Mua cổ phiếu quỹ: Mừng hay lo?
Việc nhiều doanh nghiệp mua lại cổ phiếu của chính mình thời gian gần đây đã mở ra khả năng hồi phục của chỉ số, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong 3 tháng trở lại đây, khi VN-Index đã giảm khoảng 23% và HNX-Index giảm 35,5%, đã có 20 doanh nghiệp niêm yết thông báo mua lại cổ phiếu quỹ. Trong đó, không ít công ty đăng ký mua hàng triệu cổ phiếu như Thép Pomina - POM (9 triệu cổ phiếu), Vĩnh Sơn Sông Hinh - VSH (4 triệu cổ phiếu), Nhiệt điện Phả Lại - PPC (2 triệu cổ phiếu). Một số doanh nghiệp khác như Nhựa Tân Đại Hưng (TPC), Công ty Cổ phần Kỹ nghệ lạnh (SRF) còn đăng ký mua thêm dù trước đó họ đã sở hữu hàng trăm ngàn cổ phiếu quỹ.
Tín hiệu vui
Tuy số công ty đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ chiếm chưa tới 5% tổng số doanh nghiệp niêm yết, nhưng theo ông Nguyễn Đình Quang, Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDirect, đây là tín hiệu tích cực cho thị trường, mở ra khả năng hồi phục của chỉ số. Bởi lẽ, giữa lúc thị trường đang trong xu thế giảm điểm, việc mua vào cổ phiếu quỹ đã cho thấy sự vững tin của một số doanh nghiệp vào giá trị nội tại của mình trong trung và dài hạn.
Trên thực tế, hệ số P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) toàn thị trường hiện ở mức 11,5 lần, tương đương giai đoạn thị trường khủng hoảng năm 2009. Ngoài ra, so với mức P/E 14 lần của chỉ số Dow Jones (Mỹ) hay 13 lần của thị trường Thái Lan, cổ phiếu tại Việt Nam đã tương đối rẻ. Thậm chí, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp như SRF, PPC, PNC đều đã xuống dưới giá trị sổ sách. Do đó, theo Công ty Chứng khoán Tân Việt, doanh nghiệp mua vào cổ phiếu quỹ lúc này cũng coi như là hình thức đầu tư.
Dù lượng cổ phiếu quỹ mỗi doanh nghiệp đăng ký mua vào chỉ chiếm khoảng 0,2-5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, nhưng động thái trên đã phần nào trấn an tâm lý nhà đầu tư. Ngoài ra, theo Công ty Chứng khoán Artex, việc mua lại cổ phiếu quỹ còn có thể giúp doanh nghiệp làm đẹp các chỉ số tài chính. Chẳng hạn, chỉ số EPS (thu nhập mỗi cổ phiếu), ROE (lợi nhuận/vốn), ROA (lợi nhuận/tài sản) sẽ tăng lên nhờ việc doanh nghiệp giảm lượng cổ phiếu lưu hành.
Đặc biệt, theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính, Khoa Quản trị Doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TP.HCM, “cơ sở để nhà đầu tư phấn khởi hơn cả chính là dòng tiền trong doanh nghiệp đang tốt lên”. Công ty Cổ phần Ống thép Việt - Đức (VGS), chẳng hạn, nhờ phát hành thêm 25 triệu cổ phiếu từ 1 năm trước, nên đã có thêm 67,8 tỉ đồng thặng dư cổ phần. Với số tiền này, VGS hoàn toàn có khả năng mua 1 triệu cổ phiếu trong mức giá 15.000-16.000 đồng/cổ phiếu.
Rủi ro tiềm ẩn
Trước đó, không thiếu trường hợp doanh nghiệp công bố mua lại cổ phiếu quỹ nhưng sau đó đã không thực hiện. Ông Trần Tôn Tử, Trưởng ban Kiểm soát của POM, cho biết, Công ty cũng không hứa hẹn sẽ mua hết 9 triệu cổ phiếu như đã đăng ký. Bởi thế, muốn biết doanh nghiệp có mua lại cổ phiếu quỹ như đã công bố hay không, nhà đầu tư chỉ còn biết đợi đến thời điểm doanh nghiệp dự kiến mua vào thì mới có thể kiểm chứng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cổ phiếu bị chi phối bởi tâm lý thị trường hơn là bởi doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt - Chi nhánh Sài Gòn, không cho rằng, doanh nghiệp sẽ xem đây là chiêu kích giá. Bởi lẽ, trên thực tế, dù DIG, SJS có công bố mua vào hàng triệu cổ phiếu quỹ, giá các cổ phiếu này sau đó vẫn giảm 20-30%.
Với việc giá cổ phiếu giảm bất chấp thông tin mua vào cổ phiếu quỹ, liệu khoản mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp có sinh lời?
Chưa biết khoản đầu tư này có sinh lợi hay không, nhưng trước mắt, ông Quang, VNDirect cho rằng, lúc này chưa thích hợp để doanh nghiệp đầu cơ bắt đáy. “Việc bắt đáy trong lúc tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp nên nghĩ đến chuyện đầu tư và nắm giữ cổ phiếu của mình trong dài hạn để tạo niềm tin cho cổ đông và nhà đầu tư về giá trị của cổ phiếu. Cần lưu ý, khoản tiền bỏ ra mua cổ phiếu quỹ phải là tiền nhàn rỗi và có thể sẽ nằm im trong một khoảng thời gian, nếu không, sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp”, ông Quang nói.
Hiện nay, đa số doanh nghiệp đều cho biết, họ dùng tiền từ thặng dư cổ phần hoặc lợi nhuận chưa phân phối để mua cổ phiếu quỹ. Nghĩa là, về mặt sổ sách, doanh nghiệp đủ tiền để làm điều này. Tuy nhiên, nhìn vào lượng tiền mặt của doanh nghiệp cũng như so sánh với những rủi ro tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong tương lai, nhà đầu tư không thể không lo lắng.
Chẳng hạn, lượng tiền mặt của POM tính đến cuối tháng 6.2010 là 62,5 tỉ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 320 tỉ đồng mà POM phải bỏ ra để mua cổ phiếu quỹ. Dù ông Tử, POM, giải thích rằng, dòng tiền vào ra liên tục và sẽ thay đổi theo thời điểm, nhưng nhà đầu tư vẫn không yên tâm. Còn đối với PPC, sự biến động của đồng yên Nhật đang đẩy Công ty vào chỗ gặp rủi ro tỉ giá, buộc PPC phải tính chuyện trích lập dự phòng.
Ngọc Thủy
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|