Thứ Sáu, 30/07/2010 09:38

Gian nan đường lên sàn

Năm 2010 đánh dấu mốc 10 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đáng nói là mặc dù cổ phiếu ngân hàng từng lên ngôi “vua” từ năm 2006 – 2007, nhưng đến giờ vẫn chỉ có 6 cổ phiếu ngân hàng được niêm yết trên sàn chính thức.

Thời điểm này, do nhiều yếu tố, có ngân hàng (NH) đang vội vã hoàn tất thủ tục để lên sàn trong năm 2010, nhưng cũng có NH lên hoạch đã lâu, nay lại im hơi lặng tiếng… Đường lên sàn của các NH đang trở nên gian nan hơn.

Đâu rồi thời vàng son?

Có thể nói, những năm 2006 - 2007 là thời vàng son của cổ phiếu NH. Cổ phiếu NH, lúc đó, dù chỉ trên sàn OTC, cũng luôn là niềm ao ước của dân chơi chứng khoán cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. Tháng 5/2006, chỉ trong vòng hai tuần, giá một số cổ phiếu NH trên OTC đã tăng 30 - 70%, với tổng giá trị giao dịch khổng lồ. Cổ phiếu của Ngân hàng Á Châu (ACB) thời điểm giữa năm 2006 đã lên hơn 10 chấm; của Eximbank là 7,2… Riêng cổ phiếu của Ngân hàng Phương Đông, một NH thương mại cổ phần (NHTMCP) nhỏ, cũng đã lên đến gần 7 chấm, tăng khoảng 70% trong vòng một tháng. Năm 2007, đã có người bỏ ra tiền tỷ chỉ để mua thâm niên công tác của cán bộ, nhân viên ngân hàng Vietcombank, hầu mong “bỏ con cá rô, bắt con cá sộp” khi NH này IPO. Rồi người ta hào hứng mua bán cả những cổ phiếu NH ảo, (vì NH đó mới chỉ được dự định thành lập)! Giới phân tích cho rằng, cổ phiếu NH trở thành “cổ phiếu vua” bởi hai yếu tố cơ bản. Thứ nhất, đó là do sự thăng hoa chung của thị trường chứng khoán khi chỉ trong 3 tháng cuối năm 2006 và đầu 2007, chỉ số giá chứng khoán tăng từ 500 điểm lên trên 1.000 điểm. Đã có lúc người ta phải đặt câu hỏi đầy lo lắng bởi sự phát triển tới 300% trong vòng 1 năm, từ tháng 4/2006 đến tháng 3/2007 của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thứ hai, năm 2007 cũng là năm “ăn nên làm ra” của ngành NH, khi tăng trưởng huy động vốn lên đến 50%, và tăng trưởng tín dụng ở mức 40% so với năm 2006. Đây cũng là năm các NHTMCP thể hiện kết quả kinh doanh ấn tượng và nỗ lực đầu tư không mệt mỏi để phát triển công nghệ, dịch vụ và mạng lưới hoạt động. Cổ phiếu NH còn có thêm “lực đẩy” khi  nhiều NHTMCP có cổ đông chiến lược nước ngoài. Thế nhưng đó là chuyện của những năm trước. Hiện tại, cổ phiếu NH vẫn có vị trí đặc biệt đối với nhà đầu tư, nhưng không còn được “tiền hô hậu ủng” nữa. Lâu rồi, giá của 6 cổ phiếu NH được niêm yết chính thức trên hai sàn HNX và HoSE chỉ di chuyển trong biên độ hẹp, không có sự bứt phá nào đủ tạo hứng khởi cho giới đầu tư. Và nguyên nhân, cũng xuất phát từ chính hai yếu tố trên, nhưng hoàn toàn ngược lại: chỉ số VN-Index  đã và sẽ còn loanh quanh ở mức 500 - 550 điểm. Còn hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thì thực sự khó khăn.

Đường lên sàn: tuy xa mà gần, tuy gần mà xa!

Tháng 5/2010, Vietcombank công bố chào bán 112.285.426 cổ phiếu ra công chúng, với giá bằng mệnh giá, nhằm tăng vốn điều lệ từ hơn 12.100 tỉ đồng hiện nay lên khoảng 13.223 tỉ đồng. Eximbank cũng vừa được NHNN cho phép nâng vốn điều lệ từ trên 8.800 tỉ đồng hiện nay lên hơn 10.500 tỉ đồng. Việc tăng vốn của Eximbank sẽ được thực hiện qua hình thức phát hành thêm cổ phiếu. Ngân hàng này sẽ trích khoảng 47,42% từ thặng dư vốn cổ phần đến cuối năm 2009 để phát hành 176.001.600 cổ phiếu, tương ứng với hơn 1.760 tỉ đồng, và thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%. Với việc phát hành cổ phiếu như trên, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu NH không khỏi lo lắng về việc cổ phiếu bị “pha loãng”.

Thông tin về việc Habubank được NHNN chấp thuận niêm yết trên HNX là đáng chú ý, nhưng chưa hẳn là vui đối với những người quan tâm đến cổ phiếu NH. Vì cũng trong trung tuần tháng 7/2010, NHTMCP Phương Tây (Western Bank) đã bị HoSE hủy niêm yết 100 triệu cổ phiếu (mã WEB) của ngân hàng này. Có nhiều thông tin giải thích hiện tượng Western Bank như NH này tự xin rút lui để tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay. Lại cũng có tin rằng, đó là do Western Bank chưa tìm được nhà đầu tư lớn, có khả năng “cứu giá” khi WEB chính thức niêm yết… Bên cạnh đó, có vài NH đã “đánh tiếng” sẽ lên sàn chính thức trong năm nay như: Navibank, DaiA Bank (đã hủy kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM để chuyển sang niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung trong năm nay); Saigon Bank; OCB; MB... nhưng đến giờ vẫn chưa thấy đâu.

Giới chuyên môn nhận định, việc có đến hơn 20 NHTMCP phải tăng vốn điều lệ lên mức 3.000 tỷ đồng sẽ tạo nên nguồn cung cổ phiếu lớn trong những tháng cuối năm. Điều này sẽ khiến cố phiếu NH có nguy cơ “nhiều như quân Nguyên” trên UPCoM và cả trên hai sàn chính thức. Do đó, không ai dám chắc, cổ phiếu NH sẽ thay đổi như thế nào, và trong số những NHTM cần tăng vốn kia, sẽ có bao nhiêu NH chọn cách lên sàn. Trong khi đó, Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc tổ chức tín dụng cổ phần đăng ký niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng, sẽ ban hành nay mai. Chắc chắn các NH sẽ phải tính kỹ hơn khi quyết định “lên sàn”.

Ngân Hà

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Bẫy “ảo” trên thị trường chứng khoán (30/07/2010)

>   Chứng khoán mệt mỏi với dòng tiền (30/07/2010)

>   TTCK hay sới bạc? (30/07/2010)

>   Thị trường ngày 30/07 và góc nhìn từ CTCK (30/07/2010)

>   Cổ phiếu Ngân hàng: Gian nan lôi cuốn nhà đầu tư (29/07/2010)

>   Phân tích kỹ thuật trên TTCK Việt Nam: Hư thực (29/07/2010)

>   Ì ạch cổ phiếu bảo hiểm (29/07/2010)

>   Lãnh đạo CTCK chơi chứng khoán: Ai quản lý? (29/07/2010)

>   APS nâng bậc trong Top thị phần môi giới tại HNX (29/07/2010)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ sau 9 phiên giảm điểm (29/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật