẩn bị thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty đã góp phần làm VN-Index giảm sâu.

Không thể trách cứ các DNNN bởi họ thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 09/ND-CP ban hành ngày 5-2-2009 về việc phải tập trung vốn cho những lĩnh vực kinh doanh chính. Hơn nữa, gần đây nhất, ngày 19-8-2010 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 1568/CT-TTg triển khai thực hiện kết luận số 78-KL/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả DNNN.

Một trong những yêu cầu của chỉ thị là chấn chỉnh việc đầu tư vốn vào những ngành không liên quan đến ngành kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty. Điều 6, khoản b của chỉ thị nói rõ các bộ, ngành phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 31-12-2010 về đánh giá toàn diện hoạt động, hiện trạng cơ cấu, đề xuất điều chỉnh cần thiết mô hình tổ chức hoạt động của tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý của mình.

Thiết nghĩ việc đánh giá thực trạng, tái cấu trúc các DNNN không thể không làm vì đó là nòng cốt để tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng thực hiện như thế nào để đạt mục tiêu có lẽ quan trọng hơn. Bộ Tài chính, với sự phối hợp của các bộ khác, hoàn toàn có khả năng tổng hợp số vốn mà Nhà nước cần thoái ở các doanh nghiệp là bao nhiêu, phân biệt rõ công ty niêm yết và chưa niêm yết, từ đó đưa ra một lộ trình thích hợp.

Trong trường hợp việc thoái vốn nhà nước ở các công ty niêm yết diễn ra ồ ạt, nhất là khi thời điểm phải hoàn tất mà Nghị định 09 đưa ra đang đến gần, sẽ xảy ra hai bất lợi: thứ nhất, khi chứng khoán giảm giá, số tiền Nhà nước thu được từ bán cổ phiếu sẽ ít hơn. Số tiền ngân sách nhà nước thu được từ việc thoái vốn có thể tăng hàng chục phần trăm nếu VN-Index phục hồi. Việc bán rẻ tài sản nhà nước vào thời điểm giá cổ phiếu xuống thấp liệu có nên?

Thứ hai, dòng tiền vào thị trường chứng khoán mới chỉ bắt đầu phục hồi, DNNN lại thoái vốn để rút tiền ra ở thời điểm này thì có khác nào rút củi dưới đáy nồi, cái bếp có thể lại trở nên nguội lạnh. Lúc đó, giả sử Nhà nước có muốn bán giá thấp cũng khó tìm được người mua. Chưa kể điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến thị trường tài chính nói chung.

Để việc thoái vốn của Nhà nước hiệu quả, động thái ưu tiên và cần kíp trước mắt là tạo thanh khoản cho chứng khoán. Muốn bán được hàng, mà lại bán với giá tốt, thì không chỉ đơn giản chở hàng đến chợ là xong. Cần có người bán, người mua, và mua nhiều, bán nhiều. Tính đến ngày 27-8-2010 tổng mức vốn hóa của sàn Hà Nội là 106.884 tỉ đồng (nguồn: Hnx); của sàn TPHCM là 481.391 tỉ đồng (nguồn: Hose), cả hai sàn là 588.275 tỉ đồng, tương đương 30 tỉ đô la Mỹ. Thế nhưng giá trị giao dịch hàng ngày của cả hai sàn những tuần gần đây chỉ khoảng 1.600-1.700 tỉ đồng, tức 80-85 triệu đô la Mỹ, quá èo uột. Với thanh khoản thế này, Nhà nước làm sao thoái vốn nổi?

Trên thực tế, việc kích thích thanh khoản chứng khoán có thể tiến hành ngay bằng các động thái kỹ thuật như cho phép giao dịch T+2, một nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản, đơn giản hóa điều kiện giao dịch ký quỹ... Đối với chính sách tiền tệ, là sự phản ứng nhanh chóng và rõ ràng trước những biến động kinh tế.

Đã sáu tháng kể từ khi Chính phủ chỉ đạo hạ mặt bằng lãi suất, tín dụng tiền đồng vẫn không thể tăng trưởng mạnh. Các ngân hàng vẫn đang “loay hoay” với việc tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng; bán bớt các khoản đầu tư để lo cho được hệ số an toàn vốn 9% vào ngày 1-10-2010; tăng lãi suất huy động đô la Mỹ vì dư nợ cho vay ngoại tệ đang cao hơn tổng vốn huy động ngoại tệ khá nhiều... Một khi tình hình nói trên kéo dài, việc thoái vốn của Nhà nước sẽ còn khó khăn!

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   "TTCK Việt Nam đang có sự hấp dẫn về mặt giá trị "  (02/09/2010)

>   TTCK tháng 9: Nhiều dấu hiệu khả quan (02/09/2010)

>   Chứng khoán: Đầu tư dài hạn (02/09/2010)

>   Mua cổ phiếu quỹ: Mừng hay lo? (02/09/2010)

>   UPCoM-Index bất ngờ giảm nhẹ (01/09/2010)

>   Chứng khoán tháng 9: Dòng tiền thay đổi về chất? (01/09/2010)

>   4 yếu tố tác động tiêu cực tới TTCK (01/09/2010)

>   Tâm lý vẫn đè nặng trên thị trường OTC (01/09/2010)

>   Giảm không quá lo, tăng không quá mừng (01/09/2010)

>   NĐTNN mua ròng 826,221 tỷ đồng trong tháng 8 (01/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật