Cơ hội nào cho chứng khoán?
Không hẹn mà gặp, phần lớn các diễn giả tham gia hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu” do báo Đầu tư và Hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức tại TPHCM tuần trước, đã ít nhiều đề cập đến sự chao đảo của thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Chịu tác động trực tiếp của các chính sách vĩ mô, chứng khoán Việt Nam đã không tăng khi thị trường thế giới tăng điểm nhưng lại cùng giảm khi chứng khoán quốc tế sụt giảm. Liệu có cơ hội nào cho VN-Index trở lại mốc 500 điểm, tức chỉ bằng hơn 40% của thời kỳ chứng khoán đạt đỉnh cao 1.170 điểm đầu năm 2007? Các diễn giả đã mạnh dạn đưa ra những phỏng đoán của mình.
Sự đồng bộ ở đâu?
Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trực tiếp và gián tiếp, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng phải giải quyết một trong những trở ngại lớn là quan điểm, nhận thức không thống nhất giữa các cơ quan hoạch định chính sách, nảy sinh tình trạng “ông chẳng bà chuộc” trong các văn bản pháp luật. Muốn các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, phải nhận biết đầy đủ đòi hỏi của họ, mà một trong số đó là pháp luật nhất quán, đồng bộ, đảm bảo công khai, minh bạch.
“Họ yêu cầu khắt khe về thực thi nghiêm chỉnh pháp luật, kể cả sở hữu trí tuệ cũng như hoạt động độc lập của các tòa án khi xử các vụ kiện thương mại quốc tế và đầu tư” - ông Mại nhấn mạnh.
Theo Giáo sư Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TPHCM, các quyết sách của các nước hậu khủng hoảng kinh tế đều đang trực tiếp hướng đến thúc đẩy niềm tin. Còn ở Việt Nam, chính sách chủ trương có thể đúng nhưng cần phải đặt lên bàn cân vấn đề niềm tin. Chưa kể tính không nhất quán trong phương thức điều hành.
Ông nhận xét: “Một số cơ quan quản lý lúc thì nói chính sách phải linh hoạt, riêng có của Việt Nam, lúc thì nói dựa vào thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Cách nói đó nghe có vẻ khoa học và linh hoạt, nhưng rốt cuộc người dân không biết điều gì sẽ xảy ra và nên kinh doanh thế nào. Bởi có điều mới đó thì đúng đấy, nhưng sau đó lại sai. Hậu quả của chính sách này là gì? Một số quyết định chính sách thường để lại dấu ấn rõ về niềm tin bị hao hụt ít nhiều”.
Thiếu vắng sự đồng bộ của chính sách và niềm tin chưa đủ vững là những nguyên nhân khiến chứng khoán không thể tăng trưởng. Bên cạnh đó, nói như ông Phạm Đỗ Chí, Công ty Kidwell International Power Vietnam Ltd., dòng tiền nước ngoài chảy vào chứng khoán đang ít hơn do những lo ngại về tỷ giá bất ổn, sự cạn kiệt nguồn vốn từ các quỹ mạo hiểm, sự bớt tin tưởng vào các quỹ ngoại đang hoạt động ở Việt Nam do giá trị tài sản ròng của họ đang kém xa chính họ thời gian trước và kém cả VN-Index.
Kiến nghị từ những khó khăn hiện hữu
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), thẳng thắn thừa nhận rằng sau khủng hoảng giá trị tài sản và giá cổ phiếu trên thế giới giảm nhanh chóng làm cho tính hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam giảm đi. Các tổ chức tài chính quốc tế đang phải co cụm, điều chỉnh danh mục đầu tư, hạn chế giải ngân để kiểm soát rủi ro. Không ít tổ chức phải bán tài sản để cơ cấu, củng cố lại. Sự suy giảm của chứng khoán quốc tế đã tác động đến tâm lý của khối ngoại trên thị trường Việt Nam.
Những nhận định của ông Hùng không phải không có cơ sở, nhưng yếu tố cơ bản để giúp thị trường phục hồi là các chính sách điều hành của SSC đã không được thể hiện rõ. Sự chậm chạp trong việc áp dụng các sản phẩm phái sinh, rút ngắn thời gian thanh toán và giao dịch cổ phiếu đã không được áp dụng sau suốt một thời gian dài chờ đợi do sự phức tạp của nó đối với cơ quan quản lý.
Thống kê của SSC cho thấy quy mô thị trường đang lớn dần. Số lượng công ty niêm yết đã tăng từ 457 vào tháng 12-2009 lên 600 hiện tại và số tài khoản của nhà đầu tư đến đầu tháng chín này đã đạt 966.500. Gần một triệu tài khoản chứng khoán trên số dân 85 triệu người vẫn còn quá nhỏ, nhưng tốc độ gia tăng tài khoản đã tăng khoảng 180% nếu tính từ cuối năm 2008 đến nay.
Các diễn giả kiến nghị gì từ những khó khăn của thị trường chứng khoán? Ông Hùng: “Tiến hành chính sách tiền tệ linh hoạt với biên độ tỷ giá thích hợp nhằm tránh tác động tâm lý đến nhà đầu tư ngoại. Tiếp tục cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước để tạo hàng hóa chất lượng cao cho thị trường. Tăng cường giám sát các định chế trung gian”. Ông Chí: “Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại việc áp dụng một số thông tư quy định mới như 13, 493. Bộ Tài chính sớm ban hành quy chế giao dịch cổ phiếu T+2”.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhìn nhận một vấn đề nóng, được liệt vào danh sách các yếu tố gây rủi ro cho chứng khoán là tỷ giá: “Tiền đồng vẫn đang trong quỹ đạo mất giá so với đô la Mỹ nếu xét khía cạnh chênh lệch lạm phát giữa Mỹ và Việt Nam. Theo tính toán của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia thông qua tỷ giá thực song phương lấy năm gốc là 2000, tiền đồng đang được định giá cao hơn 13,2% so với giá trị. Đến thời điểm này, sức ép tăng tỷ giá trong năm 2010 đã giảm nhưng vẫn còn tồn tại”.
Như vậy cơ hội cho chứng khoán đang phụ thuộc nhiều vào hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực chi phối và tác động nhiều nhất đến chỉ số VN-Index.
Lưu Hảo
tbktsg
|