TTCK Việt Nam:
Cơ hội tạo đáy trong năm 2010?
(Vietstock) – Sự giằng co quyết liệt của thị trường trong những tháng đầu năm, sự đổ vỡ nhanh chóng của những ngưỡng chống đỡ mạnh, sự biến động quá lớn của các nhóm cổ phiếu... đã khiến cho giới phân tích e ngại về triển vọng của thị trường trong năm 2010. Câu chuyện của năm 2008 dường như đang được nhắc lại, khi mà thị trường liên tục tuột dốc.
Tuy vậy, qua những phân tích kỹ thuật và định lượng, chúng tôi nhận thấy thị trường hiện nay có nhiều cơ hội hơn là rủi ro. Nói một cách khác, chúng tôi nghiêng về kịch bản thị trường đang tạo đáy. Trong trường hợp ngược lại, thị trường sẽ tụt dốc và rất khó xác định đáy trong năm 2010.
1. Điểm nhấn đáng chú ý của thị trường: Khối lượng
Một thực tế ngoài khuôn khổ lý thuyết
Có một thực tế phải nhìn nhận ở thị trường chứng khoán Việt Nam: khối lượng sụt giảm mạnh trong một downtrend là tín hiệu tích cực. Điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó lại là một quy luật được kiểm nghiệm tại thị trường Việt Nam.
Hầu hết các lý thuyết về phân tích kỹ thuật đều cho rằng trong một xu hướng giảm, khối lượng gia tăng mới là điều tốt, vì khi đó lượng người tham gia thị trường để bắt đáy nhiều và sẽ tạo nên động lực đảo chiều cho thị trường. Điều này bắt nguồn từ định đề 5 của Lý thuyết Dow, trong đó Charles Dow đánh giá cao sự biến động ngược chiều giữa giá và khối lượng.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nguyên tắc này không hoàn toàn chính xác tại thị trường Việt Nam. Có một thực tế ngoài khuôn khổ lý thuyết là khối lượng vẫn biến động cùng với xu hướng (Volume goes with the Trend) nhưng đó là sự biến động cùng chiều, chứ không phải ngược chiều.
Hai nhóm nhà đầu tư chính đang hiện diện
Nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy có hai nhóm nhà đầu tư chính trên thị trường hiện nay.
Một là nhóm nhà đầu tư đã cắt lỗ trong giai đoạn thị trường sụt giảm từ 550 điểm xuống dưới 480 điểm. Nhóm này đang giữ tiền và tìm cơ hội quay trở lại thị trường. Hai là nhóm nhà đầu tư có mức thua lỗ lớn và không còn muốn bán cắt lỗ.
Vì vậy, lượng cung giá thấp đã sụt giảm rõ rệt trong những phiên giao dịch gần đây. Bên cạnh đó, lượng bán giải chấp dường như cũng phần nào suy giảm trong những phiên vừa qua. Điều này sẽ dẫn đến một hệ quả là khối lượng giao dịch sẽ tiếp tục duy trì ở mức tương đối thấp trong thời gian tới
Kịch bản năm 2009 lặp lại
Nếu chỉ nhìn dưới góc độ khối lượng, chúng ta sẽ thấy giai đoạn hiện nay rất giống với giai đoạn đầu năm 2009. Khối lượng liên tục suy giảm trong nhiều tháng và sau đó chững lại trong vài tuần tại mức thấp kỷ lục.
Điều này cho chúng ta một sự nhìn nhận về tính trạng hiện tại của thị trường: VN-Index rất có thể đang hình thành một đáy trung hạn. Chúng ta sẽ làm rõ thêm luận điểm này khi đi vào phân tích tính chu kỳ.
2. Chu kỳ đang ủng hộ bullish group
Chu kỳ xu hướng ngắn hạn của VN-Index
Theo các công cụ phân tích chu kỳ (Cycle Line, Cycle Binary System, Trend Identification...), một xu hướng ngắn hạn của VN-Index thường kéo dài từ 3 – 4 tháng. Cụ thể hơn, theo báo hiệu từ Cycle Binary System thì thị trường đang đi vào giai đoạn cuối của một xu hướng giảm giá ngắn hạn kéo dài từ giữa tháng 06/2010. Xu hướng này rất có thể sẽ kết thúc trong tương lai không xa.
Sự trùng khớp về mặt thời gian giữa Cycle Line và Fibonacci Zones
Có một điều khá thú vị trong giai đoạn vừa qua. Đó là sự trùng khớp về mặt thời gian giữa Cycle Line và Fibonacci Zones. Chúng đều cho tín hiệu rằng khả năng tạo đáy trong thời gian tới (khoảng 2 – 5 tuần) là khá cao. Đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng để chúng ta thiết lập chiến lược đầu tư cho những tháng cuối năm 2010.
3. Vùng hội tụ (Converging zone) xuất hiện
Phân tích theo trường phái Line & Fibonacci, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra thị trường đang hình thành một vùng hội tụ chống đỡ rất mạnh tại vùng 420 – 445 điểm. Có đến 4 yếu tố chống đỡ mạnh đang hiện diện tại đây.
Đáng chú ý nhất vẫn là đường trendline chống đỡ dài hạn (trendline số 1). Đây có thể coi là đường xương sống của thị trường trong suốt 6 năm qua. Ngưỡng này chỉ bị phá vỡ khi có một cuộc khủng hoảng thực sự xảy trong nền kinh tế. Vì vậy, việc giá test lại ngưỡng này có thể coi là một cơ lớn cho việc đầu tư.
Xét trên một chu kỳ ngắn hơn (3 năm), chúng ta cũng thấy được có một ngưỡng chống đỡ khác là Fibonacci Projection 23.6% cũng đang tồn tại ở mức điểm 425. Ngưỡng này đã từng được test một lần rất thành công vào tháng 12/2009 và đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thị trường.
Yếu tố chống đỡ thứ ba là đường Simple Moving Average 90-Weeks. Đây cũng là một ngưỡng chống đỡ khá hiệu quả cho VN-Index trong thời gian qua.
Ngưỡng chống đỡ cuối cùng có khoảng thời gian ngắn nhất nhưng lại được giới phân tích kỹ thuật sử dụng nhiều nhất, đó là Fibonacci Retracement trung hạn. Với rất nhiều lần test thành công trong hơn 1 năm qua, ngưỡng này cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới.
4. Trong trường hợp nào TTCK Việt Nam sẽ giảm sâu?
Với sự sụt giảm tương đối mạnh và bất ngờ như giai đoạn vừa qua, nhiều nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi là khi nào thì nên nghĩ đến việc cắt lỗ nếu như bắt đầu mua từ thời điểm này? Câu trả lời là nên cắt lỗ những cổ phiếu đã mua khi vùng 420 – 445 điểm bị thủng hoàn toàn. Vì khi đó, các ngưỡng chống đỡ mạnh hiện nay sẽ trở thành kháng cự trong dài hạn và xu hướng của thị trường sẽ thay đổi rất lớn như đã xảy ra trong năm 2008.
Tóm lại, thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm sâu và khó dự báo được đáy nếu như vùng 420 – 445 điểm bị thủng hoàn toàn.
5. Thị trường thế giới đang ở đâu?
Thị trường VIệt Nam đang ngày càng tương quan mạnh với thị trường thế giới. Vì vậy, không thể bỏ qua việc phân tích thị trường thế giới trong giai đoạn quan trọng này.
Dow Jones – Broadening Wedge đang dần hình thành
Điều mà giới phân tích kỹ thuật Mỹ đang nhắc đến là một mẫu hình broadening wedge đang hình thành trên Dow Jones. Bắt đầu từ đầu tháng 6, sự xuất hiện breakpoint của mẫu hình này trong tương lai có thể sẽ đánh dấu một sự bùng nổ mới của thị tường Mỹ.
Một yếu tố khác cũng cần đề cập đến là Displaced Moving Average 250X25 và vùng 9,800 – 10,000 điểm. Sự vững chắc của hai yếu tố chống đỡ này đã giúp thị tường Mỹ thoát khỏi những đợt giảm sâu. Triển vọng trong thời gian tới của Dow Jones vẫn còn khá tốt khi mà ngưỡng 9,800 điểm vẫn chưa bị phá vỡ.
Nikkei 225 – ISTS cho tín hiệu lạc quan
ISTS (Identification System of Trend Strength) cho thấy thị trường chứng khoán Nhật Bản đang đi vào giai đoạn cuối của trend giảm giá trung hạn kéo dài từ cuối tháng 03/2010. Mặt khác, giá đã test đường internal trendline khá nhiều lần nhưng chưa thể phá vỡ được đường này. Đây là tín hiệu khá tích cực của thị trường Nhật Bản. Khả năng có phục hồi trong thời gian tới đang được cải thiện.
Các chỉ báo khác thuộc nhóm Momentum hay Strength cũng đang hình thành nên những phân kỳ giá lên. Nói cách khác, chúng cũng đang ủng hộ cho sự trỗi dậy của thị trường này.
6. Chiến lược đầu tư nào cho những tháng cuối năm 2010?
Với những phân tích trên, chúng tôi bảo lưu quan điểm lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn. Việc dự đoán những dao động ngắn hạn vào lúc này không còn quan trọng.
Chúng tôi cũng cho rằng việc trading ngắn hạn cũng sẽ không đem lại nhiều thành quả trong thời gian tới. Chiến lược buy & hold dài hạn nhiều khả năng sẽ trở thành tâm điểm của chiến lược đầu tư trong những tháng cuối năm 2010.
Chiến lược phòng thủ toàn diện chỉ nên được thực hiện nếu như vùng 420 – 445 điểm bị thủng hoàn toàn.
Xét dưới góc độ điều tiết danh mục, chúng tôi cho rằng đã có thể bắt đầu chuyển dần sang những cổ phiếu có beta lớn hơn 1 để tận dụng tính biến động mạnh của chúng khi thị trường đảo chiều. Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tưởng thưởng cho hành động bình tĩnh và khôn ngoan mua vào tại thời điểm này.
Nguyễn Quang Minh, Chuyên viên PTKT
|