Ám ảnh thoái vốn
Ngay sau câu chuyện của Vinashin, một số tập đoàn, tổng công ty lớn đã bước đầu lên kế hoạch để rút bớt các khoản đầu tư trái ngành. Thoái vốn đang trở thành nỗi ám ảnh với các nhà đầu tư hiện nay.
Thời điểm không thuận lợi
Tổng CTCP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) giữa tháng 6 đã đăng ký bán ra 1,2 triệu cổ phiếu (CP) tại CTCP Hồng Hà dầu khí với thời gian thực hiện trong vòng 3 tháng (từ ngày 13.8 - 12.10). Tuy nhiên chỉ ngay sau đó, PVX đã thông báo hủy việc đăng ký bán này do tình hình thị trường chưa phù hợp để thực hiện. Trước đó, PVX cũng đã bán ra hàng loạt CP đang niêm yết trên sàn như CTCP xây dựng dầu khí Nghệ An, CTCP tư vấn đầu tư và thiết kế dầu khí… Tương tự, mới đây Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) cũng đã thông báo bán ra 25 triệu CP của Tổng CTCP xây lắp dầu khí (PVC) đang niêm yết trên sàn Hà Nội. Số lượng CP này được bán thỏa thuận cho Công ty chứng khoán Thăng Long và Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội với giá 25.000 đồng/CP và sẽ thực hiện từ ngày 23.7 - 22.9. Tập đoàn này cũng vừa bán 25 triệu CP PVX cho 2 công ty chứng khoán với giá thỏa thuận thấp hơn giá trên sàn vào thời điểm giao dịch và ngay sau đó, 2 công ty này bán số CP PVX trên ra thị trường.
Giữa tháng 7 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã đồng ý cho Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) bán bớt phần vốn tại CTCP đầu tư và vận tải dầu khí Vinashin (VSP) với giá bán không được thấp hơn 40.000 đồng/CP và được phân bổ giao dịch thành nhiều đợt. Hiện Vinashin đang nắm giữ hơn 15 triệu cổ phiếu VSP, tương đương 39,56% vốn VSP. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, VSP liên tục giảm giá và chỉ còn 31.600 đồng/CP tính đến phiên giao dịch hôm qua. Như vậy, việc thoái vốn của Vinashin vẫn chưa thể thực hiện được.
Ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, cho rằng đây là lúc thị trường đang suy giảm thì việc các tập đoàn bán CP ra ồ ạt lúc này không phù hợp. Thứ nhất, các tập đoàn sẽ không thể bán được giá cao như những thời điểm thị trường đang tăng. Thứ hai, là việc công bố bán ra của các tập đoàn tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và góp phần làm cho thị trường càng giảm sâu. Bởi không chỉ có các tập đoàn nhà nước đang liên tục bán ra mà cộng với việc nhiều tổ chức đầu tư khác như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thông báo bán số lượng lớn CP tại Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tại Tổng CTCP khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD)... khiến cho lượng cung càng lấn át nguồn cầu.
Nên có lộ trình
TS Lê Thẩm Dương - trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhận định việc thoái vốn nhà nước đang nắm chi phối tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay là rất khó, vì đây là một quá trình lâu dài và phải có lộ trình rõ ràng. Các doanh nghiệp nhà nước phải tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược để san sẻ bớt nguồn vốn, đồng thời không làm gia tăng áp lực nguồn cung lên thị trường khiến các nhà đầu tư cá nhân hoảng sợ. Đặc biệt phải linh hoạt và thực hiện quyết liệt hơn ở những thời điểm thị trường chứng khoán đang tăng. Bởi khi đó việc thoái vốn có thể được đẩy mạnh với giá cao mà không tạo ra áp lực nguồn cung trên thị trường. Bên cạnh đó, nên hạn chế việc điều chuyển vốn từ đơn vị này sang đơn vị khác như trường hợp Vinashin chuyển cho các đơn vị khác của Tập đoàn dầu khí, chuyển giao cho Tổng công ty hàng hải Việt Nam..., vì có thể không tạo ra được cơ chế mới cho các doanh nghiệp nhà nước.
Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho rằng quan trọng nhất là việc bán ra với mức giá nào và bán cho ai. Nếu chỉ để công bố bán qua giao dịch khớp lệnh trên thị trường thì rất khó hoàn thành được mục tiêu thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vì khối lượng lớn. Vì vậy việc tìm được nhà đầu tư chịu mua sỉ là tốt nhất, và nếu đó là nhà đầu tư chiến lược thì càng tốt. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước nên thực hiện trước khi đưa lên sàn niêm yết để hoàn thiện về tổ chức cũng như cơ cấu cổ đông. Thậm chí nếu có những vướng mắc khi thực hiện cũng dễ dàng thay đổi hơn mà không tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán như ở thời điểm hiện nay.
Vị tổng giám đốc này nhấn mạnh: Không ai có thể ước tính cụ thể số CP mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ bán ra trong năm nay là bao nhiêu. Và cũng không rõ liệu điều đó có bắt buộc thực hiện ngay hay có thể được kéo dài sang năm tới. Đừng để việc thoái vốn, sắp xếp và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trở thành "bóng ma" trên thị trường chứng khoán, cần có những công bố chính thức, rõ ràng để nhà đầu tư không quá sợ hãi.
Mai Phương
Thanh Niên
|