“Ẩn số” thị trường sau đợt nghỉ lễ
Trong những năm trước đây, sau đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, thị trường chứng khoán (TTCK) đã vài lần bất ngờ tăng điểm mạnh. Vậy sau đợt nghỉ 2/9 năm nay, TTCK sẽ diễn biến như thế nào đang là “ẩn số” cho giới đầu tư.
Nhìn lại diễn biến trong những năm trước, sau đợt nghỉ lễ 2/9, TTCK đã từng vài lần bất ngờ tăng điểm mạnh.
Chẳng hạn, trong năm 2006, trước đợt nghỉ lễ 2/9 cũng là một đợt tụt dốc của TTCK. Chỉ số VN-Index giảm suốt hơn 3 tháng liền từ đỉnh là 638,86 điểm (cuối tháng 4/2006) xuống điểm đáy 409,67 điểm vào tháng 8/2006. Tuy nhiên, trước khi bước vào đợt nghỉ 2/9, thị trường đã bắt đầu có tín hiệu phục hồi và sau đó bước vào một giai đoạn tăng mạnh chưa từng có trong lịch sử của thị trường cho đến thời điểm đó. Chỉ số VN-Index đã tăng một mạch từ 492,53 điểm (ngày 31/8/2006) lên hơn 1.100 điểm vào tháng 3/2007.
Diễn biến “đảo ngược tính thế” của Chỉ số VN-Index tiếp tục một lần nữa diễn ra sau đợt nghỉ lễ 2/9 của năm 2007. Sau khi tụt dốc một mạch từ mốc 1.113,19 (vào cuối tháng 5/2007) xuống chỉ còn 892,07 điểm (cuối tháng 8/2007), VN-Index bất ngờ đảo chiều mạnh sau đợt nghỉ lễ 2/9, khi chỉ trong vòng 1 tháng từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10/2007, đã tăng từ mốc khoảng 900 điểm lên trên 1.000 điểm.
Ngược lại, trong lịch sử TTCK Việt Nam, các nhà đầu tư cũng phải chứng kiến một lần đi xuống mạnh của thị trường sau đợt nghỉ lễ 2/9. Đó là năm 2008. Trước tháng 9/2008, thị trường có một đợt tăng điểm khá mạnh từ VN-Index ở mức 366,2 điểm (vào ngày 20/6/2008) tăng tới đỉnh điểm là 551,30 điểm (ngày 28/8/2008). Tuy nhiên, ngay khi bước vào những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9, thị trường đã bắt đầu xuất hiện tín hiệu đảo chiểu và sau đó giảm một mạch cho đến hết năm 2008.
Đánh giá chung về TTCK trong thời điểm hiện nay, các nhà phân tích cho rằng, bối cảnh chung của thị trường là khá bi quan và khả năng thị trường tăng mạnh trở lại ít xảy ra. Tuy vậy, việc “ít xảy ra” không có nghĩa là không thể xảy ra. Lý do là, cho dù các yếu tố kỹ thuật đều chưa cho thấy một xu hướng tăng điểm của thị trường, nhưng sau một chu kỳ thị trường giảm giá dài như thời gian qua, thì TTCK đang đứng trước cơ hội chào đón một lực lượng nhà đầu tư mới.
Các nhà đầu tư mới sẽ có thể tạo nên những bất ngờ, bởi họ chưa từng nếm mùi “đau khổ” của những đợt tụt dốc, nên khả năng chịu đựng rủi ro của họ sẽ cao hơn những “cựu binh”. Trong khi đó, do chưa bị mắc kẹt trong các khoản đầu tư trong quá khứ, các nhà đầu tư mới cũng có thể có trong tay một lượng tài chính dồi dào, đủ để tạo nên một sức sống mới cho thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Thành viên Câu lạc bộ Đầu tư BODF nhận định, hiện có 4 yếu tố ảnh hưởng đến TTCK trong giai đoạn từ tháng 9 cho đến hết năm 2010. Đó là lượng cung cổ phiếu, dòng tiền vào thị trường, các yếu tố vĩ mô và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đưa ra các đánh giá có tính chất ngắn hạn hơn, chủ yếu liên quan đến những phiên giao dịch sắp tới, bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phân tích (Công ty Chứng khoán Bản Việt) cho rằng, TTCK đang đứng trước 2 tình huống: một tiêu cực và một tích cực.
Tình huống thứ nhất (tiêu cực): vấn đề thoái vốn của các tổng công ty lớn, nguồn cung cổ phiếu gia tăng từ phát hành thêm và các vấn đề liên quan đến Thông tư 13 tiếp tục tác động xấu đến thị trường.
Tình huống thứ hai (tích cực): nhiều cổ phiếu tốt đã rơi xuống mức giá hợp lý để khuyến khích việc gia tăng mua tích lũy cổ phiếu của những nhà đầu tư giá trị. Những thông tin sửa đổi liên quan đến Thông tư 13 nếu được thực hiện sẽ giải tỏa phần nào áp lực tâm lý của nhà đầu tư.
Chí Tín
ĐẦU TƯ
|