Chứng khoán tháng 9: Dòng tiền thay đổi về chất?
“Kỳ vọng về dòng tiền trong tháng 9 đã có sự thay đổi cơ bản về chất. Khả năng quay trở lại của dòng tiền “cũ” dễ dàng hơn nhiều so với dòng tiền “mới”, nghĩa là cơ hội thị trường đảo chiều và phục hồi bền vững sẽ cao hơn nhiều so với 8 tháng đầu năm, nếu dấu hiệu “đáy” thị trường rõ ràng hơn”.
Đầy là một nhận định được đưa ra trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 9 này, do Công ty Cổ phần Chứng khoán SME (SMES) công bố sáng nay.
Bản báo cáo này phân tích khá chi tiết các khía cạnh của thị trường, từ các triển vọng kinh tế vĩ mô đến các dòng chảy nội tại nguồn tiền - cung hàng của thị trường; từ góc độ kỹ thuật đến khía cạnh tâm lý…
VnEconomy tóm lược một số nội dung chính của bản báo cáo này như một hướng nhận định để nhà đầu tư có thể tham khảo.
Kinh tế vĩ mô chưa có đột phá
Thị trường tháng 8 điều chỉnh mạnh trong điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước đón nhận nhiều tin tức kém lạc quan hơn.
Thứ nhất, tỷ giá USD/VND điều chỉnh tăng, đồng Việt Nam tiếp tục bị phá giá thêm xấp xỉ 2,1%. Xét về dài hạn, điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ tốt cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là rủi ro lớn đối với các tổ chức đầu tư tài chính nước ngoài (suy giảm kép), ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền mới vào thị trường chứng khoán, nhất là khi thị trường đang trong xu hướng đi xuống.
Rủi ro tỷ giá hiện nay là rủi ro lớn nhất của dòng tiền mới từ khối ngoại vào thị trường Việt Nam và có khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn và trung hạn.
Thứ hai, lạm phát bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại sau 3 tháng liên tục dừng ở mức thấp. Cùng với việc điều chỉnh tỷ giá, lạm phát tháng 9 nhiều khả năng sẽ cao hơn mức 0,23% của tháng 8, tạo áp lực đối với lãi suất và tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, cùng với việc kinh tế toàn cầu chững lại, áp lực lạm phát năm 2010 đối với Việt Nam cũng đã giảm đi đáng kể.
Thứ ba, tăng trưởng GDP quý 3 khó có khả năng cao hơn quý 2 do mặt bằng tín dụng vẫn chưa được nới rộng cùng với ảnh hưởng từ việc tái cấu trúc Tập đoàn Vinashin và các tổng công ty khác. Tăng trưởng kinh tế không khởi sắc đi liền với kết quả hoạt động trong quý 3 của các doanh nghiệp nhiều khả năng không chứa đựng bất ngờ, thậm chí có thể tăng trưởng âm so với năm 2009.
Sau tháng 7 và 8 khá ảm đạm, tháng cuối cùng của quý 3 ít có khả năng thay đổi nhanh cả về chất và lượng. “Chúng tôi chưa kỳ vọng vào khả năng kinh tế vĩ mô trong nước có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán ngay trong tháng 9. Tuy nhiên nếu Chính phủ có các điều chỉnh chiến lược, nhà đầu tư sẽ không phải tiếp tục chờ đợi “đáy” thị trường trong thời gian quá dài khi niềm tin của nhà đầu tư quay trở lại”, SMES nhận định.
Động lực của dòng tiền
Tại thời điểm cuối tháng 6 và 7, nhà đầu tư kỳ vọng vào dòng tiền mới để hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, khi tăng trưởng tín dụng chưa được nới lỏng và mặt bằng lãi suất không thay đổi, kỳ vọng của nhà đầu tư cũng chỉ dừng lại ở mức… kỳ vọng.
Việc thị trường liên tục phá các mốc hỗ trợ quan trọng trong tháng 8 một mặt thể hiện sự thất vọng của nhà đầu tư khi dòng tiền mới không xuất hiện, một mặt tạo điều kiện để thị trường cơ bản tái cơ cấu dòng tiền.
Thị trường suy giảm mạnh có một số tác động tích cực tới dòng tiền.
Thứ nhất, tỷ lệ giải chấp giảm mạnh khi các công ty chứng khoán bán các danh mục đầu tư rủi ro cao, đưa cơ cấu dòng tiền trên thị trường về mức an toàn hơn, đảm bảo mức tăng bền vững của thị trường trong giai đoạn sau khi nhà đầu tư không còn áp lực chốt lời hay tháo chạy trong ngắn hạn.
Thứ hai, dòng tiền “cũ” được rút bớt ra khỏi thị trường chờ đợi cơ hội giải ngân khi thị trường trở về mức hấp dẫn hơn. Một trong những lý do nhà đầu tư bán cổ phiếu ra để giữ tiền mặt vì kỳ vọng vào khả năng thị trường tiếp tục suy giảm sâu hơn. Trong trường hợp thị trường có dấu hiệu chạm đáy, dòng tiền “cũ” cùng với một phần dòng tiền “mới” có thể quay lại thị trường rất nhanh do hiện nay tất cả các kênh đầu tư khác đều chưa chắc hấp dẫn hơn chứng khoán.
“Như vậy, kỳ vọng về dòng tiền trong tháng 9 đã có sự thay đổi cơ bản về chất. Khả năng quay trở lại của dòng tiền “cũ” dễ dàng hơn nhiều so với dòng tiền “mới”, nghĩa là cơ hội thị trường đảo chiều và phục hồi bền vững sẽ cao hơn nhiều so với 8 tháng đầu năm, nếu dấu hiệu “đáy” thị trường rõ ràng hơn.
Ngoài ra chúng tôi cũng nhận thấy mặc dù nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng bị hạn chế do Thông tư 13, dòng tiền từ các tổ chức phi tín dụng như các tổ chức bảo hiểm, quỹ đầu tư trong nước… vẫn khá dồi dào và đang tìm các cơ hội đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao. Khi thị trường có dấu hiệu ổn định hơn, khả năng quay trở lại hỗ trợ dịch vụ tài chính của các công ty chứng khoán cũng sẽ bổ sung lượng tiền mặt không nhỏ quay trở lại thị trường chứng khoán”, báo cáo của SMES viết.
Nguồn cung có dấu hiệu chậm lại
Cùng với đà suy giảm của thị trường, nguồn cung cổ phiếu đang có dấu hiệu chậm lại do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, các công ty công bố mua cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu được nhận định quay trở lại dưới giá trị “thật” của doanh nghiệp. Một số công ty thậm chí còn dự kiến mua tới 5% vốn điều lệ. Việc công bố mua cổ phiếu quỹ không chỉ thể hiện niềm tin của doanh nghiệp đối với tiềm năng tăng trưởng mà còn trực tiếp giảm nguồn cung, tăng lực cầu cổ phiếu trên thị trường.
Một số doanh nghiệp đang có kế hoạch trì hoãn niêm yết do thị trường không thuận lợi. Nhìn chung, niêm yết khi thị trường ở dưới ngưỡng 500 điểm không phải là chiến lược tối ưu nếu doanh nghiệp không chịu sức ép về mặt thời gian và nguồn vốn. Nếu thị trường chưa bật dậy mạnh mẽ, lượng cổ phiếu mới sẽ giảm đi đáng kể trong tháng 9.
Chờ khả năng điều chỉnh chính sách
Theo SMES, một yếu tố có thể ảnh hưởng mạnh tới tâm lý nhà đầu tư hiện nay là khả năng thay đổi một số văn bản pháp lý trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tới thị trường.
Nhận định mà công ty chứng khoán này đưa ra là nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào kết quả rà soát lại Thông tư 13 và Nghị định 141. Tính đến cuối tháng 8, chưa có bất kỳ văn bản nào khẳng định sẽ trì hoãn hay thay đổi hoàn toàn Thông tư 13. Tuy nhiên, hướng dẫn cụ thể thực hiện cũng chưa được ban hành.
SMES bình luận: “Chúng tôi không kỳ vọng vào khả năng thay đổi cơ bản nội dung của Thông tư, vì về dài hạn, đây là chiến lược đúng đắn của hệ thống ngân hàng Việt Nam khi quy mô nền kinh tế gia tăng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng gia hạn một số nội dung “nhạy cảm” để tránh tác động quá mạnh tới thị trường. Nếu khả năng này xảy ra, thị trường sẽ được hỗ trợ tích cực”.
Bên cạnh đó, khả năng thay đổi chính sách về lãi suất cũng cần được tính đến. Tính đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng bằng đồng USD đã chậm lại tương đối và khả năng sẽ không còn đột biến như 6 tháng đầu năm khi tỷ giá có xu hướng điều chỉnh. Để giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức tối thiểu như 6 tháng đầu năm thì công cụ còn lại dựa nhiều vào đồng nội tệ. Sau khi tin đồn giảm lãi suất cơ bản chính thức bị bác bỏ, công cụ còn lại là chính sách trên thị trường mở và điều chỉnh một số nội dung trong Thông tư 13 và Nghị định 141.
Theo quan điểm đưa ra trong báo cáo, “mặc dù chưa có thêm động thái nào từ phía Ngân hàng Nhà nước để ngỏ khả năng điều chỉnh ngay trong tháng 9, chúng tôi nhận định cơ hội chia đều cho 4 tháng còn lại của năm 2010”.
Báo cáo cũng bình luận thên: “Như vậy, vấn đề chính của thị trường tháng 9 không phải là vấn đề thiếu dòng tiền mà khi nào dòng tiền tự tin quay trở lại thị trường sau khi đã cơ bản có sự thay đổi về chất. Khi các yếu tố vĩ mô không quá xấu và thị trường liên tục giảm điểm, các chỉ số Index sẽ bật lại ngay sau khi chạm đáy với mức thanh khoản hợp lý và bền vững hơn. Tháng 9 dự kiến sẽ được dẫn dắt từ dòng tiền “cũ” hơn là kỳ vọng vào dòng tiền “mới”.
Sự dịch chuyển của tâm lý
Các phiên tăng giảm điểm đan xen nhau trong 2 tuần cuối tháng 8 mà không cần các yếu tố cơ bản hỗ trợ, chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư hiện nay đang dao động mạnh theo hai xu hướng: thận trọng và dò đáy. Dòng tiền được đưa ra khỏi thị trường trong giai đoạn hiện nay không nằm ngoài mục đích bảo toàn vốn và chờ đợi cơ hội khi thị trường xuống sâu hơn.
Nếu tâm lý chung tiếp tục được duy trì trong tháng 9 và nhà đầu tư chờ đợi vào cơ hội thị trường điều chỉnh giảm để mua vào, các chỉ số Index sẽ có đặc điểm sau:
Thứ nhất, thị trường chưa có khả năng tăng điểm bền vững. Ngay cả khi thị trường đảo chiều tăng điểm, thanh khoản cũng chưa thể phục hồi nhanh do nhà đầu tư chưa vội bắt đáy và chờ đợi nhiều phiên tăng điểm liên tục trước khi “chính thức” quay lại thị trường.
Thứ hai, tâm lý chốt lời/thoát vốn ngắn hạn sẽ tiếp tục được duy trì nhất là đối với 2 nhóm danh mục đầu tư: (i) Nhóm penny, do lo ngại nếu thị trường điều chỉnh, thanh khoản sẽ giảm sút nhanh hơn blue-chip; (ii) nhóm có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao. Gần đây, việc các công ty chứng khoán bắt đầu giải chấp khi tỷ lệ đòn bẩy tài chính về tới mức nguy hiểm phần nào sẽ tạo áp lực chủ động giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư để bảo toàn vốn khi có cơ hội.
Ngoài ra, SMES nhận định rằng thị trường tháng 9 sẽ có sự dịch chuyển từ tâm lý “đầu cơ” sang “đầu tư”. Nguyên do là penny-chip “được” các nhà đầu tư ưu tiên bán mạnh khi thị trường giảm điểm, nhiều mã giảm xuống mức giá trước khi bước vào chu kỳ tăng giá trước đây nhưng vẫn chưa được quan tâm. Việc pennychip dẫn đầu xu hướng giảm điểm trong suốt tháng 8 chứng tỏ tìm kiếm cơ hội sinh lời từ các mã penny đi kèm với rủi ro cao khi thanh khoản của thị trường điều chỉnh mạnh, và chưa có khả năng cải thiện nếu 2 sàn chưa quay về ngưỡng trên 2.000 tỷ/phiên.
Ngược lại, blue-chip đã và đang có dấu hiệu được quan tâm trở lại khi dẫn dắt hầu hết các phiên tăng điểm cuối tháng 8. Các công ty chứng khoán cũng đồng loạt đưa ra khuyến nghị về “đầu tư giá trị” đồng nghĩa với vai trò của blue-chip có thể sớm trở lại khi đang được giao dịch ở mức giá thấp hơn mức trung bình của thị trường và rủi ro thanh khoản thấp hơn nếu thị trường chưa khởi sắc.
“Theo phân tích tâm lý nhà đầu tư, thị trường hiện nay chưa hoàn toàn lạc quan nhưng chứa đựng rất nhiều cơ hội. Cùng với sự thay đổi về tâm lý và cơ cấu dòng tiền, chúng tôi kỳ vọng vào khả năng thay đổi chiến lược đầu tư ở giai đoạn thị trường tiếp theo”, SMES kết luận.
Hoàng Vũ
TBKTVN
|